Hôm 15/12 vừa qua, giới chức trách Ấn Độ thông báo rằng có ít nhất 22 người tử vong và một số người khác đang phải điều trị trong bệnh viện do bị ngộ độc rượu. Được biết, phần lớn số ca tử vong tập trung ở 2 ngôi làng thuộc bang Bihar, miền Đông Ấn Độ, nơi cấm bán và tiêu thụ rượu.

ngộ độc rượu
(Ảnh minh họa: kittirat roekburi/Shutterstock)

Nhiều người là nam giới ở huyện Saran bắt đầu có triệu chứng nôn mửa từ ngày 13/12 trước khi tình trạng sức khỏe xấu đi. Ba người đã tử vong trên đường đến bệnh viện và những người khác cũng không qua khỏi trong khi được điều trị trong 2 ngày 14 – 15/12. Bệnh viện địa phương cho biết đến nay đã thực hiện 22 cuộc khám nghiệm tử thi liên quan đến ngộ độc rượu.

Trong khi đó, truyền thông địa phương đưa tin rằng tổng số ca tử vong vì ngộ độc rượu là 31 người. Cảnh sát địa phương cho hay giới chức trách đã tiến hành kiểm tra và xử lý các cơ sở bán rượu trái phép trong khu vực, bắt giữ hơn 10 người.

Lệnh cấm bán và tiêu thụ rượu được áp dụng tại một số bang ở Ấn Độ, điều này dẫn đến thị trường chợ đen buôn bán rượu phát triển mạnh. Rượu bán trên thị trường chợ đen được sản xuất tại các cơ sở chưng cất trái phép và có giá thành rẻ, khiến hàng trăm người tử vong mỗi năm vì ngộ độc rượu.

Theo Hiệp hội rượu vang và rượu mạnh quốc tế Ấn Độ, ước tính 5 tỷ lít rượu được tiêu thụ mỗi năm ở nước này, trong đó khoảng 40% là sản xuất trái phép. Rượu lậu thường được pha chế thêm cồn công nghiệp methanol, nếu uống phải có thể gây mù lòa, tổn thương gan và thậm chí tử vong.

Phan Anh

Video: Tượng Phật Lư Xá Na và huyền cơ thời mạt thế