Anh Quốc sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào tháng Mười Hai lần đầu tiên trong gần một thế kỷ qua sau khi Thủ tướng Boris Johnson đã nhận được sự phê chuẩn của Hạ viện trong cuộc bỏ phiếu hôm thứ Ba (29/10). Sau một loạt thất bại trong việc thông qua thỏa thuận Brexit, ông Johnson muốn người dân Anh tự đưa ra quyết định có muốn rời Liên minh Châu Âu (EU) hay không thông qua lá phiếu bầu cử.

Embed from Getty Images

Trước khi Hạ viện Anh bỏ phiếu về dự luật bầu cử của Thủ tướng Boris Johnson, Liên minh Châu Âu cũng đã thống nhất cho phép trì hoãn Brexit lần ba tới ngày 31/1/2020.

Chủ tịch EU sắp mãn nhiệm Donald Tusk viết trên Twitter: “27 thành viên EU đã chính thức thông qua gia hạn [Brexit]. Đây có thể là lần gia hạn cuối cùng. Hãy tận dụng tốt nhất thời gian này.”

Sau khi không thể thực hiện lời hứa hoàn thành Brexit vào ngày 31/10 do không nhận được sự ủng hộ của Hạ viện mà đảng Bảo thủ không chiếm đa số, Thủ tướng Johnson đã yêu cầu bầu cử sớm vào ngày 12/12.

Trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện hôm thứ Ba (29/10), Thủ tướng Johnson đã đạt được thành công hiếm có khi nghị viện đã thông qua dự luật ngắn của ông về kêu gọi bầu cử vào ngày 12/12 với 438 phiếu ủng hộ và 20 phiếu chống.

Hơn 100 nghị viên đảng Lao động không tham gia bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu trống và 11 nghị viên của đảng này bỏ phiếu phản đối bầu cử sớm. Tổng cộng có 127 nghị viên đảng Lao động, trong đó bao gồm Chủ tịch đảng Jeremy Corbyn, ủng hộ bầu cử sớm trong tháng Mười Hai tới.

Dự luật bầu cử này sẽ vẫn phải chờ Thượng viện phê chuẩn, nhưng ngoại giới dự đoán nó sẽ được thông qua dễ dàng vào cuối tuần này. Nếu dự luật được thông qua, các đảng phái sẽ có 5 tuần để tổ chức chiến dịch tranh cử.

Trước khi bỏ phiếu tại Hạ viện, Thủ tướng Johnson đã nói nghị viện đang cản trở Brexit và dẫn tới tổn hại cho nền kinh tế Anh Quốc do các nhà đầu tư trì hoãn ra quyết định và làm xói mòn niềm tin vào nền dân chủ.

Có một cách duy nhất để hoàn thành Brexit trong khi đối mặt với sự cản trở không ngừng nghỉ của nghị viện và cách đó là Chủ tịch Hạ viện sẽ làm mới lại nghị viện này và trao cho người dân quyền lựa chọn,” ông Johnson nói.

Thủ tướng nhấn mạnh rằng đã đến lúc đất nước này “phải đoàn kết để hoàn thành Brexit”.

Cuộc bầu cử vào dịp Giáng sinh tại Anh lần đầu tiên kể từ năm 1923 được dự báo là sẽ rất khó lường: Brexit đã gây ra sự mệt mỏi và giận dữ cho các cử tri, đồng thời làm xói mòn lòng trung thành truyền thống của người dân với hai đảng lớn là đảng Bảo thủ và Lao động.

Cử tri Anh bây giờ sẽ phải lựa chọn giữa ông Johnson mạnh mẽ thúc đẩy thỏa thuận Brexit hay lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn mong muốn kéo dài đàm phán thỏa thuận Brexit trước khi tiến hành trưng cầu dân ý lần hai.

Hai đảng lớn nêu trên cũng sẽ gặp sự cạnh tranh đáng kể từ các đảng nhỏ hơn như đảng Dân chủ Tự do, đảng SNP và đảng Brexit.

Sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện hôm 29/10, lãnh đạo đảng Lao động Corbyn cho hay: “Tôi đã sẵn sàng cho [bầu cử].

Cuộc bầu cử này là cơ hội một lần trong một thế hệ để chuyển đổi đất nước của chúng ta,” ông Corbyn nhấn mạnh.

Đảng Dân chủ Tự do và đảng SNP từ đầu tuần này đã cam kết ủng hộ bầu cử sớm. Hai đảng này cho rằng hiện nay bầu cử là cách tốt nhất để ngăn chặn Brexit.

Lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Jo Swinson nói rằng cả ông Johnson và ông Corbyn đều “không phù hợp giữ vai trò Thủ tướng” và tự tin rằng việc đảng của bà có thể thành lập chính phủ tiếp theo không phải là điều không thể.

Tôi đang tranh cử làm thủ tướng tiếp theo và trong thời kỳ chính trị đầy biến động này, đó là điều hoàn toàn có thể,” bà Jo Swinson nới với Sky News.

Trong khi đó, lãnh đạo Kirsty Blackman của đảng SNP cho biết đảng của bà quyết tâm làm mọi thứ để ngăn chặn Scotland rời khỏi EU trái với ý chí của người dân.

Chủ tịch đảng Brexit, ông Nigel Farage đã hoan nghênh bầu cử sớm. Ông Farage đăng lên Twitter nói rằng bế tắc Brexit đã bị phá vỡ và “bây giờ Brexit đã có cơ hội thành công”.

Ông Farage nói rằng đảng của ông bây giờ sẽ “khởi động chiến dịch đầy tham vọng và triệt để nhất cho sự thay đổi thực sự mà đất nước chúng ta từng thấy“.

Trước ông Johnson, cựu Thủ tướng Theresa May cũng đã từng dùng giải pháp bầu cử sớm để hy vọng thoát bế tắc Brexit, nhưng bà đã thất bại hoàn toàn. Trong cuộc bầu cử sớm năm 2017, đảng Bảo thủ đã đánh mất đa số mong manh và sau đó bà May liên tiếp thất bại trong việc tìm sự ủng hộ thỏa thuận Brexit tại Quốc hội.

Kết quả bầu cử dự kiến sẽ được thông báo vào sáng sớm ngày thứ Sáu (13/12). Nếu không đảng nào chiến thắng đa số, bế tắc Brexit vẫn sẽ tiếp diễn.

Xuân Thành

Xem thêm: