Chiến lược “miễn dịch cộng đồng” táo bạo của Anh, theo đó khoảng 60 – 70% người dân sẽ bị để nhiễm virus, đã vấp phải rất nhiều ý kiến chỉ trích của các chuyên gia y tế và WHO, khiến chính phủ Anh phải thay đổi cách tiếp cận.

shutterstock 1674053089
(Ảnh: Shutterstock)

“Miễn dịch cộng đồng” liệu có hiệu quả?

Hôm 13/3, cố vấn khoa học hàng đầu của Chính phủ Anh, ông Patrick Vallance cho biết một trong những điều then chốt cần làm để chống lại dịch COVID-19 là “xây dựng miễn dịch cộng đồng để có thêm nhiều người miễn dịch đối với căn bệnh này và do đó giảm được sự lây nhiễm”.

“Miễn dịch cộng đồng” là cụm từ thường được dùng khi một số lượng lớn trẻ em đã được tiêm vắc-xin phòng bệnh, chẳng hạn như bệnh sởi, từ đó làm giảm khả năng những người khác sẽ mắc. 

Trong trường hợp của dịch viêm phổi Vũ Hán, nó được cho là một phương pháp phòng chống lại đại dịch khi chưa có vắc-xin. Khi đó, cộng đồng tự hình thành kháng thể và miễn nhiễm, kể cả khi virus quay trở lại vào mùa đông. Khi một tỷ lệ lớn cư dân đã trở nên miễn dịch với một loại vi khuẩn lây nhiễm, họ sẽ tạo nên một lớp bảo vệ cho những người không miễn dịch, chưa bị nhiễm. Biện pháp này bác bỏ việc cách ly, trừ những người già, người bị suy giảm hệ miễn dịch.

“Để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, khoảng 60 đến 70% dân số sẽ cần phải bị nhiễm bệnh và sau đó họ sẽ trở nên miễn dịch,” ông Patrick Vallance nói. 

Dường như đây là chiến lược được Chính phủ Anh đồng tình. Trước đó một ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định: “Chúng tôi có những kế hoạch rất rõ ràng”. Ông muốn người dân Anh tin tưởng rằng Chính phủ và các nhà khoa học có khả năng kiểm soát tình hình.

Chiến lược miễn dịch cộng đồng tập trung vào các biện pháp như yêu cầu những người có triệu chứng nhiễm virus corona tự cách ly trong 14 ngày và tránh người cao tuổi tiếp xúc xã hội.

COVID-19: Vì sao Anh không đóng cửa trường học?

Kế hoạch ứng phó của Anh gồm 4 giai đoạn: Ngăn chặn, trì hoãn, nghiên cứu và giảm nhẹ. Hiện nay, là bắt đầu của giai đoạn 2 – Trì hoãn. Theo một số nhà phân tích, kế hoạch này dường như chấp nhận rằng không thể ngăn chặn virus và nó có thể sẽ trở thành một loại cúm mùa hàng năm.

Với cách tiếp cận này, Anh không ưu tiên xét nghiệm diện rộng và truy xuất các tiếp xúc với nguồn lây; những người có triệu chứng nhẹ không cần xét nghiệm mà chỉ tự cách ly tại nhà; không cần cách ly hay đóng cửa trường học; không cấm các sự kiện thể thao hay các sự kiện tập trung đông người… Ngành y tế chỉ tập trung nguồn lực bảo vệ những người dễ tổn thương, bao gồm người già và những người có bệnh lý nền. 

Những phản bác

Theo một văn bản, được cho là thông tin dành cho hệ thống chăm sóc y tế công cộng của Anh, mới được tờ The Guardian tiết lộ, dịch COVID-19 có thể kéo dài trong 12 tháng nữa; 80% dân số Anh có thể nhiễm virus và 7,9 triệu người sẽ phải nhập viện.

Tuy vậy, ngay sau đó, chiến lược này của Anh đã bị nhiều nhà khoa học, chuyên gia y tế và WHO lên tiếng phản đối. Với dân số 66 triệu người, chiến lược này có nghĩa là đến 40 triệu người phải mắc bệnh. Với tỷ lệ tử vong trung bình 1%, số người chết tại Anh vì virus này có thể dao động từ 300.000 đến 1 triệu người.

Willem van Schaik, một giáo sư tại Đại học Birmingham viết trên Twitter: “Thật không may là tỷ lệ tử vong lại sẽ cao tới gần 10%, với số lượng người nhiễm như thế mà phần lớn lại không được cứu chữa. Quyết định của chính phủ thực sự là thảm họa. Đó là giải pháp giết người hàng loạt”.

“Không thể tách 80% số người nhiễm virus nhưng mạnh khỏe khỏi 20% số người nhiễm virus nhưng thể trạng yếu. Và khi không tiến hành xét nghiệm, thì không thể biết được chính xác ai đang mang virus và liệu người đó có bị nhiễm trở lại hay không,” theo giáo sư William Hanage.

Blogger: 6 giai đoạn nước Ý đã lâm vào khủng hoảng dịch bệnh

Ngày 14/3, hơn 200 nhà khoa học, chuyên gia y tế đã viết thư ngỏ phản đối vì có thể khiến hệ thống y tế Anh quá tải với các ca bệnh nặng, gây rủi ro cho nhiều mạng sống. Thay vào đó, họ kêu gọi thực hiện biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt với đối tượng áp dụng đa dạng hơn những gì chính phủ đang khuyến cáo.

“Chúng tôi coi các biện pháp cô lập được thực hiện cho đến nay là không đủ và chúng tôi tin rằng các biện pháp bổ sung và hạn chế hơn nên được thực hiện ngay lập tức, vì nó đã xảy ra ở các quốc gia khác trên thế giới”.

Cựu giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, ông Anthony Costello nói rằng chiến lược “miễn dịch cộng đồng” của chính phủ Anh đã đi ngược lại với các nước khác và nó có thể mâu thuẫn với chính sách của WHO trong việc kiềm chế dịch bệnh là theo dõi người bệnh và truy dấu tất cả các trường hợp mà người bệnh đã tiếp xúc. Ông dẫn lời của Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO đương nhiệm, cho biết: “Ý tưởng chuyển từ ngăn chặn sang giảm thiểu của các nước là sai lầm và nguy hiểm.”

Chiến lược đối phó viêm phổi Vũ Hán mới của nước Anh

Trước phản ứng của nhiều người, hôm 15/3, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nhấn mạnh rằng việc đạt được “miễn dịch cộng đồng” đối với virus corona mới không phải là chính sách đã định. “Miễn dịch bầy đàn không phải là một phần trong kế hoạch hành động của chúng tôi, nhưng là kết quả phụ tự nhiên của một dịch bệnh”, một phát ngôn viên Bộ Y tế cho biết. “Mục tiêu của chúng tôi là cứu người, bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất và giảm bớt áp lực cho Cục Y tế Quốc gia NHS”.

Trong cuộc họp báo ngày 16/3, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi người dân tránh tụ tập nơi đông người, không tới các câu lạc bộ, nhà hát. Người già và những người có sẵn vấn đề sức khoẻ được khuyến cáo cách ly tới 4 tháng. Hộ gia đình nào có 1 người nhiễm thì cả gia đình sẽ được yêu cầu tự cách ly trong 14 ngày, các bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân cách ly tại nhà qua Internet.

Ngoài ra, chính phủ sẽ bố trí thêm hàng ngàn giường bệnh, doanh nghiệp được khuyến khích để phục vụ lợi ích quốc gia bằng cách đại tu các dây chuyền sản xuất để sản xuất các thiết bị y tế thiết yếu như máy thở. 

Nhà chức trách cũng đề nghị người dân Anh làm việc tại nhà và tránh mọi giao tiếp xã hội nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan virus.

Dân chủ, Độc tài và Dịch bệnh

Theo tờ The Guardian, các biện pháp mới mà Thủ tướng Boris Johnson vừa công bố được cho là dựa trên mô hình khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Hoàng gia London. Dữ liệu mới nhất mà nhóm nghiên cứu này thu thập được cho thấy có đến 30% bệnh nhân ở Ý nhập viện vì cần được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt.

Giáo sư Neil Ferguson – người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London cho hay nhóm đã chứng kiến những diễn biến xấu từ Ý và rút ra bài học từ những kinh nghiệm ban đầu tại các bệnh viện ở Anh. Theo ông, nếu vẫn áp dụng chiến lược như giai đoạn 1 của Chính phủ Anh, với tên gọi “Giai đoạn trì hoãn”, 260.000 người tại quốc gia này có thể thiệt mạng. Những nạn nhân này không chỉ tử vong vì virus corona mà còn chết do các bệnh lý khác không thể chữa trị kịp thời do NHS bị quá tải.

Hiện tại, mặc dù những biện pháp mới của Chính phủ Anh không bao gồm đủ mọi đề xuất mà mô hình nhóm nghiên cứu đưa ra (thiếu lệnh đóng cửa các trường và đại học), song nó có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong xuống chỉ còn 20.000 hoặc thậm chí là vài nghìn người (trong trường hợp xấu nhất). Tuy thế, việc hợp tác từ người dân Anh đóng vai trò rất quan trọng nếu muốn đạt được hiệu quả phòng dịch.

“Hiện đang là thời điểm mà mọi người nên ngừng việc liên lạc không cần thiết với những người khác và hoãn tất cả các chuyến đi không cần thiết,” ông Johnson cho biết.

“Chúng tôi cần mọi người làm việc tại nhà và tránh đến các nơi tập trung đông người như quán rượu, câu lạc bộ và những tụ điểm khác.”

Johnson cho biết bất cứ ai sống trong gia đình mà có người đã xuất hiện các triệu chứng của COVID-19 nên tự cách ly trong thời gian 14 ngày.

Lê Vy (tổng hợp)

Xem thêm: