Vào tháng 9/2022, các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 và Nord Stream 2 của Nga nằm ở biển Baltic đã bị hư hại dẫn đến rò rỉ khí gas do các vụ nổ không rõ nguyên nhân. Truyền thông Anh tiết lộ, Nga có kế hoạch bịt kín đường ống Nord Stream bị hư hại để ngăn nước biển ăn mòn. Cho đến nay, nguyên nhân vụ nổ và thủ phạm vẫn chưa được xác định.

shutterstock 2053513682
Sơ đồ tuyến đường ống khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 (Ảnh: MillerZ / Shutterstock)

Reuters tiết lộ Nga có kế hoạch niêm phong đường ống dẫn khí đốt Nord Stream

Reuters dẫn các nguồn thạo tin ngày 3/3 tiết lộ rằng Nga đang chuẩn bị niêm phong đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream bị hư hại do chưa có kế hoạch sửa chữa hoặc khởi động lại ngay lập tức.

Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream số 1 và số 2 do Gazprom thuộc sở hữu nhà nước xây dựng, vận chuyển 110 tỷ mét khối (bcm) khí đốt tự nhiên đến Đức qua Biển Baltic mỗi năm. Sau vụ nổ đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream vào cuối tháng 9/2022, chỉ có đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 có một đường ống là còn nguyên vẹn.

Gazprom cho biết, từ góc độ kỹ thuật, việc sửa chữa đường ống dẫn khí Nord Stream bị vỡ do vụ nổ là khả thi.

Báo cáo dẫn các nguồn tin cho biết, chính quyền Moscow tin rằng không có nhiều cơ hội để cải thiện quan hệ với phương Tây trong tương lai gần, và khả năng khởi động lại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream cũng rất nhỏ. Mặc dù hiện tại không có kế hoạch khôi phục, nhưng ít nhất đường ống dẫn khí Nord Stream sẽ được bảo tồn để có thể kích hoạt lại trong tương lai. Nếu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vận chuyển bằng đường biển ở Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, châu Âu có thể lại sẵn sàng nhập khẩu thêm khí đốt từ Nga.

Do đó, một lớp phủ có thể được thêm vào các đầu của đường ống dẫn khí tự nhiên bị nứt để ngăn nước biển ăn mòn.

Sau khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ, quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu trở lên căng thẳng. Trong hoàn cảnh lúc đó, đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 đã bị gián đoạn, điều này cũng ảnh hưởng đến việc vận hành  Nord Stream 2. Cả Mỹ và Ukraine đều chỉ trích sự phụ thuộc của Đức vào năng lượng của Nga.

Bộ Năng lượng Nga và Gazprom đã không trả lời các yêu cầu bình luận. Các cổ đông của Nord Stream AG là Wintershall Dea AG, N.V. Nederlandse Gasunie và Engie từ chối bình luận.

Người phát ngôn của cổ đông Công ty năng lượng Đức E.ON cho biết: “Theo như chúng tôi biết, với tư cách là một cổ đông thiểu số, không có quyết định nào ủng hộ hay phản đối việc khôi phục đường ống.”

Sự kiện nổ đường ống dẫn khí  Nord Stream

Ngày 26/9/2022, đường ống  Nord Stream 1 và  Nord Stream 2 nằm dưới đáy biển Baltic từ Nga đến Đức đã phát nổ cùng ngày khiến một lượng lớn khí đốt tự nhiên bị rò rỉ vào vùng biển lân cận. Đan Mạch và Thụy Điển phát hiện rò rỉ khí ở 4 nơi trong vùng biển kinh tế tương ứng của họ. Hai đường ống thường được bảo trì và vận hành bởi Gazprom. Sau vụ nổ, Mỹ, Liên minh châu Âu, NATO và Nga đều cho rằng vụ nổ là do con người phá hoại.

Vào ngày 30/9/2022, Đan Mạch và Thụy Điển đã đệ trình một báo cáo chung lên Liên Hợp Quốc, nêu rõ rằng vụ rò rỉ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho đường ống khí đốt tự nhiên Nord Stream là do khoảng 500 pound thuốc nổ TNT gây ra. Tuy nhiên, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức cho đến nay vẫn chưa sẵn sàng bình luận về việc ai đứng đằng sau vụ việc, cũng như không quy trách nhiệm cho bên nào hay quốc gia nào. Tuy nhiên họ đều đồng ý rằng vụ nổ đường ống dẫn khí đốt tự nhiên là do con người gây ra.

Reuters đưa tin, trong tình huống không cung cấp bằng chứng, Nga khẳng định phương Tây đứng sau vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream.

Người đoạt giải Pulitzer đã đăng bài viết nói rằng Mỹ làm nổ Nord Stream 2

Vào ngày 8/2, ông Seymour Hersh, người đoạt giải báo chí Pulitzer, đã đăng một bài viết trên trang web cá nhân của mình với tựa đề “Mỹ đã hủy hoại Đường ống Nord Stream như thế nào” (How America Took Out The Nord Stream Pipeline). Bài viết nói rằng vào tháng 9/2022, các thợ lặn của Hải quân Mỹ đã đặt bom có ​​thể kích nổ từ xa dưới đáy Biển Baltic, phá hủy đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2. Hải quân Mỹ đã tiến hành hoạt động dưới vỏ bọc của cuộc tập trận quân sự hàng hải NATO “BALTOPS 22”.

Trong bài viết, ông Hersh trích dẫn một nguồn tin giấu tên tiết lộ rằng ý tưởng cho nổ tung đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 12/2021, khi cố vấn an ninh quốc gia cấp cao của ông Biden đang thảo luận về việc làm thế nào để ứng phó với việc bùng nổ chiến tranh Nga – Ukraine. Kế hoạch hành động cụ thể đã được Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) xây dựng.

Ông Hersh nói rằng Tổng thống Mỹ Biden đã ra lệnh đánh bom đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 nhằm ngăn Tổng thống Nga Putin “vũ khí hóa khí đốt tự nhiên để đạt được tham vọng chính trị và lãnh thổ của mình”. Bởi vì Đức và các nước châu Âu khác phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga, chính quyền Moscow do ông Putin đứng đầu có thể gây ảnh hưởng chính trị lên Đức và Tây Âu để làm suy yếu viện trợ của Tây Âu cho Ukraine. Nếu không có đường ống dẫn khí đốt Nord Stream, châu Âu sẽ buộc phải chấm dứt sự phụ thuộc năng lượng vào Moscow và Nga sẽ mất nguồn thu nhập hàng tỷ đô la có thể được chi cho chiến tranh.

Hai tuần trước khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ vào ngày 24/2/2022, ông Biden đã công khai tuyên bố rằng nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào Ukraine, Mỹ sẽ không cho phép khai thông đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2.

Ngày 8/2, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Mỹ cần giải thích vai trò của mình trong vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream, đồng thời yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra quốc tế.

Ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Hạ viện Quốc hội Nga (Duma Quốc gia), cho biết: “Các sự thật được công bố sẽ trở thành cơ sở của cuộc điều tra quốc tế và đưa ông Biden và các cộng sự của ông ấy ra trước công lý.” Mỹ cần “bồi thường cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi tấn công khủng bố”.

Theo tờ New York Post của Mỹ, ông Hersh đã đoạt giải Pulitzer, giải thưởng cao quý nhất trong ngành báo chí, cách đây hơn 50 năm vì đã phơi bày vụ thảm sát thường dân Mỹ Lai năm 1968 của quân đội Mỹ tại Việt Nam. Ông cũng là cựu phóng viên của Associated Press và New York Times, đồng thời là cộng tác viên lâu năm của tờ New Yorker.

Bà Adrienne Watson, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, gọi bài viết của ông Hersh là “hư cấu”. 

Bà Tammy Thorp, người phát ngôn của CIA đã viết trong một email rằng: “Tuyên bố hoàn toàn là sai.”

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng bác bỏ tuyên bố này liên quan đến bài viết của ông Hersh đăng trên trang web cá nhân của ông. “Mỹ không liên quan đến vụ đánh bom Nord Stream,” phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, Trung tá Garron J. Garn của Thủy quân lục chiến cho biết trong một tuyên bố ngắn gọn, ông nhắc lại hồi đáp của Lầu Năm Góc vào tháng 10 năm ngoái về câu hỏi tương tự.

The Gateway Pundit: Chỉ có một quốc gia được hưởng lợi từ việc phá hủy đường ống Nord Stream

Vào cuối tháng 9/2022, phương tiện truyền thông bảo thủ của Mỹ là tờ Gateway Pundit đã đăng một bài bình luận nói rằng vào ngày 26/9/2022, 3 vụ nổ ở vùng nước sâu đã gây ra thiệt hại cho đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream. Một trong những vụ nổ có cường độ 2,3 độ richter (trên thang độ Richter), dẫn đến lượng lớn khí gas rò rỉ.

Bài báo dẫn lời hãng thông tấn TASS cho biết, vào khoảng 2h sáng ngày 26/9, vụ nổ đầu tiên xảy ra trên đường ống dẫn khí đốt Nord Stream, cảnh báo rò rỉ khí đốt tự nhiên được đưa ra vào lúc 13:52 ngày hôm đó. Vụ nổ thứ hai xảy ra lúc 7:04 tối ngày 26/9 và cảnh báo rò rỉ khí được đưa ra lúc 8:41 tối. Ngày 26/9, các tàu đi qua vùng biển đã thông báo cho cảnh sát biển biết tình hình trên mặt nước lúc đó, ngày hôm đó không có diễn tập quân sự trên vùng biển.

Theo Reuters đưa tin, nhà địa chấn học Bjorn Lund thuộc Mạng lưới địa chấn quốc gia Thụy Điển tại Đại học Uppsala cho biết dữ liệu động đất do ông và đồng nghiệp thu thập ở Bắc Âu cho thấy vụ nổ xảy ra trong nước biển, chứ không phải trong đá dưới đáy biển.

Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) và Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) sẽ mất nhiều tháng để sửa chữa, hơn nữa phải đợi đến mùa hè năm sau thì mới có thể bắt đầu  công việc sửa chữa đường ống.

Bài viết này phân tích các quốc gia bị nghi ngờ gây thiệt hại cho đường ống dẫn khí đốt Nord Stream của Nga từ các khía cạnh khả năng kỹ thuật, động cơ và cơ hội.

Năng lực kỹ thuật

Từ góc độ năng lực kỹ thuật, chỉ những quốc gia có năng lực chiến tranh hải quân tiên tiến mới có thể thực hiện các hoạt động nổ mìn như vậy. Do đó, Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc đều có khả năng gây thiệt hại cho đường ống dẫn khí Nord Stream.

Tuy nhiên, từ quan điểm địa chính trị và chiến lược, hải quân Pháp và hải quân Trung Quốc hiếm khi tiến hành các cuộc tập trận quân sự và các hoạt động khác ở Biển Baltic. Dù có hoạt động ở Biển Baltic, thì họ cũng phải treo cờ để thể hiện danh tính của mình.

Xem xét rằng Hải quân Mỹ có khả năng chiến đấu cực kỳ mạnh mẽ trên khắp thế giới, do đó các quốc gia bị nghi ngờ đã được thu hẹp xuống còn Vương quốc Anh, Mỹ, Nga và Đức.

Động cơ

Phân tích từ góc độ động cơ, Đức phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn năng lượng như khí đốt tự nhiên của Nga nên nước này không có động cơ để phá hủy huyết mạch năng lượng của mình. Bên cạnh đó, Nga đã giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên do lệnh trừng phạt nặng nề từ các nước châu Âu và Mỹ khiến nguồn cung cấp năng lượng tại Đức bị thiếu hụt. Người Đức gần đây đã tổ chức các cuộc biểu tình lớn, yêu cầu chính phủ rút khỏi liên minh chống Nga để đổi lấy năng lượng giá rẻ.

Anh cũng gia nhập hàng ngũ trừng phạt Nga. Lạm phát và khủng hoảng năng lượng đã khiến nền kinh tế Anh suy thoái, buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải nối lại chính sách tiền tệ nới lỏng định lượng. Bên cạnh việc bận thành lập nội các chính phủ mới, người Anh còn nhiều vấn đề trong nước, khiến họ khó phân thân, do đó, nước Anh khó có động cơ phá hủy đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream.

Nga dường như có một động cơ để phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream: Cần giáng một đòn đau vào châu Âu vì họ đang gửi vũ khí sát thương cho Ukraine. Nhưng Nga không cần phá hủy các đường ống dẫn khí mà chỉ cần kiểm soát dòng khí đốt tới châu Âu, hoặc đóng van các đường ống. Nga đang trả tiền cho một số sửa chữa đường ống và hy vọng sẽ tiếp tục xuất khẩu năng lượng sang châu Âu sau khi chiến tranh Nga – Ukraine kết thúc. Vì vậy, tại sao Nga muốn cắt đứt nguồn tiền của mình?

Bây giờ chỉ còn lại Mỹ. Thứ nhất, Mỹ là nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) số một sang châu Âu sau khi Nga cắt nguồn cung LNG. Nhu cầu cao đối với khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ là lý do chính khiến Đức tham gia vào các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Khi mùa đông sắp đến và bất ổn chính trị cũng như nền kinh tế đang gặp khó khăn của Đức, Berlin có thể trở nên chao đảo bất định, có khả năng giảm bớt các biện pháp trừng phạt, cắt viện trợ vũ khí cho Ukraine, đồng thời cầu xin ông Putin cung cấp năng lượng giá rẻ.

Sự cố đối với Nord Stream 1 và Nord Stream 2 đã cắt đứt đường ống dẫn khí đốt tự nhiên để Đức trở lại nhập khẩu từ Nga. Thứ hai, gia đình ông Biden từ lâu đã vướng vào công ty khí đốt tự nhiên và Ukraine. Hunter Biden (con trai ông Biden) có chân trong hội đồng quản trị của công ty khí đốt tự nhiên lớn nhất Ukraine, một vị trí giúp các nhà tài phiệt Ukraine tiếp cận với ông Joe Biden. Người không có kinh nghiệm về năng lượng như Hunter Biden, đã kiếm được hàng triệu USD từ thương vụ này, trong khi Ukraine có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của ông Biden.

Thứ ba, với tư cách là một đảng viên Đảng Dân chủ, ông Biden cần phải cứu các cuộc thăm dò của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào tháng 11/2022.

Vì vậy, xét về năng lực kỹ thuật và động cơ, chỉ có Chính phủ Mỹ do ông Biden đứng đầu mới có lý do thuyết phục để cắt đứt huyết mạch năng lượng của châu Âu – Nord Stream 1 và 2.

Cơ hội

Tạp chí Seapower, tạp chí chính thức của Liên minh Hải quân, đưa tin Baltops 22, cuộc tập trận quân sự do Hải quân Mỹ tiến hành ở Biển Baltic vào tháng 6, tại khu vực nơi đường ống dẫn khí Nord Stream bị hư hại. Cuộc tập trận quân sự Baltops 22 đã sử dụng công nghệ mới để tập trận, và Hải quân Mỹ có thể kích nổ các mục tiêu chiến đấu cách xa hàng km. Cuộc tập trận cũng thể hiện sự nâng cao liên tục khả năng liên lạc và truyền dữ liệu của quân đội, giúp các hoạt động kích nổ trở nên cơ động hơn và mang lại sự linh hoạt hơn cho Hải quân Mỹ khi tiến hành các hoạt động kích nổ bên ngoài khu vực phòng thủ.

Vì vậy, có khả năng Hải quân Mỹ sẽ có cơ hội đặt bom vào đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream vào tháng 6, để Tổng thống Biden chọn thời điểm kích nổ từ xa.

Và chỉ có Mỹ có cơ hội này trên thế giới.

Ngoài ra, ông Biden và các quan chức Chính phủ Mỹ khác đã bày tỏ sẵn sàng sử dụng các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên như một con bài thương lượng. Ông Biden đã đe dọa sẽ chấm dứt đường ống dẫn khí đốt Nord Stream nếu Nga xâm lược Ukraine.

Dựa trên những phân tích trên, chỉ có Mỹ mới có đủ 3 yếu tố để phá hủy đường ống dẫn khí Nord Stream: khả năng kỹ thuật, động cơ và cơ hội.

Tất nhiên, có đủ 3 yếu tố năng lực kỹ thuật, động cơ, cơ hội chưa hẳn đã làm cho một người trở thành tội phạm, trừ khi có cả sự sa đọa về đạo đức để thực hiện hành vi phạm tội. Ví dụ, bất kỳ ai mang súng đều có khả năng kỹ thuật, động cơ và cơ hội để bắn ai đó vào một thời điểm nào đó, nhưng những người sở hữu súng hợp pháp hầu như không phạm tội liên quan đến súng. Tại sao? Bởi vì lương tâm đạo đức của hầu hết các chủ sở hữu súng hợp pháp ngăn chặn hành vi phạm tội một cách mất lý trí xảy ra.

Mặc dù không thể khẳng định Chính phủ Mỹ đã phá hủy đường ống dẫn khí đốt Nord Stream, nhưng liệu Mỹ có khả năng phạm tội nghiêm trọng ở biển Baltic hay không? Tất nhiên là có.

Ông Radoslaw Sikorski, cựu ngoại trưởng Ba Lan và là thành viên của Nghị viện Châu Âu (European Parliament), đã từng viết trong một dòng tweet: “Cảm ơn nước Mỹ.” Có lẽ ông đang ám thị kẻ cố ý phá hoại đường ống có khả năng là Mỹ.

New York Times: Quan chức Mỹ nói nhóm thân Ukraine là thủ phạm

Hôm 7/3, New York Times có bài viết “Quan chức Mỹ nói tình báo cho rằng nhóm thân Ukraine đã phá hoại các đường ống” (Intelligence Suggests Pro-Ukrainian Group Sabotaged Pipelines, U.S. Officials Say). Bài viết nói rằng thông tin tình báo cho biết một nhóm thân Ukraine đã thực hiện cuộc tấn công vào các đường ống Nord Stream vào năm ngoái, một bước tiến tới việc xác định trách nhiệm cho hành động phá hoại khiến các nhà điều tra ở cả hai bờ Đại Tây Dương bối rối trong nhiều tháng qua.

Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng họ không có bằng chứng cho thấy Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine hoặc quan chức hàng đầu của ông có liên quan đến hoạt động này, hoặc thủ phạm đang hành động theo chỉ đạo của bất kỳ quan chức Chính phủ Ukraine nào.

Trí Đạt (t/h)