Bộ Tư pháp Mỹ hôm 21/9 đã đưa ra cảnh báo đối với các doanh nghiệp Mỹ, nói rằng hành vi đánh cắp bí mật thương mại của Trung Quốc có dấu hiệu gia tăng, cần tăng cường phòng bị.

Embed from Getty Images

 Phó Tổng Chưởng lý Mỹ Adam Hickey. (Ảnh: Getty Images)

Theo CNBC đưa tin, Phó Tổng Chưởng lý Mỹ Adam Hickey nói: “Có nhiều vụ án liên quan đến hoạt động đánh cắp bí mật thương mại.” Hơn nữa, nhiều vụ án chỉ hướng đến Trung Quốc.

Từ năm 2012 đến nay, trong các vụ án gián điệp thương mại được Cơ quan An ninh của Bộ Tư pháp Mỹ xử lý, có hơn 80% liên quan đến Trung Quốc. Ông Adam Hickey nói, tỷ lệ xảy ra các vụ án liên quan đến Trung Quốc trong những năm qua vẫn luôn gia tăng.

Hôm 21/9, ông Adam Hickey tại Singapore đã chia sẻ với CNBC rằng: “Điều này có thể là do người bị hại chú ý hơn đến sự việc xảy ra, đây cũng là một điều tốt.” “Họ có thể đã sẵn sàng tố cáo đến các cơ quan thực thi pháp luật hơn, đây là một điều tốt. Họ có thể đã chịu đựng đủ rồi, và đây cũng là điều tốt.”

Tháng 11/2018, Bộ Tư pháp Mỹ đã khởi động chuyên án “Kế hoạch hành động Trung Quốc” (China Initiative), mục đích là để ứng phó với mối đe doạ an ninh quốc gia đến từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong đó bao gồm các hoạt động như đánh cắp bí mật thương mại và quyền sở hữu trí tuệ, hoạt động tin tặc và gián điệp kinh tế. Phía Trung Quốc chỉ trích Mỹ “Có ý đồ bảo hộ doanh nghiệp Mỹ, và thử nghiệm ngăn cản công nghệ Trung Quốc phát triển”. 

“Điều này đã trở thành một phần của chính sách công nghiệp của ĐCSTQ, là hành vi trộm cắp được nhà nước ủng hộ, họ tặng thưởng cho những người đánh cắp, hoặc cố ý làm ngơ trước những hành vi trộm cắp này.”

Ông chỉ ra, loại hành vi này có liên quan đến kế hoạch chiến lược “Made in China 2025”. Chính phủ Trung Quốc đưa ra kế hoạch này vào năm 2015, mục đích là giảm phụ thuộc vào nhập khẩu công nghệ trong 10 ngành nghề như rô bốt, công nghệ thông tin, hàng không, vận tải đường sắt, sản xuất thuốc sinh học, v.v. Ông Adam Hickey nói: “Tôi tin rằng, trong số 10 ngành nghề này, có 8 ngành nghề liên quan đến các vụ đánh cắp sở hữu trí tuệ đang trong quá trình tố tụng.”

Bộ Tư pháp Mỹ còn nhấn mạnh về mối đe doạ an ninh mạng và lỗ hổng viễn thông.

Ông Adam Hickey từ chối bình luận về công ty viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei, bởi vì hiện tại công ty này đang đối mặt với 2 vụ truy tố tại Mỹ. Tuy nhiên, ông nhắc nhở về mối đe doạ từ các công ty viễn thông và chuỗi cung ứng đến an ninh quốc gia.

Chính phủ Mỹ ngày càng chú ý đến vấn đề đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Chính quyền Tổng thống Trump coi quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề quan trọng cần phải giải quyết trong đàm phán thương mại Mỹ – Trung. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Coons chia sẻ với Đài CNBC hôm 20/9 cho biết, Tổng thống Trump cần đảm bảo, bất cứ cam kết thương mại nào với Trung Quốc đều bao gồm cả biện pháp phòng chống quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ bị đánh cắp.

Phó Tổng thống mỹ Mike Pence phát biểu với CNBC rằng, ngoài thâm hụt thương mại trị giá 500 tỷ USD với Trung Quốc, hàng năm, nước Mỹ còn tổn thất gần 500 triệu USD do bị đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Mike Pence nói: “Thực tế, Trung Quốc không muốn chấp nhận quy tắc thương mại quốc tế, và lạm dụng quy tắc thương mại, trong thời gian dài chiếm lợi từ Mỹ và các nền kinh tế khác.” Ông nói, Tổng thống Mỹ sẽ kiên trì lập trường cứng rắn, cho đến khi Trung Quốc chấp nhận cải cách để tuân thủ quy tắc quốc tế, cũng như sắp đặt lại quan hệ thương mại Mỹ – Trung.

Mối đe doạ an ninh từ Huawei

Hồi tháng 4 năm nay, người đứng đầu Huawei là ông Nhậm Chính Phi đã trả lời phỏng vấn của CNBC và cho biết, mặc dù chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh, Huawei cũng “tuyệt đối không có backdoor trên thiết bị điện thoại di động của mình”, “chúng tôi sẽ không cung cấp bất cứ thông tin khách hàng nào cho bên thứ 3”.

Nhưng theo chuyên gia nói với CNBC rằng, Huawei không có lựa chọn nào khác và đành phải tuân thủ theo yêu cầu của chính phủ ĐCSTQ. Truyền thông đưa tin, theo báo cáo an ninh từ năm 2009 đến 2011 của nhà mạng lớn nhất châu Âu là Vodafone mà Bloomberg News có được, Vodafone đã xác nhận, phần mềm của Huawei có backdoor liên quan đến quyền riêng tư, có thể giúp Huawei truy cập vào mạng của Vodafone tại Ý khi chưa được trao quyền. Tại Ý, Vodafone có hàng triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Không chỉ vậy, trong mạng Internet tại nước Anh, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha của Vodafone,  cũng phát hiện nhiều lỗ hổng.

Tờ De Volkskrant tại Hà Lan đưa tin, Tổng cục Tình báo và An ninh Hà Lan (AIVD) đã phát hiện, trong mạng của một doanh nghiệp viễn thông địa phương, đã phát hiện Huawei giấu backdoor bên trong, để cho Huawei có thể tuỳ ý lấy và lưu trữ thông tin của khách hàng; Tổng cục Tình báo và An ninh Hà Lan cho rằng, việc này có thể liên quan đến hoạt động gián điệp của chính phủ Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, ông Joe Manchin – Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bang Tây Virginia, thành viên của Uỷ ban Tình báo Thượng viện Mỹ, đã nói rõ ràng rằng, Mỹ đã nắm chắc được chứng cứ backdoor của Huawei. Tuy nhiên, do thông tin của Uỷ ban Tình báo đều được giữ bí mật, nên ông từ chối tiết lộ chi tiết.

Huệ Anh

Xem thêm: