Hôm 26/4 vừa qua, Ấn Độ lại tiếp tục ghi nhận thêm một “kỷ lục buồn” về số ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày thứ 5 liên tiếp với hơn 350.000 trường hợp. Các bác sĩ tại quốc gia này đã phải cầu khẩn sự giúp đỡ để các bệnh nhân có thể sống sót qua cơn nguy kịch, còn người dân thì cầu cứu trong vô vọng.

Ấn Độ
(Ảnh minh họa: Par KAISARMUDA/Shutterstock)

Bác sĩ Gautam Singh cảm thấy sợ hãi khi máy thở phát ra tiếng “bíp” mỗi ngày, báo hiệu rằng nồng độ oxy đang ở mức cực thấp, bên cạnh đó là tiếng thở hổn hển trong tuyệt vọng của những bệnh nhân nằm tại khu cấp cứu thuộc thủ đô New Delhi nơi ông làm việc.

Vào tối hôm 25/4, khi nguồn cung cấp oxy của các bệnh viện khác gần đó đã sắp cạn, vị bác sĩ 43 tuổi này đã đăng lên mạng xã hội Twitter một video cầu cứu trước tình hình hết sức cấp bách.

“Xin hãy gửi oxy cho chúng tôi,” ông nói trong nghẹn ngào, “Bệnh nhân của tôi đang hấp hối.”

Ban đầu, Ấn Độ được xem là một trong số các quốc gia thành công trong việc ứng phó đại dịch, nhưng COVID-19 hiện đang bùng phát mạnh ở đất nước có gần 1,4 tỷ dân, và các hệ thống đang bắt đầu “vỡ trận”.

Những tin nhắn cầu cứu tương tự như trên đã cho thấy mức độ hoảng loạn và tuyệt vọng của người dân Ấn Độ.

Ngoài việc hết oxy, các khu chăm sóc tích cực (ICU) đang hoạt động hết công suất và gần như tất cả các máy thở đều đã được sử dụng. Khi số ca tử vong tăng lên, bầu trời đêm ở một số thành phố của Ấn Độ bỗng phát sáng từ các giàn hỏa thiêu ở khắp nơi.

Hôm 26/4 vừa qua, quốc gia này báo cáo thêm 2.812 trường hợp tử vong, với khoảng 117 người Ấn Độ phải chống chọi với COVID-19 mỗi giờ, dẫu vậy, các chuyên gia cho rằng những con số đó có lẽ cũng không phản ánh được tình hình thảm khốc thực tế đang xảy ra ở Ấn Độ. Các trường hợp mắc mới đã nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở quốc gia thuộc khu vực Nam Á lên hơn 17,3 triệu ca, chỉ đứng sau Mỹ.

Cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc tại Ấn Độ trái ngược với bức tranh ở các quốc gia giàu có hơn như Mỹ, Anh và Israel, những đất nước đã tiêm chủng cho một lượng lớn người dân. Ấn Độ có dân số gấp 4 lần Mỹ nhưng có số ca nhiễm mới cao gấp 11 lần (theo số liệu thống kê hôm 26/4 vừa qua).

Các bác sĩ như Singh đang phải tận sức ở tuyến đầu, cố gắng có được những nguồn cung cần thiết để giúp cho bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch.

Ông Singh đã nhận được 20 bình oxy vào hôm 26/4, chỉ đủ để bệnh viện hoạt động trong thời gian rất ngắn cho đến khi các máy thở bắt đầu phát ra tiếng “bíp” cảnh báo cạn oxy.

“Tôi cảm thấy rất bất lực,” ông Singh nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Tôi sẽ lại cầu xin và hy vọng ai đó sẽ gửi ôxy để giúp cho bệnh nhân của tôi có thể sống sót dù chỉ thêm một ngày nữa.”

Các chuyên gia cảnh báo rằng tình hình sắp tới có khả năng sẽ trở nên tồi tệ hơn nữa.

Krishna Udayakumar, nhà sáng lập kiêm giám đốc của Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu Duke tại Đại học Duke, cho biết Ấn Độ sẽ không thể chống đỡ nổi trong những ngày tới nếu mọi thứ vẫn diễn ra như vậy.

Ông nói: “Tình hình ở Ấn Độ rất bi thảm và có khả năng sẽ trở nên tồi tệ hơn nữa trong vài tuần đến vài tháng tới”, đồng thời nói thêm rằng “Ấn Độ rất cần một nỗ lực phối hợp trên toàn cầu để giúp đỡ quốc gia trong thời điểm khủng hoảng này”.

Nhà Trắng cho biết Mỹ đang làm việc suốt ngày đêm để triển khai những bộ dụng cụ thử nghiệm, máy thở và thiết bị bảo vệ cá nhân, đồng thời sẽ tìm cách cung cấp oxy cho Ấn Độ. Họ cho biết thêm rằng Mỹ sẽ cung cấp các nguồn nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất Covishield, một loại vắc-xin AstraZeneca do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất.

“Ấn Độ đã hỗ trợ Mỹ khi các bệnh viện của chúng tôi rơi vào tình trạng quá tải trong thời kỳ đầu xảy ra đại dịch, vậy nên chúng tôi cũng quyết tâm giúp đỡ Ấn Độ trong thời điểm cần thiết,” Tổng thống Joe Biden cho hay.

Pakistan đã hỗ trợ cho Ấn Độ trong đợt dịch lần này. Họ cho biết có thể cung cấp máy thở, thiết bị cung cấp oxy, máy X-quang kỹ thuật số, thiết bị bảo hộ và các vật dụng liên quan.

Bộ Y tế Đức cho hay họ đang khẩn trương làm việc để đưa ra một gói viện trợ cho Ấn Độ bao gồm máy thở, kháng thể đơn dòng, thuốc remdesivir, cũng như khẩu trang phẫu thuật và và khẩu trang bảo hộ N95.

Nhưng nhiều người cho rằng đã quá muộn để viện trợ. Ấn Độ hiện đã “thất thủ” trước đợt bùng phát dịch bệnh khủng khiếp lần này. Chỉ 3 tháng trước, các nhà lãnh đạo của Ấn Độ còn nói rằng điều tồi tệ nhất đã qua.

Vào tháng 1/2021, Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố đã chiến thắng COVID-19, thậm chí còn phát biểu trong một cuộc họp ảo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) rằng thành công của Ấn Độ vượt trội hơn bất kỳ nơi nào khác.

Chưa đầy 1 tháng sau, Đảng Bharatiya Janata của ông đã thông qua một nghị quyết ca ngợi Modi là một “nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa”, người đã “đánh bại” virus.

Vào tuần thứ 2 của tháng 3/2021, bộ trưởng y tế Ấn Độ tuyên bố rằng đất nước đang ở “giai đoạn cuối” của đại dịch.

Cùng lúc đó, các bệnh nhân trẻ tuổi đến các bệnh viện của Ấn Độ với tình trạng ốm nặng nhiều hơn so với trước đây, khiến những chuyên gia y tế cảnh báo rằng Ấn Độ đang ngồi trên một quả bom hẹn giờ.

Hàng triệu tín đồ đạo Hindu đã tổ chức lễ hội Holi trên khắp đất nước vào cuối tháng 3 vừa qua, phớt lờ đến các hướng dẫn về giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Modi và các chính trị gia khác còn dẫn đầu các cuộc mít tinh bầu cử trên quy mô rộng, nơi có hàng chục nghìn người tham gia mà không có đeo khẩu trang. Vào tuần trước, hàng triệu người đã tụ tập bên sông Hằng để thực hiện buổi cầu nguyện đặc biệt của người Hindu.

Giờ đây, người ta nghi ngờ rằng tất cả những sự kiện trên có thể đã thúc đẩy gia tăng số ca nhiễm bệnh chưa từng có ở Ấn Độ.

“Nhiều người trên khắp Ấn Độ đang phải trả giá bằng mạng sống của mình cho hành vi đáng xấu hổ của các nhà lãnh đạo chính trị”, Udayakumar nói.

Trong một bài phát biểu hôm 25/4, Modi đã tìm cách bao biện và xoa dịu những lời chỉ trích về cái mà ông gọi là “cơn bão” lây lan đã khiến cho đất nước “rung chuyển”.

Ông nói: “Đúng là nhiều người đang bị nhiễm bệnh, nhưng số người hồi phục cũng cao không kém”.

Tuần trước, chính phủ Ấn Độ cho biết họ sẽ mở rộng chương trình tiêm chủng để tiêm vắc-xin cho tất cả người lớn đủ điều kiện, điều đã được các chuyên gia y tế thúc giục từ lâu.

Tuy nhiên, việc tiêm chủng cần có thời gian để phát huy hiệu quả đối với số ca nhiễm mới, và có những câu hỏi được đặt ra như liệu các nhà sản xuất có thể đáp ứng kịp nhu cầu hay không. Tốc độ tiêm chủng trên cả nước cũng đang gặp khó khăn.

Những công dân bình thường đang tự mình giải quyết vấn đề, làm những gì mà họ nói rằng chính phủ lẽ ra phải làm từ lâu.

Các tình nguyện viên, từ sinh viên đến các chuyên gia công nghệ, các tổ chức phi lợi nhuận và các nhà báo, đang truyền thông tin về tình trạng giường bệnh, các loại thuốc quan trọng và bình oxy.

Giống như bác sĩ Singh, nhiều người đã sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là Twitter, để thu thập danh sách những người hiến tặng huyết tương và nguồn cung cấp oxy.

Rashmi Kumar (một người nội trợ ở New Delhi) đã dành cả ngày Chủ nhật (25/4) của mình để lên Twitter đăng tải những lời cầu xin (trong tuyệt vọng) một bình oxy cho người cha đang bị bệnh hiểm nghèo của cô. Đồng thời, cô đã gọi vô số cuộc đến các bệnh viện và đường dây trợ giúp của chính phủ, nhưng đều vô ích. Đến tối, người cha 63 tuổi của cô đã bị khó thở, rơi vào trạng thái nguy kịch.

“Tôi đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất,” Kumar nói.

Nhưng không biết từ đâu, một người dùng Twitter đã báo rằng có một bình oxy cách đó khoảng 60km và Kumar đã lái xe đến nhà của người đó.

“Tôi đã được một người lạ giúp đỡ khi chính phủ của tôi tiếp tục thất bại với hàng nghìn người như tôi,” cô nói. “Thật không may, bây giờ mọi người đều đang phải tự lực cánh sinh.”

Theo CNA,

Phan Anh

Xem thêm: