Theo nhiều nhà phân tích, sinh viên y khoa Ấn Độ tốt nghiệp tại Trung Quốc đang chịu sự “đối xử kỳ thị” hơn tại quê nhà. Ngoài ra, căng thẳng quân sự gia tăng ở biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã thúc đẩy thêm các định kiến ​​chống Trung Quốc. Các sinh viên tốt nghiệp y khoa ở Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng lây, một số người thậm chí bị gọi là “China ka maal” (Sản phẩm của Trung Quốc).

Embed from Getty Images

Tại Ấn Độ, những sinh viên tốt nghiệp y khoa ở nước ngoài đều phải trải qua Kỳ thi Tốt nghiệp Y khoa nước ngoài (FMGE) – bài kiểm tra bắt buộc do Hội đồng Y khoa Ấn Độ đặt ra – để được phép làm việc tại Ấn Độ. Kỳ thi này thường diễn ra vào tháng 6 nhưng năm nay đã bị hoãn đến ngày 31/8 do đại dịch COVID-19.

Theo SCMP, đa số những người tham gia kỳ thi đều tốt nghiệp từ các trường đại học ở Trung Quốc. Khoảng 7.000-8.000 sinh viên từ Ấn Độ bay đến Trung Quốc mỗi năm để nhập học tại các trường y khoa.

Năm ngoái, 15.500 thí sinh đã tham dự kỳ thi và chỉ có 4.242 người đỗ. Cùng năm đó, một phân tích của chính phủ cho thấy rằng từ năm 2015 đến 2018, chỉ có dưới 15% sinh viên thi đậu. Đối với những người có bằng y khoa Trung Quốc, tỷ lệ đậu thậm chí còn thấp hơn, dưới 12%.

Việc một tỷ lệ lớn trong số họ trở về Ấn Độ không thể hành nghề đã trở thành mối lo ngại khi Ấn Độ đã có hơn 4 triệu ca nhiễm virus corona và các bệnh viện đang kêu gọi thêm sự hỗ trợ. Thay vào đó, hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp y khoa và có thể giúp đỡ trong cuộc chiến chống lại COVID-19 lại ngồi nhàn rỗi ở nhà.

Giáo sư Rama V Baru tại Trung tâm Y học xã hội và Sức khỏe cộng đồng tại Đại học Jawaharlal Nehru của Delhi cho biết FMGE không bắt buộc đối với tất cả các quốc gia. Sinh viên đã hoàn thành bằng cấp tại Hoa Kỳ, Anh, Úc, New Zealand và Canada, không cần phải trải qua kỳ thi này.

Bà Baru cho biết bà cảm thấy có một nỗ lực có hệ thống nhằm loại bỏ những sinh viên tốt nghiệp y khoa tại Trung Quốc. “Điều gì khiến họ nói rằng một số trường cao đẳng tư thục ở Tamil Nadu đang đào tạo sinh viên của mình tốt hơn trường đại học y khoa Vũ Hán? Tôi thực sự không nghĩ rằng đây là một sân chơi bình đẳng.”

Trong một nghiên cứu vào tháng 7 năm 2020, bà Madhurima Nundy tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc ở Baru và Delhi, phát hiện ra rằng sự phân biệt đối xử không chỉ giới hạn ở FMGE, mà các bệnh viện tư nhân cũng đối xử rất kém đối với các bác sĩ được đào tạo từ Trung Quốc về. 

Nhiều sinh viên cho rằng kỳ thi năm nay đặc biệt khó, đến nỗi hàng chục người đã cố gắng tổ chức một cuộc biểu tình im lặng vào ngày 3/9 bên ngoài tòa nhà của Hội đồng Y khoa Ấn Độ ở Delhi. Những người biểu tình sau đó đã bị cảnh sát giải tán, cho biết bài thi năm nay “cực kỳ bất công”.

Kết quả được công bố vào thứ Bảy cho thấy trong số 17.789 thí sinh tham gia kỳ thi vào ngày 31/8, chỉ có 1.697 người thi đậu.

“Tôi không thể tin được! Nó cao cấp hơn một kỳ thi sau đại học,” Md Asad, một cư dân của Delhi, người đã tốt nghiệp vào tháng 6 năm ngoái từ Đại học Y khoa Bang Kazan của Nga và là một trong số những người phản đối bày tỏ. “Họ đã hỏi những câu hỏi dài tới năm dòng và chỉ cho chúng tôi một phút để trả lời. Kể từ khi thi, tôi thực sự rất chán nản.”

Nhiều người đã tham gia kỳ thi tới lần thứ tư. Một trong số họ cho biết năm nay còn khó hơn bình thường, và toàn bộ kiểu câu hỏi đã thay đổi.

“Nhiều sinh viên tự hỏi liệu đây có phải là sự trả thù của chính phủ hay không vì chúng tôi đã khiếu nại lên Hội đồng Y khoa yêu cầu giảm tỷ lệ đậu từ 50% [số câu trả lời đúng] xuống 30% để nhiều người trong số chúng tôi có thể đủ điều kiện và giúp đỡ trong đại dịch COVID-19,” một người nói.

“Họ đã làm khó chúng tôi quá! Mỗi người bước ra khỏi nơi tổ chức thi cùng với tôi đều trông choáng váng.”

Trên khắp đất nước, các nhóm sinh viên tốt nghiệp y khoa nước ngoài đã bắt đầu tổ chức các cuộc biểu tình để kiến ​​nghị hội đồng y khoa giảm điểm đủ điều kiện của FMGE. Các biểu ngữ tại một cuộc biểu tình ở bang phía đông bắc Manipur tuần trước có nội dung “FMG Lives Matter”“Hãy để các sinh viên tốt nghiệp y khoa nước ngoài phục vụ”.

Tại Delhi, một nhóm tổ chức cuộc biểu tình chỉ ra rằng nếu chính phủ giảm điểm chuẩn cho kỳ thi tháng 12 năm 2019 và tháng 8 năm 2020, Ấn Độ sẽ ngay lập tức có thêm 30.000 bác sĩ có thể được đưa vào làm việc ở các khu vực nông thôn.

Nhiều nhà phân tích nhận định căng thẳng quân sự gia tăng ở biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã thúc đẩy thêm các định kiến ​​chống Trung Quốc.

Xuân Lan (theo SCMP)

Xem thêm: