Hôm thứ Tư (29/6), các nhà lãnh đạo NATO đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Madrid. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã điểm tên Trung Quốc và Nga, nói rằng NATO đang đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ II. Hội nghị thượng đỉnh sẽ đưa ra những quyết định lịch sử và sẽ là một sự thay đổi cơ bản trong khả năng răn đe và phòng thủ của NATO.

Hội nghị thượng dỉnh NATO
Các nguyên thủ quốc gia và chính phủ tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Madrid ngày 29/6/2022. (Ảnh chụp màn hình video FB Nhà Trắng)

Mặc dù Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được thành lập để đối phó với mối đe dọa từ Nga, nhưng những ngày này, ông Stoltenberg đã nói rõ rằng thực tế mới là NATO cũng đang bắt đầu tập trung vào các thách thức từ Trung Quốc, NATO có thể “điều chỉnh khi cần điều chỉnh”.

1. NATO sẽ thực hiện cuộc cải cách phòng thủ tập thể lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Tư, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết các quyết định quan trọng sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh, nhằm tăng cường năng lực của NATO trong một thế giới cạnh tranh kịch liệt và nguy hiểm hơn. Trong một thế giới như vậy, “các chế độ độc tài như Nga và Trung Quốc đang công khai thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Ông Stoltenberg tiếp tục mô tả cách NATO có kế hoạch tăng cường năng lực của mình để ứng phó với các thách thức trong thế giới thực. Ông cho biết các quốc gia thành viên sẽ đạt được sự đồng thuận về khái niệm chiến lược mới của NATO, đây là kế hoạch chi tiết cho an ninh tương lai của NATO.

Ông cũng nói rằng NATO sẽ tiếp tục “tăng cường răn đe và phòng thủ”, tăng cường sức mạnh của NATO, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và đảm bảo rằng liên minh NATO “có các nguồn lực thích hợp để đáp ứng các thách thức an ninh mới”. NATO sẽ tăng cường quan hệ đối tác ở các khu vực lân cận và trên toàn cầu. Đối với NATO, “đây sẽ là một hội nghị thượng đỉnh mang tính thay đổi, vì chúng tôi sẽ đưa ra những quyết định lịch sử”.

Ông Stoltenberg nói rõ rằng NATO hiện đang đối mặt với “cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II”. “Chúng tôi thấy các đồng minh có thể thể hiện sự đoàn kết. Chúng tôi thấy một liên minh đang giải quyết tất cả các mối đe dọa và thách thức mà chúng tôi phải đối mặt một cách mạnh mẽ và thống nhất.”

Ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng các quốc gia thành viên sẽ  đạt được đồng thuận về “sự thay đổi cơ bản trong khả năng răn đe và phòng thủ của NATO”. Ông nói, NATO có nhiều đội hình chiến đấu triển khai ở tiền tuyến; nhiều quân đội sẵn sàng chiến đấu cao và nhiều hơn các thiết bị được triển khai trước.

Ông Stoltenberg cho biết đây là cuộc cải tổ lớn nhất về phòng thủ tập thể của NATO kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, và sẽ đạt được đồng thuận tại hội nghị thượng đỉnh này.

Ông Stoltenberg cho biết, hội nghị thượng đỉnh mang tính thay đổi này sẽ “cho thấy sự thống nhất của liên minh và khả năng thích ứng của NATO khi thế giới thay đổi”.

2. Chiến lược mới của NATO phản ánh thực tế mới: Ứng phó thách thức từ ĐCSTQ

Ông Stoltenberg cho rằng mối đe dọa trực tiếp mà Nga gây ra cho các đồng minh NATO sẽ được phản ánh trong toàn bộ khái niệm chiến lược mới, nhưng khái niệm chiến lược mới này cũng sẽ phản ánh một thực tế mới ở các khía cạnh khác, đó là việc những thách thức mà Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) đặt ra đối với các giá trị quan, lợi ích và an ninh của NATO.

Ông nhấn mạnh: “Khi chúng ta thấy Trung Quốc (ĐCSTQ) đầu tư mạnh mẽ vào các năng lực quân sự hiện đại mới, tên lửa tầm xa, vũ khí hạt nhân và cũng cố gắng kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng, chẳng hạn như mạng 5G của các nước của chúng ta, chúng ta cần cân nhắc đến hậu quả đối với an ninh của chúng ta.”

Ông nói, “Khái niệm chiến lược mới sẽ phản ánh rằng NATO đang thay đổi, thế giới đang thay đổi. Đó là lý do tại sao NATO là liên minh thành công nhất trong lịch sử, chính là mà chúng ta thực sự có thể tiến hành điều chỉnh khi cần điều chỉnh.”

Nói về sự tập trung của NATO vào ĐCSTQ, ông Vivian Zhan, Phó giáo sư tại Đại học Trung văn Hồng Kông, chuyên nghiên cứu về chính trị Trung Quốc cho rằng: “Diễn biến mới chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc (ĐCSTQ) cảm thấy bất an, cảm thấy bị bao vây và cảm thấy bị đe dọa.”

3. Quá trình gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan sẽ nhanh chưa từng có

Ông Stoltenberg nói, các nhà lãnh đạo NATO cũng sẽ đưa ra quyết định lịch sử khi mời Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Điều này dựa trên một thỏa thuận đạt được giữa Phần Lan, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Ba (ngày 28/6). “Đó là một thỏa thuận tốt cho Phần Lan, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ và tất cả chúng ta.”

Về quá trình Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO mất bao lâu, ông nói, “Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định ngay hôm nay, hoặc ít nhất là tại hội nghị thượng đỉnh này, mời Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO. Tốc độ này là chưa từng có.”

Ông giải thích rằng chỉ có vài tuần từ khi hai nước nộp đơn vào giữa tháng 5 và khi NATO chuẩn bị đưa ra lời mời, và thật khó để tìm thấy bất kỳ quy trình chấp nhận nào khác nhanh như vậy.

4. Ông Biden: Mỹ sẽ tăng cường triển khai quân sự ở châu Âu

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Madrid hôm thứ Tư, “Chúng tôi đang đẩy mạnh nỗ lực của mình để chứng minh rằng NATO cần thiết hơn bao giờ hết. Nó quan trọng hơn bao giờ hết.”

“Cùng với các đồng minh của mình, chúng tôi sẽ đảm bảo rằng NATO sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa từ mọi lĩnh vực: đất liền, trên không và trên biển.”

Ông Biden cũng cho biết, Mỹ sẽ xây dựng một trụ sở quân đội thường trực mới ở Ba Lan và triển khai thêm lực lượng Lục quân, Không quân và Hải quân trên khắp châu Âu để ứng phó các mối đe dọa từ Nga.

Ông Biden tuyên bố, các tàu chiến mới của Mỹ sẽ đến Tây Ban Nha, các phi đội máy bay chiến đấu sẽ tới Anh, lực lượng mặt đất sẽ tới Romania, lực lượng phòng không sẽ tới Đức và Ý, và một lượng lớn tài sản sẽ đến Biển Baltic.

Ông cũng nhấn mạnh cam kết của liên minh NATO trong việc “bảo vệ từng tấc lãnh thổ”.

Ông Biden nói rằng các đơn xin gia nhập NATO mang tính lịch sử của Phần Lan và Thụy Điển và quyết định từ bỏ quan điểm trung lập, truyền thống trung lập và gia nhập liên minh NATO của họ “sẽ khiến chúng ta mạnh mẽ hơn, an toàn hơn và NATO càng mạnh mẽ hơn.”

“Theo quan điểm của tôi, chúng ta đang gửi một tín hiệu không thể nhầm lẫn rằng NATO mạnh mẽ và đoàn kết, và các bước chúng ta thực hiện trong hội nghị thượng đỉnh này sẽ củng cố hơn nữa sức mạnh tập thể của chúng ta.”

Ông nói với các phóng viên khi bắt đầu cuộc họp với Tổng thư ký NATO Stoltenberg: “Khi chúng tôi nói rằng một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên là một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên, chính là chúng tôi đang nói một cách nghiêm túc.”

5. Anh cảnh báo rằng ĐCSTQ xâm lược Đài Loan sẽ là một phán đoán sai lầm mang tính thảm họa, thúc giục NATO tăng cường quan hệ với Đài Loan

Ngoại trưởng Anh, bà Liz Truss, cho biết bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO hôm thứ Tư rằng việc Trung Quốc xâm lược Đài Loan sẽ là một “tính toán sai lầm mang tính thảm họa”.

Bà nói: “Khi Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và xây dựng một quân đội đủ năng lực thông qua cưỡng ép kinh tế, họ có khả năng đưa ra ý tưởng sai lầm, dẫn đến những phán đoán sai lầm mang tính thảm họa, chẳng hạn như xâm lược Đài Loan.”

Bà kêu gọi các nước NATO phát triển quan hệ kinh tế và ngoại giao chặt chẽ hơn với Đài Loan.

Bà cũng nói rằng sức ảnh hưởng toàn cầu và sức ảnh hưởng quân sự ngày càng tăng của ĐCSTQ là một vấn đề đối với an ninh của châu Âu – Đại Tây Dương.

6. Bốn quốc gia châu Á – Thái Bình Dương lần đầu tiên được mời tham dự cuộc họp, cho thấy NATO tăng cường tập trung vào mối đe dọa của ĐCSTQ

Các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và New Zealand lần đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO với tư cách khách mời, điều này phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đối với NATO.

Các quan chức Mỹ cho biết trước hội nghị thượng đỉnh rằng lần đầu tiên mời 4 nước tham dự, mục đích là cho thế giới bên ngoài thấy rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine “không làm chúng tôi chuyển hướng chú ý khỏi Trung Quốc. Trên thực tế, hoàn toàn ngược lại.”

Vào tuần trước, Thượng nghị sĩ Thom Tillis, đồng chủ tịch Nhóm quan sát NATO của Thượng viện Mỹ, cho biết rằng cuộc họp NATO sẽ là một “hội nghị thượng đỉnh khác bình thường”. Ông đang đề cập đến việc mở rộng liên minh của NATO và tiếp cận với các đối tác châu Á – Thái Bình Dương để đối kháng với dã tâm toàn cầu của Trung Quốc (ĐCSTQ).

Trả lời phỏng vấn của Washington Post, ông Thom Tillis nói: “Đây là một hội nghị thượng khác bình thường, ngoài việc chúng tôi có hai quốc gia không phải là đồng minh (Phần Lan và Thụy Điển) muốn gia nhập (NATO) và gia tăng 830 dặm biên giới với Nga, chúng tôi cũng có các nước Vành đai Thái Bình Dương đến tham dự, bởi vì NATO đang ngày càng xác nhận rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) là một mối đe dọa ở đó và việc họ (các nước Vành đai Thái Bình Dương) tham gia hội nghị thượng đỉnh cũng là mang tính lịch sử”.

7. Thách thức của ĐCSTQ được đưa vào chiến lược mới của NATO, Bắc Kinh bất mãn

Lần đầu tiên, việc đối phó với mối đe dọa từ ĐCSTQ được vào chiến lược mới của NATO, và 4 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc đã được mời tham gia Hội nghị Thượng đỉnh NATO, một lần nữa như kim đâm vào ĐCSTQ.

Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Tư, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã chỉ trích chiến lược mới của NATO, nói rằng NATO nên ngừng “vẽ đường bằng ý thức hệ, kích động đối đầu chính trị và ngừng cố gắng phát động một cuộc chiến tranh lạnh mới”. NATO cũng nên “từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh, trò chơi có tổng bằng không và cách làm tạo ra ‘kẻ thù'”.

Đối với việc các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản lần đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO với tư cách là quan sát viên, ông Triệu trả lời rằng trong những năm gần đây, NATO tiếp tục đột phá các khu vực và lĩnh vực, cổ súy tập thể đối đầu, cộng đồng quốc tế cần hết sức cảnh giác và kiên quyết phản đối điều này. Ông cũng chỉ trích NATO vì “cách làm kích động đối đầu tập thể, kéo bè kết phái sẽ không thu phục được lòng người, cũng sẽ không thành công”.