Trong nhiều năm, Amazon đã ráo riết mời gọi các nhà bán hàng (seller) Trung Quốc. Vào tháng Một năm nay, tỷ lệ seller mới từ Trung Quốc chiếm tới 75%. Nhưng vấn đề đau đầu tiếp theo đối với Amazon là sự tràn ngập của hàng giả và việc thao túng các bài đánh giá sản phẩm giả mạo. Những người trong ngành chỉ ra rằng khi Amazon đến Trung Quốc để tìm seller, thì chẳng khác gì đang mở “chiếc hộp Pandora” bí ẩn, nhưng mở thì dễ, đóng thì mới khó!

shutterstock 1083512990
(Nguồn: Shutterstock)

Trong sự kiện mới đây, Amazon đã khóa doanh số của tổng cộng 600 thương hiệu Trung Quốc và khoảng 3.000 tài khoản seller (người bán). Bài đăng ngày 19/9 trên tạp chí điện tử The Wire China phân tích, điều này có nghĩa là sau 15 năm cố gắng cạnh tranh với các ‘gã khổng lồ’ thương mại điện tử Trung Quốc như Alibaba và JD.com, Amazon đã phải thừa nhận thất bại.

Amazon mở hộp Pandora

Amazon đã nhiều lần tổ chức hội nghị seller ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Vào tháng 12/2019, “Hội nghị thượng đỉnh xuyên biên giới dành cho các Shop toàn cầu của Amazon” đã được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Thượng Hải. Vào thời điểm diễn ra hội nghị này, khoảng 46% trong số 10.000 seller hàng đầu trên nền tảng Amazon đến từ Trung Quốc. Và Amazon vẫn muốn có nhiều seller Trung Quốc hơn nữa.

Cũng tại hội nghị này, 9 giám đốc điều hành của Amazon đã giải thích cách công ty giúp các nhà sản xuất và seller Trung Quốc tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu một cách dễ dàng với chi phí rẻ. Đây là sự kiện đỉnh cao của Amazon trong việc thu hút seller Trung Quốc và cũng là hội nghị thượng đỉnh lớn nhất của công ty này được tổ chức tại Trung Quốc.

Tuy nhiên ở phương diện khác, bên cạnh việc Amazon mời gọi các seller Trung Quốc, các báo cáo về việc họ bán hàng giả, kém chất lượng hoặc thậm chí là hàng hóa nguy hiểm trên nền tảng này cũng tăng lên. Tờ The Wire China nói rằng mặc dù người bán từ mọi quốc gia trên Amazon đều có những thành phần xấu, nhưng seller Trung Quốc có “tiếng” về việc thao túng các đánh giá giả mạo, trả tiền để tìm người viết các đánh giá tích cực nhằm quảng cáo sản phẩm của họ và đánh giá tiêu cực nhằm hạ bệ đối thủ cạnh tranh.

Ông Jason Lee, đồng sáng lập công ty FBAFlippers, cho biết: “Khi Amazon quyết định đến Trung Quốc tìm seller, họ đã mở chiếc hộp Pandora”.

Trong truyền thuyết Hy Lạp, Pandora được mô tả là một người phụ nữ trẻ tò mò mở một chiếc hộp niêm kín và vô tình để những nỗi thống khổ vĩnh cửu thoát ra gây hại cho loài người. Từ đó người ta gọi câu chuyện này là câu chuyện về chiếc hộp Pandora.

Chiếc hộp Pandora mở ra thì dễ, đóng lại thì khó

Trang The Wire China nói rằng thực tế đã chứng minh, việc cố gắng đóng chiếc hộp ma thuật này là rất khó, giống như con ngựa đã chạy ra khỏi chuồng, tàu đã chạy khỏi sân ga, rất khó kéo lại. Ngoài việc có số lượng lớn seller Trung Quốc trên nền tảng Amazon, rất nhiều seller còn qua mặt quy định của Amazon rằng chỉ được phép sử dụng một tài khoản, từ đó có thể trốn tránh việc bị trừng phạt. Nếu Amazon tạm ngưng một tài khoản của một seller Trung Quốc, seller đó sẽ tiếp tục việc bán hàng bằng cách sử dụng các tài khoản khác.

Kênh truyền thông The Verge đưa tin vào ngày 17/9 rằng mặc dù Aukey là một trong những công ty đầu tiên bị Amazon chặn vào tháng 5, nhưng tính đến tháng 7, công ty vẫn đang bán tai nghe dưới thương hiệu phụ Key Series của mình. Ngay cả trong ngày hôm nay, bạn vẫn có thể mua tai nghe này trên Amazon.

Cuộc tranh cãi lớn đầu tiên do những seller Trung Quốc gây ra là vào năm 2015, khi hàng chục chiếc ván trượt bán trên Amazon bốc cháy và gây tổn thương cho người dùng. Nhiều bảng mạch bị lỗi được bán bởi seller bên thứ ba từ Trung Quốc. Từ phụ kiện Apple giả đến núm ti giả có thể khiến trẻ sơ sinh ngạt thở, người tiêu dùng Amazon đang rất khó khăn trong việc học cách mua hàng, họ cần quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm cần mua. Tuy nhiên, hiện nay, các đánh giá sản phẩm giúp người tiêu dùng phân biệt chất lượng hàng hóa cũng đang bị thao túng.

Sản phẩm giả mang đến tai họa cho chủ sở hữu thương hiệu

Trang The Wire China nói rằng Amazon đã không thể ngăn chặn hiệu quả gian lận trên các nền tảng thương mại điện tử, điều này đã mang lại hậu quả thảm khốc cho một số thương hiệu. Vào năm 2018, ông Kevin Williams, đồng sáng lập và CEO của Brush Hero, một nhà sản xuất bàn chải quay thủy lực, đã làm việc không mệt mỏi với Amazon để cố gắng loại bỏ các sản phẩm Trung Quốc giả mạo khỏi Amazon. Do chất lượng kém của các sản phẩm giả mạo, Brush Hero đã phải chịu rất nhiều đánh giá tiêu cực.

Do đó, doanh số bán hàng tổng thể của Brush Hero không chỉ sụt giảm trên Amazon mà còn cả doanh số bán hàng ngoại tuyến. Sau nhiều tháng vật lộn, Williams nói rằng ông và đối tác đã sa thải gần 20 nhân viên và bán rẻ công ty.

Ngay từ năm 2016, thương hiệu thiết kế giày Birkenstock của Đức cũng đã tuyên bố ngừng kinh doanh trên Amazon vì số lượng hàng giả trên nền tảng này ngày càng gia tăng.

Thiếu kiểm soát chất lượng bán hàng trên Amazon

Amazon quảng bá chương trình “Fulfillment by Amazon” (FBA), cho phép seller Trung Quốc gửi sản phẩm của họ đến kho của Amazon ở Hoa Kỳ để lưu kho với giá rẻ. Toàn bộ quá trình bán hàng, đóng gói, vận chuyển và chăm sóc khách hàng được thực hiện bởi Amazon. Amazon sẽ xử lý việc giao đơn hàng để đảm bảo hàng đến tay người tiêu dùng trong vòng vài ngày.

Tuy nhiên, người tiêu dùng nhanh chóng nhận ra rằng cách làm này có những mặt hạn chế – đó là vấn đề kiểm soát chất lượng. Càng nhiều seller Trung Quốc đăng ký trên nền tảng Amazon, thì càng có nhiều vấn đề về hàng giả và hàng giá rẻ.

Trang The Wire China dẫn lời giáo sư Robert Handfield của Đại học bang North Carolina rằng toàn bộ mô hình kinh doanh của Amazon là về phân phối, không phải mua sắm, vì vậy họ không bao giờ thực hiện kiểm tra hoặc đánh giá các nhà cung cấp liệu có đủ tiêu chuẩn. Toàn bộ mô hình của họ là “người mua tự lưu ý” – các bạn cần phải tự cẩn thận.

Amazon hành động mạnh tay

Vào tháng Năm năm nay, có tin tức về một vụ rò rỉ dữ liệu quy mô lớn đã xảy ra trên một máy chủ của bên thứ ba đặt tại Trung Quốc, làm lộ hàng ngàn đánh giá sản phẩm của seller Trung Quốc. Kể từ đó, Hiệp hội Thương mại Điện tử xuyên Biên giới Thâm Quyến thống kê rằng ít nhất 50.000 tài khoản seller Trung Quốc đã bị đình chỉ, bao gồm một số thương hiệu Amazon Trung Quốc lớn nhất, với tổng thiệt hại ước tính là 15,4 tỷ USD. Tuần trước, Amazon lần đầu tiên trực tiếp thừa nhận hoạt động mạnh tay mới nhất của mình, đó là cấm quyền bán hàng của hơn 600 thương hiệu Trung Quốc và tài khoản của hơn 3.000 seller có liên quan đã bị khóa.

Người phát ngôn của Amazon nói với kênh truyền thông The Verge rằng lý do cấm 600 thương hiệu này bao gồm việc cố ý, lặp đi lặp lại và vi phạm nghiêm trọng các chính sách của Amazon, đặc biệt là lạm dụng các đánh giá.

“Khách hàng dựa vào tính chính xác và tính xác thực của các đánh giá sản phẩm để đưa ra quyết định mua hàng sáng suốt. Chúng tôi đã thiết lập các chính sách rõ ràng cho người đánh giá và đối tác bán hàng để nghiêm cấm việc lạm dụng các tính năng cộng đồng của chúng tôi”, một phát ngôn viên của Amazon nói với kênh The Verge. “Chúng tôi đình chỉ, nghiêm cấm và thực hiện hành động pháp lý đối với những người vi phạm các chính sách này, bất kể họ ở đâu trên thế giới.”

Kênh The Verge cho biết, nhà sản xuất thiết bị điện tử của Trung Quốc, công ty Sunvalley Group từng là con cưng của Amazon. Nhưng một số thương hiệu của Sunvalley – chẳng hạn như Ravpower và VAVA – đã bị xóa khỏi nền tảng Amazon vào tháng Năm, vì bị phát hiện là đã thêm thẻ quà tặng vào đơn đặt hàng của người tiêu dùng, hứa hẹn trả 35 USD để đổi lấy một đánh giá sản phẩm. Allen Fung, cựu tổng giám đốc tập đoàn Sunvalley của Mỹ, nói rằng công ty vẫn chưa được phép quay trở lại nền tảng Amazon, điều này cho thấy Amazon rất nghiêm túc trong việc thay đổi văn hóa của seller Trung Quốc.

Amazon đối mặt với áp lực pháp lý

Trên thực tế, công ty trị giá 1,7 nghìn tỷ USD này dường như đang ở thế phòng thủ. Ngoài rò rỉ dữ liệu, danh tiếng của Amazon cũng bị ảnh hưởng bởi các bản tin theo dõi hàng giả trên nền tảng của Amazon. Các cơ quan thực thi pháp luật và chính phủ ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh cũng bắt đầu gây áp lực lên công ty. Các nhà quan sát trong ngành hiện cho rằng ‘gã khổng lồ’ thương mại điện tử phải tìm ra cách quản lý tốt hơn những seller Trung Quốc của mình, nếu không sẽ có nguy cơ mất đi một trong những lợi thế lớn nhất của nền tảng.

Vào tháng 7 năm nay, Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) đã đệ đơn kiện Amazon, nói rằng Amazon nên ngừng bán hàng và chịu trách nhiệm thu hồi các sản phẩm nguy hiểm được bán trên nền tảng của mình. Các cơ quan quản lý đang tìm cách xác nhận rằng Amazon là nhà phân phối theo luật liên bang, điều này sẽ khiến Amazon và các nền tảng khác như Facebook phải chịu trách nhiệm pháp lý về việc bán hàng hóa gian lận và nguy hiểm.

Để loại bỏ seller bất hợp pháp, Amazon gần đây đã thắt chặt các quy tắc đăng ký – ngoài việc yêu cầu xác thực thân phận, số điện thoại, địa chỉ công ty và thông tin thẻ tín dụng có thể thu phí, Amazon cũng đã bắt đầu cuộc gọi video với seller mới và gửi số xác nhận qua bưu thiếp để xác minh rằng địa chỉ do người bán cung cấp là chính xác. Về lý thuyết, điều này sẽ khiến người bán Trung Quốc khó mở nhiều tài khoản hơn, hoặc nếu họ bị các cơ quan thực thi pháp luật yêu cầu sau khi sản phẩm của họ có vấn đề, họ sẽ khó biến mất hơn, nhưng vẫn còn quá sớm để đánh giá liệu rằng chính sách này sẽ có hiệu quả?

Theo báo cáo bảo vệ thương hiệu đầu tiên được công bố vào tháng Năm, Amazon tuyên bố rằng họ đã chi tổng cộng 700 triệu USD vào năm ngoái và thuê 10.000 nhân viên để chống lại gian lận. Nhưng bất chấp nỗ lực này, hàng giả và các hoạt động gian lận vẫn tiếp tục. 

Đồng thời, seller Trung Quốc tiếp tục tràn vào nền tảng. Vào tháng Một năm nay, khoảng 75% seller mới trên thị trường của Amazon là đến từ Trung Quốc, tăng đáng kể so với năm trước khi seller Trung Quốc chiếm 47% seller mới.

Quy mô của Amazon cũng làm cho việc xóa các đánh giá sai lệch trở thành một nhiệm vụ khó khăn. Nghiên cứu của ông Davide Proserpio, nhà nghiên cứu tại Đại học Nam Carolina, phát hiện ra rằng sau khi một đánh giá giả mạo được đăng lên, thì phải mất tới 100 ngày Amazon mới có thể xóa nó.

Vào ngày 16/6, Amazon đã đưa ra một bài đăng trên blog thừa nhận rằng công ty “không hoàn hảo” trong việc phát hiện các đánh giá giả mạo trên nền tảng. Tuy nhiên, Amazon cũng tuyên bố rằng vào năm 2020, công ty đã chặn hơn 200 triệu bình luận bị nghi ngờ là giả mạo trước khi người tiêu dùng xem được chúng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng chỉ một con số đơn lẻ không thể giúp mọi người hiểu được bối cảnh rộng lớn trong hoạt động của Amazon.

Theo Trương Đình, Epoch Times

Xem thêm: