Bài báo này gồm có 2 phần kể về trải nghiệm của một nhà báo người Venezuela trốn thoát khỏi quốc gia xã hội chủ nghĩa thất bại và vật lộn sống sót tại nơi mà các phóng viên, nhà báo thường trực bị đe dọa tính mạng và thân thể. Một số tên trong bài báo đã được thay đổi để đảm bảo sự an toàn của những người liên quan.

***

Embed from Getty Images

Quyết định trốn chạy khỏi Venezuela liên quan đến nỗi sợ xuyên suốt trong 5 năm qua của tôi: khả năng một ngày nào đó Mario Vega cuối cùng sẽ có đủ quyền lực trong tay để trả thù vụ chiếc máy tính bảng. 

Cứ mỗi 2 tháng tôi lại gọi cho một người quen có tương tác gần với Vega để nắm được các mối quan hệ chính trị của hắn ta. Vega khét tiếng bởi việc hắn có thể làm hại bất cứ ai có nguy cơ trở thành mối đe dọa cho mình. Do đó, không cần nghi ngờ gì, tôi biết một khi Vega đi lại với bất kỳ nhân vật quyền lực nào trong nhóm chavismo trung thành với tổng thống Marudo, an toàn của tôi sẽ bị đe dọa. 

Vào tháng 12 năm 2008, một nguồn tin trong chính phủ cho tôi biết hiện Vega đang dưới trướng của con trai Maduro, “Little Nicolas”, người mà bên cạnh những hành động khiếm nhã được đăng tải trên truyền hình quốc gia còn được biết đến là con trai của một tay bạo chúa ở thế giới thứ ba và có quan hệ với những đầu sỏ chính trị Venezuela. 

Bằng chứng đầu tiên cho thấy Vega rõ ràng có ý định thủ tiêu tôi là tại một cuộc biểu tình chống tổng thống Maduro diễn ra ở gần nơi tôi sống vào tháng 1 năm 2019, một nhóm người đã tấn công đoàn biểu tình. 

Trong khi tôi đang tác nghiệp tại hiện trường cuộc biểu tình với sự hỗ trợ của một nhiếp ảnh gia tự do, bốn người đàn ông tiến đến đánh đập người nhiếp ảnh dã man. Một trong số họ chia súng về phía tôi và nói: “Đây là hậu quả của việc anh đã xem những gì mình không nên xem. Nó cũng chính là kết cục đang chờ anh phía trước. Chúng tôi giờ chỉ còn đợi lệnh chính thức để giết anh.” 

Hai tuần sau đó, vào một buổi tối Thứ Sáu khi tôi đang hẹn hò với bạn gái, một chiếc xe cảnh sát yêu cầu tôi dừng lại ngay giữa đường cao tốc chính của Maracaibo. Tôi ngay lập tức biết rằng sự việc này có liên quan trực tiếp đến Vega. 

Gã cảnh sát nói: “Nhìn xem những gì chúng ta có ở đây này, đó là Luis Francisco Orozco.” Hắn ta tiếp tục: “Tôi hy vọng anh đã có một khoảng thời gian tuyệt vời để viết về những chuyện tào lao diễn ra trên đất nước chúng ta.” 

Đáp lại, tôi nói: “Tôi không biết ông có biết đọc tiếng Anh không, tất cả những gì tôi viết đơn giản chỉ là cơn các mộng mà những người dân ông đang có nhiệm vụ bảo vệ đang trải qua.” 

“Tôi chả biết được Luis ạ, nhưng sự thật là anh đang chọc nhầm người rồi. Dù sao thì tôi nghĩ anh nên đi đi, con đường này khá nguy hiểm. Sẽ thật xấu hổ nếu anh bị cướp ở đây”, nói xong viên cảnh sát nhảy lên xe và rời đi. 

Thoáng chốc 5 phút sau, hai người đàn ông trên một chiếc xe máy chĩa một khẩu súng ngắn vào tôi và bạn gái, cướp lấy điện thoại của chúng tôi và hét lên: “Anh sẽ sớm thành một xác chết Luis ạ.” 

Ngày kế tiếp, một người quen của tôi trong Cơ quan Tình báo Quốc gia Bolivar (SEBIN) gọi cho tôi để thông báo một tin mà tôi không bao giờ muốn nghe.

Anh phải thật cẩn thận Luis ạ. Mặc dù giết một nhà báo sẽ kéo theo một loạt bàn tán trong dư luận mà chính quyền không mong muốn, nhưng  Mario thật sự muốn hại anh và rất nhiều cảnh sát cũng như những kẻ trong nhóm colectivo (ủng hộ Maduro) muốn lấy lòng hắn tai.” Anh ấy nói thêm: “Điều tệ hơn là đây là những kẻ rất tùy tiện”. 

Sau khi cúp máy, tôi quyết định nhanh chóng phải trốn sang Colombia. Tôi đã ghé thăm Colombia một vài lần và có liên hệ với một số người có thể tạo điều kiện cho tôi bỏ trốn.  

Một người bạn làm trong chính phủ đã cho tôi số điện thoại của một trung sĩ trong lực lượng vũ trang thường xuyên đến công tác tại biên giới giữa Venezuela và Colombia. Viên trung sĩ này cũng đề nghị giúp đỡ những người đang bị cảnh sát hay bất kỳ cơ quan an ninh nào khác của chế độ đàn áp như tôi. Anh ấy cho hay tôi có thể đến Colombia trong vòng 10 ngày. 

Không một chút do dự, tôi lập tức đồng ý với kế hoạch của anh ấy. Đây là cơ hội duy nhất tôi có được trong thời khắc hiểm nguy. Tôi lặng lẽ chuẩn bị rời Venezuela mà không báo cho bất cứ ai, kể cả gia đình hay cơ quan truyền thông mà tôi đang làm việc ở thời điểm đó. 

Trước mắt tôi là viễn cảnh trong 10 ngày tới mình sẽ làm gì. Venezuela đang chìm trong tối tăm và hỗn loạn do sự cố mất điện trên toàn quốc kéo dài cả tuần. 

Trong vòng 10 ngày này, tôi có thể mất mạng vào bất cứ lúc nào. Rất có thể ngày tiếp theo sẽ là ngày chết của tôi. Sợ hãi và bất định bao phủ. 

Khi tôi đang tìm xăng để chạy máy phát điện của mình, 3 người đàn ông lạ mặt đã cố chặn trước xe tôi bằng xe tải của họ. Hai trong số kẻ lạ mặt cầm gậy bóng chày và gã còn lại có súng. 

Bởi một lý do nào đó mà tôi đến giờ vẫn không biết, khi người đàn ông trang bị súng hét lên: “Giờ mày phải giao nộp chiếc xe này”, tôi không chần chừ một giây mà đạp ga phóng lên phía trước. Xe của tôi đã bị bắn 5 lần, 4 viên đạn vào đèn chiếu hậu, một viên bắn vào cửa sổ sau và viên khác vào ghế hành khách sau xe. 

Tôi nhanh trí bỏ xa những kẻ côn đồ, đến nhà bố mẹ lấy một ít quần áo, giấu ô tô trong trong nhà một người anh họ và trú ẩn tại một nhà nghỉ rẻ tiền cho đến khi điện được khôi phục trên cả nước. Khi có điện trở lại, người quản lý nhà nghỉ nói chúng tôi cần phải rời đi ngay. Tôi có 3 ngày phải giữ an toàn trước khi khi được trốn đi. Cuối cùng tôi lấy lại ô tô của mình, tiếp tục di chuyển về phía biên giới trước khi tạm dừng chân tại một nhà nghỉ khác ở thị trấn lân cận. 

Tôi liên lạc với người trung sĩ hôm trước đã hứa giúp tôi chạy trốn qua biên giới. Anh nói chuyến đi của tôi được lên kế hoạch vào thứ Tư lúc 8 giờ sáng. Ngày hôm đó, khi tôi đang ngủ thì bị anh đánh thức. Tôi nhìn đồng hồ và thấy mới có 1 giờ sáng. Anh cho biết: “Kế hoạch đã thay đổi, anh phải rời đi ngay bây giờ, nếu không thì phải đợi thêm 1 tháng nữa.” Anh ấy hẹn tôi khoảng 1 giờ nữa anh sẽ có mặt để đón tôi trước nhà. 

Theo kế hoạch, tôi sẽ di chuyển đến biên giới và sau đó bắt xe bus đến thành phố biển Riohacha của Colombia để lên chuyến bay mà tôi đã đặt trước đến Medellin. 

Tôi trở về nhà và lấy một cái túi và nhét một vài bộ quần áo và vài quyển sách. Viên trung sĩ đã có mặt sớm hơn dự tính. Anh giải thích cho tôi kế hoạch sắp tới. Anh ấy sẽ lo việc nói chuyện với các nhân viên an ninh trong mỗi trạm kiểm soát dọc đường. Tôi và viên trung sĩ phải đi qua toàn bộ bán đảo La Guajia trước khi tiếp cận một khu vực gọi là “đường lằn”, một trong hai biên giới chính giữa Venezuela và Colombia. Để đến được nơi này, chúng tôi đã băng qua Santa Cruz, El Moján, Río Limón, Sinamaica, Paraguayaipoa và Los Filudos. 

Ngay trước khi tới thị trấn đầu tiên trong số 6 thị trấn nêu trên, người trung sĩ nói: “Tôi cũng không biết vì sao anh phải chạy trốn khỏi đất nước này, nhưng mà tôi cũng chả quan tâm. Những người như anh đã thành trung tâm của công việc làm ăn của tôi. Hãy nhìn xem, rất nhiều người Venezuela đang phát ốm và quá mệt mỏi bởi cuộc khủng hoảng cũng như nạn đói. Mọi người cần phải sinh tồn trong giai đoạn khó khăn này và từ đó vượt lên. Ý tôi là, như anh thấy đấy, tôi đã và đang kiếm được kha khá trong những phi vụ thế này. Quá nhiều người muốn trốn qua biên giới ý chứ. Tôi chả biết anh là ai nhưng phải nói cuộc khủng hoảng này lại mở ra một cánh cửa cho tôi. Tôi đang sống khá thoải mái.” 

Tôi im lặng trong suốt cuộc hành trình và lặng lẽ quan sát cách người trung sĩ băng qua từng trạm kiểm soát chỉ với việc nêu thông tin của anh ấy. Duy nhất tại trạm kiểm soát giữa Sinamaica và Paraquayaipoa, anh đã phải ra khỏi xe và thảo luận trong suốt 45 phút với ba người lính đang làm nhiệm vụ. Sau đó, anh trở lại xe và chúng tôi tiếp tục di chuyển đến “đường lằn”. 

Viên trung sĩ nói: “Có vẻ như một số người biết anh, tôi đã phải thuyết phục họ cho chúng ta đi qua. Nhưng mà yên tâm, họ sẽ không tiết lộ điều gì đâu.”

Tôi tò mò: “Sao mà anh làm được thế?”

Anh trả lời: “Đơn giản thôi, tôi sẽ chia cho họ một phần hoa hồng, đồng nghĩa với việc anh sẽ phải trả tiền gấp đôi, người anh em bé nhỏ ạ.” 

Khi chúng tôi đến “đường lằn”, lúc đó là 6 giờ sáng. Trung sĩ lấy hộ chiếu của tôi và đích thân đem nó đến phòng nhập cư Venezuela để đóng dấu. 

Sau đó, anh quay lại và bảo tôi: “Này anh bạn, từ đây anh sẽ phải đi một mình. Chà chà, tôi hy vọng cuộc khủng hoảng này sẽ còn kéo dài và tôi sẽ kiếm được một khoản kếch xù từ những phi vụ kiểu này. Nhưng đương nhiên, một mặt khác, tôi cũng mong muốn tình hình rối ren sẽ kết thúc để tất cả những người như anh có thể hồi hương.”

Tôi đưa cho anh tổng cộng 400 đô la. Sau đó, tôi đóng dấu hộ chiếu của mình tại văn phòng nhập cư Colombia và trả tiếp 50 đô cho một chuyến xe Jeep hiệu Wagoneer đưa tôi ra sân bay Riohacha. Tôi đợi ở đây đến 6 giờ chiều cùng ngày để đáp chuyến bay đến Medellin.

Tôi chọn thành phố này không bởi vị trí địa lý, diện mạo hay thời tiết của nó, chỉ đơn giản bởi tôi có một vài người bạn ở đây. Medellin cũng là thành phố mà cơ quan tình báo Venezuela không thể kiểm soát toàn bộ như thủ đô Bogota hay các khu vực biên giới. 

Khi đến Rionegro và bắt taxi tới Medellin, tôi nhận ra mình vừa trở thành một trong 5 triệu người buộc phải rời khỏi quê hương vì chủ nghĩa xã hội. Số phận của chúng tôi không khác mấy so với những người Đông Âu trốn thoát khỏi Liên Xô và Nam Tư, hay người Trung Quốc trốn ra hải ngoại, người Cuba chạy khỏi đảo quốc Caribbean. 

Tôi không biết mình sẽ sống lưu vong cho đến khi nào. 

Tôi càng không biết khi nào có thể gặp lại gia đình. 

Cách duy nhất tôi có thể chống lại chế độ độc tài trên quê hương mình cũng chính là hai điều khó làm nhất trong bối cảnh bạo lực và kiểm duyệt nhà nước ở Venezuela: tiếp tục công tác báo chí và phơi bày sự thật. 

Cho dù chuyện gì có xảy ra.

Luis Francisco Orozco là một nhà báo, nhà phân tích chính trị người Venezuela. Tài khoản Twitter của anh là @LForzco.

Hoa Minh biên dịch

Xem thêm: