Ngày 7/12, Vương quốc Anh đã phê duyệt mỏ than mới đầu tiên sau nhiều thập kỷ, dự kiến sẽ tạo ra khoảng 500 việc làm, theo Reuters đưa tin.

Embed from Getty Images

Dự án mỏ sâu Woodhouse Colliery, do West Cumbria Mining phát triển ở Tây Bắc nước Anh, đã được công bố từ năm 2014. Dự án là về khai thác than luyện cốc được sử dụng trong ngành thép hơn là để phát điện, và đã vấp phải chỉ trích từ ban cố vấn khí hậu độc lập của chính phủ Anh cũng như các đảng đối lập, các nhà hoạt động khí hậu và các tổ chức, bao gồm Greta Thunberg và Greenpeace.

“Than [khai thác theo dự án này] sẽ được sử dụng để sản xuất thép. Nếu không sẽ phải nhập khẩu. Nó sẽ không được sử dụng để phát điện,” người phát ngôn của Bộ Nâng cấp, Nhà ở và Cộng đồng cho biết sau khi Bộ trưởng Michael Gove cấp phép.

Phần lớn than sản xuất dự kiến ​​sẽ được xuất khẩu sang châu Âu. Các tài liệu quy hoạch cho thấy, hơn 80% sản lượng than hàng năm sẽ được gửi đến một nhà ga xuất khẩu ở bờ biển phía Đông nước Anh trong vòng 5 năm.

Khí thải do đốt than gây nên hiệu ứng nhà kính được các nhà khoa học cho là tác nhân lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu. Nhiều năm nay, việc cắt giảm và ngừng hẳn sản xuất và sử dụng than đá cũng như các nguồn năng lượng như dầu khí được nhiều cá nhân và tổ chức ủng hộ như là lời giải cho bài toán khí hậu toàn cầu.

Tuy nhiên, thực tế các nguồn “năng lượng xanh”, được cho là ít ảnh hưởng khí hậu hơn, còn xa mới đủ khả năng thay thế cho nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống. Ngoài ra, các quốc gia khác nhau có các chính sách khác nhau, dẫn đến còn nhiều bất cập vào thời điểm hiện tại nếu các quốc gia phương Tây quá tuyệt đối trong việc hoàn toàn cắt bỏ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống.

Một số dư luận cho rằng, phong trào “năng lượng xanh” nhiều khi mang nhiều nhân tố chính trị hơn là khoa học.

Nước Anh, cái nôi của cuộc cách mạng công nghiệp, đã từng sử dụng 1,2 triệu lao động tại gần 3.000 nhà máy sản xuất. Mỏ sâu khai thác than đá cuối cùng của Anh đã đóng cửa vào năm 2015.

Thiên Đức (Theo Reuters)