Ngày 13/5, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 4.000 ca tử vong do COVID-19 trong ngày thứ hai liên tiếp, trong khi số ca nhiễm mới cũng lên đến gần 400.000 ngày thứ tư liên tiếp. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn, bởi hiện virus corona đã lây lan khắp các khu vực nông thôn và nhiều trường hợp chưa được thống kê bởi xét nghiệm không đầy đủ hết.

Embed from Getty Images

Các chuyên gia vẫn không chắc khi nào con số nhiễm bệnh tại Ấn Độ sẽ đạt đỉnh và họ cũng thể hiện sự quan tâm hơn bao giờ hết đến khả năng lây nhiễm của chủng biến thể đang khiến các ca nhiễm bệnh không ngừng gia tăng ở Ấn Độ cũng như trên toàn thế giới.

Bà Bhramar Mukherjee, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Michigan, nhận định rằng hầu hết các mô hình đều dự đoán số ca nhiễm bệnh sẽ đạt đỉnh trong tuần này và Ấn Độ có thể đang thấy được những dấu hiệu của xu hướng đó.

Tuy nhiên, theo bà, số ca mắc mới mỗi ngày đủ lớn để khiến các bệnh viện bị quá tải. Tình hình đặc biệt tồi tệ ở các vùng nông thôn của Uttar Pradesh, bang đông dân nhất của Ấn Độ với dân số hơn 230 triệu người. 

Nhiều kênh truyền hình gần đây không ngừng phát đi hình ảnh các gia đình khóc thương người chết trong bệnh viện ở vùng nông thôn, hoặc dựng lều trại ở tạm để chăm nom người bệnh. Ngoài ra, còn có tình trạng các thi thể đã trôi dạt vào sông Hằng, con sông chảy qua bang, vì các lò hỏa táng bị quá tải và nguồn cung cấp gỗ cho các giàn hỏa táng cũng đang bị thiếu hụt.

Theo dữ liệu chính thức của Bộ Y tế, Ấn Độ ghi nhận 362.727 ca nhiễm COVID-19 mới trong 24 giờ qua, trong khi số ca tử vong tăng lên mức 4.120.

Đáng chú ý, sự gia tăng các ca nhiễm bệnh cũng song hành với tình trạng chậm trễ trong việc tiêm chủng, bất chấp Thủ tướng Narendra Modi đã tuyên bố sẽ tiến hành tiêm chủng cho tất cả người lớn từ ngày 1/5.

Hai bang là Karnataka (bao gồm trung tâm công nghệ Bengaluru) và Maharashtra (bao gồm Mumbai) đã thông báo rằng họ sẽ tạm dừng tiêm chủng cho những người từ 18 – 44 tuổi để ưu tiên những người trên 45 tuổi cần tiêm liều vắc-xin thứ hai.

Ấn Độ là nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, nhưng đã cạn kiệt nguồn dự trữ do nhu cầu quá lớn. Tính đến ngày 13/5, nước này đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 38,2 triệu người, tương đương khoảng 2,8% trên tổng số dân 1,35 tỷ người.

Minh Ngọc (T/h)

Xem thêm: