Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Anh cho biết hôm Chủ nhật (23/1) rằng Nga sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc nếu nước này cài đặt “chế độ bù nhìn” ở Ukraine.

Embed from Getty Images

Với việc thế giới đang theo dõi sát sao động thái tiếp theo của Moscow, Bộ Ngoại giao Anh cho biết họ có thông tin các sĩ quan tình báo Nga đã tiếp xúc với một số cựu chính trị gia Ukraine như một phần của kế hoạch xâm lược. Cụ thể, chính phủ Nga đang xem xét đề cử cựu nghị sĩ Ukraine Yevhen Murayev như ứng cử viên tiềm năng để đứng đầu một ban lãnh đạo thân Nga.

Tuy vậy, ông Murayev nói với hãng tin Reuters rằng đây là “thuyết âm mưu”.

Ông Murayev phủ nhận có bất kỳ liên hệ nào với các sĩ quan tình báo Nga, nói ý kiến ​​cho rằng ông có thể hợp tác với Điện Kremlin là “ngu ngốc”, vì ông đã bị Nga trừng phạt vào năm 2018.

Mặc dù nói rằng ông muốn Ukraine độc ​​lập khỏi Nga cũng như phương Tây, nhưng ông Murayevy đã thúc đẩy một số quan điểm phù hợp với các câu chuyện của Điện Kremlin về Ukraine.

“Sẽ có những hậu quả rất nghiêm trọng nếu Nga thực hiện động thái này, không chỉ cố gắng xâm lược mà còn cài đặt một chế độ bù nhìn [tại Ukraine]”, phó Thủ tướng Anh Dominic Raab nói với Sky News.

Bộ Ngoại giao Nga bác bỏ cáo buộc của Anh là “thông tin sai lệch”, đồng thời cáo buộc NATO “leo thang căng thẳng” về Ukraine.

Tuyên bố của Anh được đưa ra sau khi các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Nga hôm thứ Sáu không đạt được bước đột phá lớn nào trong các cuộc đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng về Ukraine.

Các quan chức Moscow khẳng định họ không có kế hoạch xâm lược Ukraine, và rằng họ cùng những người đồng cấp Mỹ đã đồng ý tiếp tục nói chuyện, nhưng căng thẳng vẫn ở mức cao.

Tại Washington, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo họ đã đề nghị các thành viên gia đình đủ điều kiện rời khỏi Đại sứ quán của họ ở Kyiv do mối đe dọa về hành động quân sự của Nga. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho phép các nhân viên chính phủ Mỹ tự nguyện rời đi và cho biết tất cả người Mỹ nên cân nhắc việc rời đi ngay lập tức.

Các quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu xem xét các lựa chọn để tăng cường khí tài quân sự của Mỹ trong khu vực, sau khi gặp gỡ các trợ lý an ninh quốc gia hàng đầu tại trại David hôm thứ Bảy.

New York Times cho biết TT Biden đang cân nhắc kế hoạch gửi 1.000 đến 5.000 quân đến các nước Đông Âu, với khả năng tăng quân số nếu căng thẳng bùng phát hơn nữa.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho đến nay đã bác bỏ lời kêu gọi áp đặt ngay các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, nói rằng làm như vậy sẽ làm giảm khả năng của phương Tây trong việc ngăn chặn sự xâm lược tiềm tàng của Nga đối với Ukraine.

Khi các hoạt động triển khai quân của Mỹ được thảo luận, một quan chức cấp cao cho biết các hình phạt kinh tế của Mỹ đối với Nga sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng nếu nước này xâm lược Ukraine.

Về phía Nga, Moscow đã đưa ra một loạt yêu cầu đối với Mỹ, bao gồm việc ngừng mở rộng NATO về phía đông và cam kết rằng Ukraine sẽ không bao giờ được phép gia nhập liên minh quân sự phương Tây.

Xuân Lan

Xem thêm: