Ngày 2/8, Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo sẽ cử một lực lượng đặc nhiệm gồm 4 tàu chiến đến Biển Đông trong vòng 2 tháng. Bộ tứ Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc sẽ tập trận chung.

Embed from Getty Images

Ngày 2/8/2021, Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo sẽ cử một lực lượng đặc nhiệm đến Biển Đông triển khai trong vòng 2 tháng. Một tàu chiến của Ấn Độ đang tiến hành một cuộc tập trận. (Ảnh: Arun Sankar / AFP / Getty)

Lực lượng đặc nhiệm này bao gồm một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, một khinh hạm mang tên lửa dẫn đường, một khinh hạm chống ngầm và một khinh hạm tên lửa dẫn đường hạng nhẹ. Bộ Quốc phòng tuyên bố các tàu chiến sẽ rời Ấn Độ vào đầu tháng này, nhưng không cho biết ngày khởi hành cụ thể.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố trong thời gian triển khai kéo dài 2 tháng, hạm đội Ấn Độ sẽ tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung với các nước như Malaysia, Việt Nam, Philippines, Singapore, Indonesia và Australia. Ngoài ra, họ sẽ tham gia cuộc tập trận quân sự “Malabar-21”  của Bộ tứ với Nhật Bản, Australia và Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Phía Ấn Độ cho biết trong tuyên bố của mình: “Dựa trên lợi ích hàng hải chung và cam kết tự do hàng hải trên biển, các biện pháp ​​hàng hải này đã tăng cường sức mạnh tổng hợp và sự phối hợp giữa Hải quân Ấn Độ và các nước đồng minh.”

ĐCSTQ sợ hãi trước cuộc đối thoại của Bộ tứ

Ngày 2/8, TimesNowNews, kênh truyền thông Ấn Độ, đưa tin rằng đây là một tín hiệu nghiêm khắc từ Ấn Độ dành cho Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Trong những tuần gần đây, Biển Đông đã trở thành một điểm nóng cho các hoạt động hải quân của nhiều quốc gia khác nhau. Ngày 2/8, Đức đã cử một tàu chiến đến Biển Đông, cùng gia nhập vào hàng ngũ của các nước phương Tây khác và mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực. Đây là lần đầu tiên nước này áp dụng hành động như vậy trong gần 2 thập kỷ qua.

Tuần trước, một nhóm tấn công tàu sân bay của Anh đã xuyên qua con đường nước rộng 1,3 triệu dặm vuông này. Một đội hoạt động hàng hải của Hoa Kỳ và quân đội của ĐCSTQ cũng đã tiến hành các cuộc tập trận tại đây.

Bắc Kinh tự xưng là có chủ quyền lãnh thổ gần như toàn bộ Biển Đông. Đồng thời, ĐCSTQ còn biến vô số bãi đá ngầm và bãi cát chưa phân định rõ, thành các đảo nhân tạo. Sau đó bảo vệ chúng nghiêm ngặt bằng tên lửa, đường băng và hệ thống vũ khí.

CNN đưa tin, ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu chuyên về các vấn đề hải quân tại Học viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói rằng đây là “sự xuất hiện chính thức nổi bật nhất của Hải quân Ấn Độ ở phía đông eo biển Malacca.”

“Chỉ cần những con tàu xuất hiện ở Biển Đông, thì ngay cả khi nó nằm ngoài ranh giới 12 (hải lý) so với mỗi vị trí mà Trung Quốc (ĐCSTQ) chiếm đóng, điều này cũng đủ để đáp ứng mục tiêu chiến lược của New Delhi. Nghĩa là họ có ý định tiếp tục tham gia vào các vấn đề của khu vực Tây Thái Bình Dương”, ông Koh nói.

Phía Ấn Độ cho biết: “Ngoài việc thường xuyên ghé thăm các cảng, lực lượng đặc nhiệm này sẽ hoạt động với hải quân nước đồng minh để thiết lập mối quan hệ quân sự, cũng như phát triển khả năng tương tác trong chiến tranh và hoạt động hàng hải.”

Tháng 6/2020, đã xảy ra một cuộc đụng độ đẫm máu giữa lực lượng vũ trang Ấn Độ và Trung Quốc tại Galwan, nằm trên biên giới Trung – Ấn. 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ. Từ đó mối quan hệ Ấn Độ – Trung Quốc cũng rơi vào khủng hoảng.

Kể từ khi vụ việc xảy ra, Ấn Độ luôn hy vọng sẽ nối lại “Cuộc đối thoại an ninh của Bộ tứ”. Đây là mối quan hệ an ninh không chính thức giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Sau khi Bộ tứ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào tháng 3, tờ Washington Post đã đăng một bài trên chuyên mục.

Bài báo cho biết Liên minh Bộ tứ đang nỗ lực nhằm “đảm bảo các nguyên tắc cơ bản, rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể tiếp cận và giàu sức sống, tuân theo luật pháp quốc tế, quyền tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Đồng thời tất cả các quốc gia đều có thể đưa ra sự lựa chọn chính trị của riêng mình, mà không bị ép buộc.”

Ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ, nói rằng “Cuộc đối thoại an ninh của Bộ tứ” là một “nguy cơ an ninh” nhằm kiềm chế ĐCSTQ và đây là “NATO” mới của phiên bản Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Hoa Kỳ và Ấn Độ cùng nhau kiềm chế ĐCSTQ

ĐCSTQ thường xuyên qua mặt các lực lượng hải quân nước ngoài ở Biển Đông. Trước việc triển khai nhóm tấn công tàu sân bay của Anh gần khu vực này, truyền thông ĐCSTQ đã cáo buộc phía Anh đang cố gắng ôn lại “Thời kỳ rực rỡ của Đế quốc Anh”, đồng thời muốn khuấy động thị phi dưới sự chỉ đạo của Hoa Kỳ.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tập trung lại vào châu Á. Ông coi đây là nền tảng trong chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của chính phủ. Trong khi đấu tranh chống lại Bắc Kinh, chính quyền Biden cũng hoan nghênh sự xuất hiện của các nước đồng minh và đối tác dân chủ trong khu vực.

Khi ông Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, thăm Singapore vào tháng trước, ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác. Ông nói: “Tôi đặc biệt vui mừng khi thấy rằng những người bạn của chúng ta đã thiết lập một mối quan hệ an ninh bền chặt hơn với nhau. Đồng thời tăng cường hơn nữa một loạt các quan hệ đối tác, nhờ đó sự xâm lược (của ĐCSTQ) đã được kiềm chế.”

Tuyên bố của Ấn Độ về việc triển khai 4 chiến hạm phù hợp với tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

“Việc triển khai các tàu hải quân của Ấn Độ nhằm nhấn mạnh phạm vi hoạt động, sự tồn tại hòa bình và đoàn kết với các nước đồng minh. Điều này nhằm đảm bảo một trật tự tốt đẹp trong lĩnh vực hàng hải, cũng như củng cố mối quan hệ hiện có giữa Ấn Độ và các nước Ấn Độ Dương”, tuyên bố cho biết.

Ngày 3/8, ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ, cho biết một số nước cá biệt đang cố tình tạo ra mâu thuẫn giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Các nước này đã gửi một lượng lớn tàu sân bay tiên tiến đến khiêu khích ĐCSTQ, nhằm phá vỡ hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Theo Lý Ngôn, Epoch Times 

Xem thêm: