Cảnh sát Thủ đô London (Metropolitan Police) đã tiến hành “cuộc điều tra chủ động chống gian lận” lớn nhất trong lịch sử và đã phát hiện ra một mạng lưới tội phạm quốc tế. Những kẻ lừa đảo mạo danh ngân hàng để lấy mật khẩu của nạn nhân, sau đó rút sạch tài khoản. Các nạn nhân trải khắp Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Hà Lan, Úc, Pháp và Ireland, cảnh sát ước tính có 200.000 nạn nhân chỉ riêng ở Vương quốc Anh và nhiều nạn nhân tiềm năng khác.

lua dao qua dien thoai
(Ảnh minh họa: Bits And Splits/Shutterstock)

Theo BBC đưa tin, Vương quốc Anh đã triển khai một cuộc điều tra toàn cầu kéo dài 18 tháng đối với trang web iSpoof.cc, được biết đến với cái tên “cửa hàng một cửa của các vụ lừa đảo quốc tế” và đã bắt giữ 120 người trong những tuần gần đây (103 người ở London và 17 người ở nơi khác). Một trong những người đàn ông ở phía đông London, tên là Teejay Fletcher, bị cáo buộc là người quản lý hoạt động kinh doanh lừa đảo, đang phải đối mặt với cáo buộc hình sự.

Cảnh sát Anh kêu gọi 70.000 nạn nhân Anh báo án

Cảnh sát trưởng London, ngài Mark Rowley cho biết, các phần tử tội phạm đã tiến hành “công nghiệp hóa gian lận”. Hiện 70.000 nạn nhân ở Vương quốc Anh đã được tin nhắn văn bản từ cảnh sát yêu cầu họ báo án.

Cảnh sát Anh đã thu thập được số lượng nạn nhân, nhưng không biết danh tính và địa chỉ của họ. Cảnh sát đã gửi tin nhắn văn bản tới 70.000 người trong vòng 24h, cảnh báo rằng họ đã trở thành nạn nhân của hoạt động chống gian lận lớn nhất nước Anh và yêu cầu họ đăng ký thông tin cá nhân của mình trên trang web Action Fraud.

Để tránh những kẻ lừa đảo giả danh cảnh sát gửi tin nhắn, cảnh sát nhấn mạnh những tin nhắn này sẽ chỉ được gửi vào ngày 24 và 25/11, những tin nhắn tương tự gửi vào bất kỳ thời điểm nào khác đều có thể là do kẻ lừa đảo gửi.

FBI đóng cửa trang web iSpoof liên quan đến lừa đảo

Trang web iSpoof liên quan đến vụ lừa đảo được thành lập vào tháng 12/2020, vào thời kỳ đỉnh cao trang web này có có 59.000 người dùng. iSpoof cho phép người dùng sử dụng Bitcoin để mua quyền sử dụng phần mềm phạm tội, với phí hàng tháng từ 150 đến 5.000 bảng Anh. Đôi khi những kẻ lừa đảo thực hiện các cuộc gọi lừa đảo tới 20 người mỗi phút. Các nạn nhân sống ở Mỹ, Anh, Hà Lan, Úc, Pháp và Ireland. Hiện trang web này đã bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đóng cửa.

iSpoof được quảng cáo công khai là cung cấp quyền truy cập vào các máy chủ, ban đầu được đặt ở Hà Lan và sau đó là Ukraine, qua đó những phần tử tội phạm có thể gọi cho nạn nhân từ các số điện thoại giả.

Những kẻ lừa đảo đã sử dụng thao tác này này để giả làm nhân viên của các ngân hàng bao gồm Barclays, Santander, HSBC, Lloyds, Halifax, First Direct, NatWest, Nationwide và TSB.

Nạn nhân được yêu cầu nhập “mã một lần” hoặc mật khẩu tài khoản vào điện thoại của họ, mã này sẽ bị máy chủ iSpoof chặn và đưa cho kẻ lừa đảo. Sau đó, tội phạm có thể có quyền truy cập vào tài khoản của nạn nhân, tài khoản này sau đó có thể bị xóa.

40% cuộc gọi lừa đảo là ở Hoa Kỳ

Sở Cảnh sát London (London Metropolitan Police Services) đã mở cuộc điều tra Operation Elaborate vào tháng 6/2021 và các điều tra viên đã thâm nhập vào iSpoof và bắt đầu thu thập thông tin.

Vương quốc Anh đã làm việc với Europol (Tổ chức Hình cảnh Châu Âu), FBI và các cơ quan thực thi pháp luật khác trên khắp thế giới để bắt giữ các nghi phạm lừa đảo ở Hà Lan, Úc, Pháp và Ireland, đồng thời đóng cửa các máy chủ ở Ukraine và Hà Lan.

Cảnh sát London cho biết trong năm qua, tính đến tháng 8 năm nay, nghi phạm đã thực hiện hơn 10 triệu cuộc gọi lừa đảo trên khắp thế giới. Trong số 10 triệu cuộc gọi lừa đảo được thực hiện, 40% là ở Mỹ, 35% là ở Vương quốc Anh và phần còn lại trải rộng trên nhiều quốc gia.

Cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành

Bà Helen Rance thuộc đơn vị tội phạm mạng của Cảnh sát London cho biết, nạn nhân không dễ dàng phát hiện ra các cuộc gọi lừa đảo. Bà nói: “Những người ở đầu dây bên kia nói rất hay. Đối với rất nhiều người, trò lừa đảo này thực sự là một cú sốc có tính hủy diệt. Chắc hẳn họ đang lo lắng và tôi thực sự thông cảm với họ.”

Cho đến nay, cảnh sát Anh tin rằng 48 triệu bảng Anh có thể đã bị những phần tử tội phạm đánh cắp thông qua iSpoof, với vụ trộm cao nhất là 3 triệu bảng Anh, thiệt hại trung bình là 10.000 bảng Anh. Tuy nhiên con số có thể sẽ tăng lên.

Người đàn ông đứng sau vụ lừa đảo được cho là đã “kiếm được” 3,2 triệu bảng Anh và sống một cuộc sống “xa xỉ”. Bà Helen Rance cho biết, cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành. Bà nói: “Chúng tôi vẫn sẽ bắt giữ (những kẻ tình nghi) hôm nay và ngày mai. Chúng tôi đang nói với những tên tội phạm đã sử dụng trang web rằng chúng tôi có thông tin chi tiết của bạn và đang nỗ lực tìm kiếm bạn, bất kể bạn ở đâu.”

Bà cũng cảnh báo rằng tội phạm mạng đang gia tăng và ngay cả khi những tên tội phạm này bị bắt, những kẻ khác cũng sẽ làm theo. Bà nói: “Không còn nghi ngờ gì nữa, họ sẽ đến một địa điểm khác (để tiếp tục phạm tội). Họ đã tạo ra một bản sao lưu. Chúng tôi vẫn chưa giải quyết được vấn đề này.”