Trong khi chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên ngày càng tiến triển, ngày càng nhiều người Hàn Quốc đang kêu gọi tái khởi động dự án vũ khí hạt nhân chiến thuật. Đây được coi là một biện pháp hữu hiệu để chống lại mối đe dọa từ miền Bắc.

Hải quan Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật hôm 6/7/2017 tại vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

Tờ DailyCaller, dẫn theo một khảo sát gần đây tại Hàn Quốc, cho biết rằng 60% người dân Nam Hàn đồng ý đất nước nên sở hữu vũ khí hạt nhân. Khảo sát này cũng cho thấy, những người càng nhiều tuổi càng có xu hướng bảo thủ hơn. 80% người trên 50 tuổi tại Hàn Quốc ủng hộ việc tái vũ trang vũ khí nguyên tử tại miền Nam.

Vào năm 1991, Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã tiến hành loại bỏ vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi Hàn Quốc. Đây được xem là một phần trong một nỗ lực rộng lớn hơn nhằm duy trì tình trạng phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, kể từ năm 2006 tới nay, Bắc Hàn đã thực hiện tới 6 lần thử bom hạt nhân, lần thử gần nhất chế độ Kim Jong-un tuyên bố đó là một vụ nổ bom nhiệt hạch thành công. Bình Nhưỡng đã đạt được những bước tiến đáng kể trong công nghệ hạt nhân, điều đó cho thấy rằng mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo gần như đã thất bại. Lập luận này được chính cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ James Clapper đưa ra vào tháng 10 năm ngoái – một tháng sau khi Bắc Hàn thử hạt nhân lần 5.

Cũng sau vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn vào 9/9 năm ngoái, một số nghị sĩ quốc hội Hàn Quốc đã kêu gọi cần nhanh chóng tái triển khai vũ khí hạt nhân tại miền Nam. Dân biểu Lee Cheol-woo khi đó đã nói rằng: “Chúng ta cần xem xét mọi lựa chọn, bao gồm cả việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật, tấn công các cơ sở liên quan của Bắc Hàn, và loại bỏ chế độ Kim Jong-un”.

Những lời kêu gọi cứng rắn như vậy cũng được phản ánh nhiều trên các phương tiện truyền thông xã hội Hàn Quốc trong năm ngoái.

Các cuộc thảo luận như vậy tiếp tục nóng lên thời gian gần đây sau khi Bắc Hàn tiến hành thử  hạt nhân lần 6 vào hôm 3/9. Tuy nhiên, chính phủ cấp tiến của Tổng thống Moon Jae-in vẫn khẳng định rõ ràng rằng chính sách của họ về vũ khí hạt nhân chiến thuật vẫn không thay đổi, vẫn bảo lưu chính sách phi hạt nhân hóa.

Phát ngôn viên của văn phòng Tổng thống Hàn Quốc hôm thứ Bảy (9/9) đã nói rằng: “Không có thay đổi trong chính sách của chính phủ về nguyên tắc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, và chúng tôi chưa bao giờ xem xét lại việc tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật”.

Theo hãng tin Yonhap, chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố rằng việc tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ khiến cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đi tới “trạng thái thất bại”.

Đảng Hàn Quốc Tự do (Liberty Korea) theo đường lối bảo thủ, có tên là đảng Saenuri trước khi cựu Tổng thống Park Geun-hye bị luận tội và phế truất vào tháng 3 năm nay, cũng đã từng tẩy chay nhiều phiên họp quốc hội bàn về tái triển khai vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, theo tờ Korea Herald, các nhà lập pháp thuộc đảng này gần đây đang thúc đẩy trở lại các phiên thảo luận về một Hàn Quốc có vũ trang hạt nhân.

Chủ tịch Đảng Hàn Quốc Tự do Hong Joon-pyo mới đây trao đổi với phóng viên rằng: “Mọi thứ đã trở nên rất rõ ràng rằng ngoại giao và đàm phán không phải là một giải pháp. Điều đó có nghĩa rằng con đường duy nhất mà chúng ta có thể thực hiện đó là thông qua triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật”.

Những người theo quan điểm bảo thủ đang ngày càng gia tăng yêu cầu giới chức miền Nam phải xem xét lại vị thế của mình trước những phát triển công nghệ hạt nhân mới nhất của Bắc Triều Tiên.

Một nghị sĩ bảo thủ khác cho biết: “[Triển khai vũ khí hạt nhân] là một biện pháp mà chúng ta ít nhất nên làm để ngăn chặn các mối đe dọa đang leo thang từ Bắc Triều Tiên. Động thái này có thể giúp Hàn Quốc xua tan lo lắng về vấn đề an ninh và cho thấy ưu thế quân sự của chúng ta trước miền Bắc”.

Đảng tự Dân chủ cầm quyền tại Hàn Quốc phần lớn ủng hộ đối thoại, ngoại giao, phản đối các lựa chọn quân sự. Tuy nhiên, sau những động thái khiêu khích ngày một nghiêm trọng của miền Bắc, phe Dân chủ và chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in cũng đã bắt đầu có những lựa chọn vũ trang mới, từ việc triển khai hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tới mở rộng giới hạn trọng tải các đầu đạn tên lửa. Một vài quan chức quốc phòng Hàn Quốc thậm chí đã đề cập tới khả năng đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật trở lại miền Nam.

Xuân Thành

Xem thêm: