Theo kết quả thống kê của hãng tin The Guardian, ít nhất 69 tượng đài và đài tưởng niệm ở Anh bị dỡ bỏ, đổi tên hoặc thay đổi sau khi phong trào Black Lives Matter (BLM – Mạng sống người da đen quan trọng) càn quét qua đất nước này. 

Embed from Getty Images

Kể từ khi phong trào BLM quét qua Đại Tây Dương từ Hoa Kỳ đến Vương quốc Anh, The Guardian “ước tính có 39 địa danh – bao gồm đường phố, tòa nhà và trường học – và 30 bức tượng, bia tưởng niệm và các đài tưởng niệm khác đã hoặc đang bị thay đổi hoặc dỡ bỏ”. Phong trào BLM, cho dù không có hình ảnh của George Floyd ở phía sau, thì vẫn coi lịch sử và di sản kiến trúc của nước Anh trở thành mục tiêu chính. 

Một trong số những bức tượng bị “thanh trừng” là của “những người buôn bán nô lệ” như ông Edward Colston (sinh năm 1636), nhà từ thiện, nghị sĩ và thương gia Cơ đốc giáo được tôn kính một thời. Do công việc kinh doanh của ông có liên đới với việc buôn bán nô lệ, một đám đông đã kéo đổ bức tượng của ông ở Bristol, phía Giáo hội cũng dỡ bỏ cửa sổ kính màu tưởng niệm ông và đổi tên một số tòa nhà mang tên ông.

Mục tiêu của phong trào BLM còn nhắm đến tượng đài của nhiều nhân vật như nhà triết học của thời đại Khai sáng người Scotland David Hume – một nhân vật tiến bộ trong thế kỷ 18 hiện bị lên án vì nhiều lập trường chính trị không còn được coi là đúng đắn phù hợp với thế kỷ 21, và ông William Gladstone – một trong những thủ tướng vĩ đại nhất của Anh, mà cha của ông có cổ phần tài chính trong các đồn điền ở Caribê sử dụng lao động nô lệ trước khi chính sách này bị bãi bỏ. 

Trong số các mục tiêu bị nhắm đến, nổi tiếng nhất là Đài tưởng niệm chiến tranh quốc gia Cenotaph vinh danh những anh hùng đã chiến đấu và hy sinh trong Thế Chiến thứ I và Thế Chiến thứ II; Tượng đài của Sir Winston Churchill – nhiều lần bị hủy hoại bằng những hình vẽ graffiti đổ cho ông “phân biệt chủng tộc” – ở Quảng trường Quốc hội; và bức tượng Nữ hoàng Victoria ở Leeds, bị phun đầy các chữ miệt thị như “con điếm”, “xỉ than”, và “chủ nô” (mà về mặt lịch sử là không chính xác). 

May mắn là vẫn còn rất nhiều tượng đài và đài tưởng niệm nằm trong tầm ngắm của các nhà hoạt động BLM và những kẻ bạo loạn chưa bị phá dỡ do một số quan chức, cơ quan và doanh nghiệp kịp thức tỉnh.

Tuy nhiên, ông Hakim Adi, một giáo sư người da đen ở Đại học Chichester cho biết trong một bài bình luận gửi đến The Guardian: “Nếu chính phủ thực sự lo ngại về bất bình đẳng và phân biệt chủng tộc, họ sẽ là người đầu tiên nói đồng ý, hãy đặt những bức tượng này vào bảo tàng đặc biệt để phơi bày các tội ác chống lại loài người và ngăn chặn tôn vinh con người một cách công khai”. 

Khi đề cập đến những nỗ lực muộn màng để thông qua các dự luật nhằm ngăn chặn việc dỡ bỏ các đài tưởng niệm, ông Adi nói: “Nhưng họ có quan điểm ngược lại. Vì vậy, các bạn phải đặt nghi vấn đối với việc họ nói muốn có một xã hội công bằng và bình đẳng hơn, một xã hội không có phân biệt chủng tộc, bởi vì đó chỉ là đạo đức giả.” 

The Guardian mới đây cũng cho hay phong trào Black Lives Matter (BLM) đã được một Nghị sĩ Na Uy đề cử cho giải Nobel Hòa bình năm 2021 vì đã “nâng cao nhận thức và ý thức về bất công chủng tộc trên thế giới”.

Gia Huy (Theo Breitbart)

Xem thêm: