Một báo cáo của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh công bố ngày 8/7 đã kêu gọi Chính phủ nước này nên tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc vì việc họ đối xử tàn bạo với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Các biện pháp này bao gồm cấm nhập khẩu bông từ khu vực này, xử lý nhanh thủ tục xin tị nạn cho những người bất đồng chính kiến ​​và tẩy chay các hoạt động liên quan đến Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.

Embed from Getty Images

Với tiêu đề “Không bao giờ lặp lại: Trách nhiệm của Vương quốc Anh đối với hành động tàn bạo ở Tân Cương”, bản báo cáo dài 39 trang do Ủy ban Đối ngoại (FAC) thực hiện sau nhiều tháng tham vấn và điều trần đã liệt kê một loạt các biện pháp mà ủy ban tin rằng Thủ tướng Boris Johnson nên thực thi. 

Báo cáo đề xuất Anh cấm sử dụng camera an ninh của công ty Trung Quốc Hikvision, công ty bị cáo buộc đã giám sát trong các trại giam giữ người Duy Ngô Nhĩ; đồng thời yêu cầu BBC World Service phát sóng thêm ngôn ngữ Duy Ngô Nhĩ để giúp bảo tồn văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ Thổ Nhĩ Kỳ.

Báo cáo còn nêu chi tiết về việc Anh có thể khuyến khích các tổ chức quốc tế cùng “gia tăng áp lực lên chính quyền Trung Quốc, yêu cầu họ cho phép các quan sát viên quốc tế tiếp cận Tân Cương”, đặc biệt là Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Nghị sĩ Tom Tugendhat, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại nêu rõ: “Bằng chứng về việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và tội ác chống lại người Duy Ngô Nhĩ [của chính quyền Trung Quốc] đã quá nhiều, không thể chối cãi.”

Ông cũng kêu gọi chính phủ Johnson công nhận cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Anh về việc cáo buộc Trung Quốc phạm tội diệt chủng, “nhằm ngăn chặn sự lặp lại tội ác man rợ mà chúng ta đã thấy ở châu Á và châu Âu cách đây 80 năm”.

Hôm 7/7, ông Johnson cho biết, ông đã hành động “theo bản năng” chống lại các cuộc tẩy chay sau khi Đảng Lao động đối lập chính thúc giục các bộ trưởng và hoàng gia phản đối Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vì các tuyên bố nhân quyền.

“Tôi chắc chắn sẽ xem xét đề xuất đang được tranh luận, nhưng tôi phải nói rằng tôi  [làm] theo bản năng và sẽ luôn phản đối việc tẩy chay sự kiện thể thao,” ông Johnson nói với các nghị sĩ.

Phát ngôn viên phụ trách đối ngoại lao động Lisa Nandy và phát ngôn viên văn hóa Jo Stevens hôm 6/7 đã lên tiếng kêu gọi chính phủ tận dụng sự kiện Thế vận hội “để đưa ra vấn đề Liên Hợp Quốc (LHQ) không được phép tiếp cận Tân Cương, đồng thời tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ, minh bạch và độc lập”.

Nếu đến ngày 14/9, LHQ vẫn không thể tiến vào Tân Cương để điều tra, thì khi kỳ họp thứ 76 của Đại hội đồng LHQ khai mạc, “Chính phủ Vương quốc Anh không nên cử các bộ trưởng, thành viên hoàng gia hoặc đại diện cấp cao tham gia bất kỳ nhiệm vụ hoặc nghi lễ chính thức nào tại Thế vận hội Bắc Kinh,” các nghị sĩ Lao động nhấn mạnh.

Theo điều tra của các nhóm nhân quyền và tổ chức phương Tây, có hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ trong các trại tập trung ở Tân Cương, họ thậm chí còn bị cưỡng bức lao động và cưỡng hiếp.

Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn một mực phủ định các cáo buộc vi phạm nhân quyền và tội ác diệt chủng, tuyên bố đó là những lời bịa đặt nhằm gây bất ổn cho đất nước, phá hoại nỗ lực chống chủ nghĩa ly khai và khủng bố Hồi giáo, còn gây cản trở sáng kiến Vành đai, Con đường.

Báo cáo của Ủy ban Đối ngoại còn kêu gọi áp đặt lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn đối với bông Tân Cương, vốn được thu hoạch bằng lao động nô lệ; cũng như các sản phẩm từ các ngành công nghiệp khác trong khu vực như tấm pin mặt trời.

Các thương hiệu thời trang quốc tế như Burberry và H&M nhập khẩu bông từ Tân Cương, đã bị cuốn vào căng thẳng ngày càng tăng giữa phương Tây và Trung Quốc. Động thái mua bông từ nơi khác dẫn đến việc người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay các thương hiệu này.

Liên quan đến Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, báo cáo khuyến nghị nên tẩy chay lễ khai mạc và bế mạc của sự kiện, đồng thời không khuyến khích việc doanh nghiệp Anh tham gia các thương vụ tài trợ, hay người hâm mộ và khách du lịch đến tham dự.

Ngoài việc cấp quyền tị nạn nhanh chóng cho những nạn nhân bị đàn áp, báo cáo của FAC cũng kêu gọi chính phủ tham khảo ý kiến ​​của những người Duy Ngô Nhĩ đang ở Anh để “xác định mức độ sách nhiễu mà họ phải đối mặt từ các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc”, từ đó đưa ra biện pháp bảo vệ thích hợp.

Ở cấp độ quốc tế, báo cáo kêu gọi Anh vận động hành lang bất cứ khi nào có thể để “giải tán ngay lập tức các trại tập trung”. Báo cáo yêu cầu London khiếu nại Trung Quốc lên Ủy ban Xóa bỏ Phân biệt Chủng tộc và tham gia đối thoại với Tòa án Hình sự Quốc tế về tính khả thi của cuộc điều tra tội ác chống lại người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và hơn thế nữa.

Báo cáo của quốc hội còn khuyến nghị, nếu Trung Quốc từ chối cho phép cơ quan nhân quyền của LHQ điều tra bên trong Trung Quốc, thì LHQ nên tổ chức một cuộc điều tra bên ngoài quốc gia này.

Minh Ngọc (Theo AFP)

Xem thêm: