Chính phủ Ấn Độ hôm thứ Hai (29/6) đã ra quyết định cấm 59 ứng dụng di động, hầu hết đều của Trung Quốc, trong đó có TikTok của Bytedance và WeChat của Tencent. Đây là động thái mới và mạnh mẽ nhất của Ấn Độ nhắm vào Trung Quốc trong không gian mạng trực tuyến từ khi hai nước bùng phát xung đột biên giới trong tháng Sáu này.

Embed from Getty Images

Theo Reuters, Bộ Công nghệ Ấn Độ hôm 29/6 đã ra lệnh, trong đó tuyên bố các ứng dụng Trung Quốc “xâm hại tới chủ quyền, sự toàn vẹn, quốc phòng, an ninh nhà nước và trật tự công cộng của Ấn Độ”.

Theo sau lệnh của Bộ Công nghệ Ấn Độ, Google và Apple sẽ phải gỡ bỏ các ứng dụng bị cấm ra khỏi các chợ ứng dụng trên Android và iOS tại thị trường Ấn Độ.

Lệnh cấm này dự kiến sẽ gây cản trở đáng kể cho tham vọng phát triển tại thị trường Ấn Độ của các công ty Trung Quốc như Bytedance. Công ty chủ quản của ứng dụng TikTok đã đặt cược lớn vào một trong những thị trường dịch vụ trực tuyến lớn nhất thế giới.

Bytedance, doanh nghiệp có trụ sở tại Bắc Kinh, đã có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào Ấn Độ, mở một trung tâm dữ liệu địa phương tại đây. Công ty này gần đây cũng đã gia tăng thuê nhân sự tại Ấn Độ.

Ấn Độ là thị trường cài đặt ứng dụng TikTok nhiều nhất với 611 triệu lượt tải, tương đương chiếm 30,3% tổng số người dùng TikTok, Reuters dẫn theo số liệu của công ty Sensor Tower công bố hồi tháng Tư.

WeChat của Tencent cũng khá phổ biến tại Ấn Độ. Ứng dụng này đã được tải hơn 100 triệu lần tại Ấn Độ trên Android của Google, UC Browser của Alibaba và hai ứng dụng của Xiaomi.

Theo Reuters, Google nói rằng họ vẫn đang đợi lệnh của chính phủ Ấn Độ, trong khi Apple và Bytedance không phản hồi yêu cầu bình luận.

Đây là bước đi nhanh và mạnh mẽ nhất mà chính phủ Ấn Độ có thể thực hiện để đặt áp lực kinh tế lên các công ty Trung Quốc”, Reuters dẫn lời ông Santosh Pai của công ty luật Link Legal – hãng luật Ấn Độ đã tư vấn cho nhiều công ty Trung Quốc.

Đề xuất thay thế sản phẩm Trung Quốc

Làn sóng tẩy chay bắt đầu khi nhà cải cách giáo dục Ấn Độ nổi tiếng Sonam Wangchuk đã phát đi lời kêu gọi tẩy chay Trung Quốc với những khẩu hiệu như “Tẩy chay Trung Quốc”, “Tẩy chay Sản xuất tại Trung Quốc” và “Bất cứ nơi đâu trừ Trung Quốc”.

Lấy động lực từ lời kêu gọi của ông Wangchuk, cậu bé Chirag Bhansali 16 tuổi đã lập trình một nền tảng trực tuyến để cung cấp cho người dân Ấn Độ, đặc biệt là những bạn học của cậu những lựa chọn tại bản địa thay thế cho nhiều ứng dụng và sản phẩm Trung Quốc.

Cậu bé Bhansali đang là học sinh và cũng là lập trình viên đã mất 10 ngày để hoàn thành nền tảng trực tuyến của mình và cho ra mắt vào ngày 12/6, một vài ngày trước khi xảy ra vụ đụng độ tại Galwan, Ladakh.

Tôi muốn ủng hộ tinh thần dân tộc chủ nghĩa”, Bhansali nói với The Epoch Times qua điện thoại từ Noida. Cậu bé nói thêm rằng các ứng dụng Trung Quốc có vấn đề về an ninh và cậu cũng muốn hưởng ứng lời kêu gọi của ông Wangchuk.

Cùng với nhiều ứng dụng trực tuyến khác, nền tảng được gọi là “Swadeshi Tech” của Bhansali lập danh sách các ứng dụng và các sản phẩm của Ấn Độ để thay thế cho các sản phẩm của Trung Quốc như máy tính xách tay, tivi, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, máy ảnh và điều hòa nhiệt độ. Nền tảng trực tuyến của Bhansali đã thu hút hơn 55.000 khách truy cập trong hơn 10 ngày và đã nhận được lời chào hỏi, động viên từ ông Wangchuk.

Trong vài tuần qua, chính phủ Ấn Độ cũng đã thực hiện các biện pháp để giảm sự phụ thuộc vào các nước láng giềng. Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ hôm 23/6 đã yêu cầu trang web cổng thông tin thị trường điện tử của Chính phủ (GeM) phải yêu cầu người bán cho biết nước xuất xứ khi đăng ký sản phẩm mới trên nền tảng mua sắm này.

3.000 khách sạn tại thủ đô Ấn Độ từ chối khách Trung Quốc

Chiến dịch tẩy chay Trung Quốc tại Ấn Độ cũng đã lan sang ngành du lịch khách sạn. Hiệp hội chủ sở hữu dịch vụ ăn uống khách sạn tại Delhi (DHROA) mới đây đã tuyên bố sẽ cấm công dân Trung Quốc ở trong khách sạn và nhà hàng của các thành viên hiệp hội.

DHROA đại diện cho 3.000 khách sạn và nhà nghỉ bình dân ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Sau cuộc họp với “Liên đoàn doanh nhân Ấn Độ” (CAIT), ngày 25/6 Hiệp hội đã thông báo rằng họ sẽ từ chối khách hàng Trung Quốc. CAIT đóng một vai trò rất lớn trong chiến dịch tẩy chay này vì họ đại diện cho gần 70 triệu thương nhân và 400.000 hiệp hội thương mại tại Ấn Độ.

Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của DHROA Mahendra Gupta nói trong một tuyên bố rằng: “Trước các hoạt động xấu xa của Trung Quốc [Đảng Cộng sản Trung Quốc], các khách sạn và nhà nghỉ ở Delhi đã quyết định không chấp nhận người Trung Quốc kể từ bây giờ. Delhi có khoảng 3.000 khách sạn và nhà nghỉ bình dân với tổng số khoảng 75.000 phòng“.

Chủ tịch CAIT Sandeep Khandelwal nói với hãng tin VICE: “Chúng tôi yêu cầu Hiệp hội Khách sạn Ấn Độ tẩy chay hàng hóa Trung Quốc như bộ đồ ăn, đồ nội thất và các sản phẩm điện tử. Ngoài ra, hiệp hội tiếp tục cam kết sẽ cấm tất cả công dân Trung Quốc đặt chỗ trong các nhà hàng, khách sạn của mình”. Ông Khandelwal ước tính mỗi năm có khoảng 800.000 du khách Trung Quốc đến thăm thủ đô New Delhi.

Hãng tin VICE cho biết họ đã liên lạc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ để yêu cầu bình luận nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào.

Xuân Thành (T/h)

Xem thêm: