Trong những lô đạn dược do Anh quốc dự kiến đưa vào chiến trường Ukraine có chứa ‘uranium đã cạn kiệt’, điều mà các nghiên cứu cho thấy có tác hại lâu dài cho cả binh lính và thường dân. Nga đã lên tiếng phản đối về việc này, theo Reuters đưa tin 22/3.

uranium
Uranium cạn kiệt có trong lô đạn dược gửi cùng xe tăng Challenger 2 của Anh quốc. (Ảnh ghép từ Wikipedia)

‘Uranium đã cạn kiệt’ (depleted uranium) là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium tự nhiên. Uranium cạn kiệt là loại vật chất rất đậm đặc, là vật liệu chi phí rẻ nhưng hữu dụng để chế tạo đầu đạn, đặc biệt là đạn phá giáp. Theo một báo cáo của Đại học Harvard cuối năm 2021, những nghiên cứu ở chiến trường Trung Đông cho thấy sử dụng vật liệu này đã gây ra ảnh hưởng lâu dài đến môi trường, kể cả ô nhiễm nước, tác hại cho sức khỏe của những ai sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng, kể cả người dân thường.

Trong phần trả lời của Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Annabel Goldie ghi ngày 20/3, đã khẳng định uranium cạn kiệt có trong lô đạn dược cung cấp cho chiến trường Ukraine, “Chúng tôi sẽ cung cấp đạn dược bao gồm đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo. Những loại đạn như vậy có hiệu quả cao trong việc đánh bại xe tăng và xe bọc thép hiện đại.”

Nga lập tức lên tiếng phản đối, theo Reuters đưa tin.

“Tôi muốn lưu ý rằng nếu điều này xảy ra, thì Nga sẽ buộc phải có phản hồi tương ứng, trên cơ sở rằng phương Tây, một cách tập thể, đã bắt đầu sử dụng vũ khí có thành phần hạt nhân,” Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong bài phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 21/3.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi đây là “tình huống Nam Tư”, ý nói đến các báo cáo về uranium cạn kiệt ảnh hưởng sức khỏe và nhiễm độc môi trường.

Theo báo cáo của Đại học Harvard như đã dẫn, một số nguồn ước tính khoảng 300 tấn uranium cạn kiệt đã được sử dụng trong cuộc Chiến tranh Vùng vịnh lần thứ nhất bởi Hoa Kỳ và Anh quốc. Thật đáng kinh ngạc, khoảng 1.000 đến 2.000 tấn đã được sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai vào năm 2003, một cuộc xung đột chỉ kéo dài khoảng ba tuần.

Vào những năm 1990, các nhà hoạt động môi trường và các nhóm khác đã chỉ trích việc sử dụng uranium cạn kiệt, nhưng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục triển khai nó. Năm 2015, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ sẽ không dùng uranium nghèo nữa, chỉ dùng nó cho các cuộc không kích ở Syria vào cuối năm đó.

Theo Wikipedia dẫn chứng: Ngay từ năm 1997, các bác sĩ Quân đội Anh đã cảnh báo Bộ Quốc phòng rằng việc tiếp xúc với uranium cạn kiệt làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi, bạch huyết và não, đồng thời khuyến nghị một loạt biện pháp phòng ngừa an toàn. Theo một báo cáo được đưa ra tóm tắt lời khuyên của các bác sĩ, “Việc hít phải bụi uranium dioxit không hòa tan sẽ dẫn đến sự tích tụ trong phổi với khả năng thanh thải rất chậm… mặc dù độc tính về hóa học thấp nhưng có thể xảy ra tại chỗ tổn thương về bức xạ của phổi dẫn đến ung thư.”

Nhật Tân