Hôm thứ Hai (15/11), sau khi Áo áp đặt lệnh phong tỏa đối với những người chưa tiêm chủng, Bộ Nội vụ của nước này đã xác nhận, các nhân viên cảnh sát được giao nhiệm vụ thực thi quy định gây tranh cãi này đã phạt 120 người.

Embed from Getty Images

Bộ trưởng Nội vụ Áo Karl Nehammer nhấn mạnh: “Các nhân viên cảnh sát thực hiện nhiệm vụ không mong muốn nhưng quan trọng này để kiểm tra không gian công cộng.” Ông cho biết, cảnh sát đã kiểm tra khoảng 15.000 người trên khắp nước Áo trong vòng 24 giờ đầu tiên kể từ khi quy định bắt đầu có hiệu lực. Trong một cuộc họp báo, ông Nehammer tiết lộ, cho đến nay, khoảng 120 biên lai tiền phạt đã được đưa ra đối với những người vi phạm.

Theo báo chí địa phương, ông cho hay: “Đó là một công việc khó khăn. Áp lực để kiểm soát đã được gia tăng trên quy mô lớn, và điều đó sẽ tiếp tục trong vài ngày tới.”

Tờ báo của Áo Kronen Zeitung đưa tin, Bộ trưởng Nehammer tuyên bố, trọng tâm chính của các cuộc kiểm soát là các đường phố đông đúc và những nhà hàng sầm uất. Những người từ chối tham gia vào các cuộc kiểm soát phải đối mặt với khoản phạt lên đến 1.450 euro (1.640 đô la).

Theo tờ Kleine Zeitung, Tổng Giám đốc An ninh Công cộng Franz Ruf nhận định: “Nhờ các đội tuần tra bổ sung và các đơn vị trực chiến có mặt trên khắp nước Áo, mức độ kiểm soát cao có thể được đảm bảo.”

Cuối tuần qua, trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg thông báo, lệnh phong tỏa đối với những người chưa tiêm chủng COVID-19 sẽ có hiệu lực vào thứ Hai (15/11). Ông yêu cầu những người chưa tiêm chủng “không rời khỏi căn hộ của mình” ngoại trừ vì “một số lý do nhất định”. Thủ tướng Schallenberg cũng thừa nhận, khoảng 1/3 dân số Áo, tương đương khoảng 2 triệu người, sẽ bị ảnh hưởng bởi quy tắc 10 ngày này.

Chính phủ cho biết, trẻ em dưới 12 tuổi và những người gần đây đã khỏi bệnh COVID-19 sẽ được miễn trừ kiểm soát. Quy tắc này quy định, những người chưa tiêm chủng sẽ phải ở trong nhà của họ trừ khi họ phải tham gia vào các chuyến công tác hoặc đi lại thiết yếu.

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Nehammer lưu ý: “Điều đó [việc kiểm soát] có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu. Mọi công dân phải chuẩn bị tinh thần có thể bị kiểm tra.”

Động thái này đã bị các thành viên đảng đối lập chỉ trích dữ dội. Đảng đối lập đặt nghi vấn liệu quy tắc này có hợp hiến hay không. Đảng Tự do cánh hữu chỉ trích quy tắc này sẽ tạo ra một tầng lớp công dân hạng hai, đồng thời nhắc lại những lo ngại của các tổ chức tự do dân sự về các chương trình thẻ thông hành vắc-xin đã được triển khai ở một số thành phố của Hoa Kỳ và hầu hết các quốc gia châu Âu.

Các cuộc biểu tình đã nổ ra tại thủ đô Viên cũng như tại thành phố Salzburg của Áo để phản đối lệnh phong tỏa. Đảng Tự do khẳng định, họ sẽ thách thức tính pháp lý của quy tắc này.

Tuy nhiên, Thủ tướng Schallenberg và các quan chức chính phủ khác cho rằng, lệnh phong tỏa là cần thiết để đối phó với sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 gần đây tại quốc gia này. Theo dữ liệu gần đây của chính phủ, khoảng 65% dân số Áo đã được tiêm chủng đầy đủ.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, thủ tướng Áo nhấn mạnh: “Mục đích của tôi rất rõ ràng là làm cho những người chưa tiêm chủng phải đi tiêm chủng, chứ không phải phong tỏa những người đã tiêm chủng. Chúng ta đang vấp phải một vòng luẩn quẩn từ làn sóng dịch bệnh sang phong tỏa và điều đó không thể tiếp tục kéo dài mãi. Về lâu dài, con đường để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này chỉ là tiêm chủng.”

Các quốc gia châu Âu khác, bao gồm các nước láng giềng của Áo như Đức và Cộng hòa Séc, cũng có thể áp dụng lệnh phong tỏa tương tự đối với những người chưa tiêm chủng. 

Ông Robert Habeck, đồng chủ tịch Đảng Xanh của Đức, nhận định, các biện pháp hạn chế mới được đề xuất sẽ là một “lệnh phong tỏa đối với những người chưa tiêm vắc-xin”. Trong khi đó, Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis tuyên bố trong tuần này rằng quốc gia của ông cũng đang xem xét một lệnh tương tự.

Nhật Minh (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: