Gần đây, New York Times đã có báo cáo điều tra cáo buộc rằng ‘gã khổng lồ’ công nghệ Mỹ Apple thỏa hiệp với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), không chỉ tuân thủ yêu cầu không cho xuất hiện trên các ứng dụng những từ nhạy cảm như “Thiên An Môn” hoặc “Đài Loan độc lập”, còn tuân thủ yêu cầu lưu trữ dữ liệu của người dùng Trung Quốc tại trung tâm quản lý dữ liệu do doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc quản lý.

iPhone
Công ty Apple quyết định sẽ lắp ráp iPhone SE tại Ấn Độ. (Ảnh minh họa: Framesira/Shutterstock)

Tờ Epoch Times dẫn thông tin điều tra của New York Times công bố vào ngày 17/5 với tiêu đề “Kiểm duyệt, giám sát và lợi nhuận: Để kinh doanh, Apple thỏa hiệp với Chính phủ Trung Quốc”, trong đó trích dẫn các tài liệu nội bộ của Apple và tài liệu tòa án, các cuộc phỏng vấn với các nhân viên làm việc tại Apple và chuyên gia an ninh mạng. Theo đó chỉ ra, dựa vào yêu cầu của Luật An ninh mạng năm 2017 của ĐCSTQ, trong 5 năm qua, Apple đã thực hiện một số nhượng bộ.

Nguồn tin dẫn lại cho hay, sau khi Trung Quốc bắt đầu thực thi Luật An ninh mạng vào năm 2017, CEO Tim Cook đã đồng ý lưu trữ thông tin cá nhân của người dùng Trung Quốc trong một trung tâm dữ liệu do một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc quản lý, máy chủ đặt tại thành phố Quý Dương tỉnh Quý Châu. Trung tâm dữ liệu này do Chính phủ Trung Quốc kiểm soát, và Apple cũng đồng ý lưu trữ mở khóa thông tin cá nhân của người dùng Trung Quốc trong trung tâm dữ liệu đó, đồng thời từ bỏ công nghệ mã hóa ban đầu.

Một số chuyên gia chỉ ra rằng điều này có nghĩa là Apple gần như không thể ngăn chặn các nhà chức trách lấy thông tin cá nhân như email, ảnh và danh bạ của người dùng Trung Quốc.

Ngoài ra, người phụ trách App Store từ năm 2009 – 2016 là Phillip Shoemaker nói rằng luật sư của Apple tại Trung Quốc đã từng liệt kê cho họ “một danh sách các vấn đề”, yêu cầu không có thông tin liên quan nào xuất hiện trong ứng dụng, tiêu biểu có thể kể như “Thiên An Môn”, “Đài Loan độc lập”, “Tây Tạng độc lập”, và Apple cũng cam kết sẽ chịu xử lý nếu cơ quan chức năng phát hiện vi phạm liên quan đến vấn đề nhạy cảm ở Trung Quốc. Shoemaker còn cho biết đã nhiều lần ông bị đánh thức vào nửa đêm để yêu cầu gỡ bỏ một số ứng dụng nhất định.

Patrick Wardle, một chuyên gia bảo mật thông tin từng làm việc cho Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), nói rằng Apple cũng đã hỗ trợ Chính phủ của ĐCSTQ thúc đẩy thế giới quan của họ, trước đây từng có thời gian khi người dùng nhập từ “Đài Loan độc lập” trên iPhone sẽ khiến điện thoại nhấp nháy và hủy bỏ.

Theo phân tích theo dõi của New York Times, kể từ năm 2017 đến nay đã có 55.000 ứng dụng trên App Store của Apple ở Trung Quốc vô cớ biến mất, nhưng chúng vẫn có thể được tìm thấy trên App Store ở các nước khác.

Ngày 18 vừa qua, Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã phỏng vấn một người Trung Quốc Đại Lục sử dụng điện thoại di động của Apple, được xác nhận rằng cùng điện thoại di động Apple nhưng nội dung cửa hàng ở Trung Quốc và Mỹ rất khác nhau. Thử IP tại Mỹ thì cửa hàng lập tức chuyển vùng và VPN sử dụng được bình thường, nhưng không thể được như vậy nếu đăng ký ID Trung Quốc. Người trả lời phỏng vấn cho rằng không phải chỉ có Apple phải chấp nhận nguyên tắc của Bắc Kinh mà mọi thương hiệu điện thoại ở Trung Quốc đều chịu kiểm duyệt như vậy trong cung cấp dịch vụ và nội dung, nếu không, họ có thể bị buộc tội kích động lật đổ và gây chia rẽ đất nước.

Trong một cuộc phỏng vấn với RFA, Chủ tịch Phòng Thí nghiệm Dân chủ Đài Loan là Thẩm Bá Dương (Shen Boyang) chỉ ra rằng ĐCSTQ luôn tiến hành kiểm duyệt Internet, nếu doanh nghiệp nào không hợp tác thì chỉ còn cách rút khỏi thị trường Trung Quốc. Các công ty khoa học công nghệ thường sẽ hợp tác, nhưng mức độ khác nhau, ngay cả Google trước đây cũng từng có phiên bản bị kiểm duyệt tại Trung Quốc, cho nên chuyện Apple chịu thỏa hiệp cũng không có gì ngạc nhiên.

Ông nói: “Nhiều công ty công nghệ sẽ thỏa hiệp trước sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc. Điều đáng sợ hơn là vấn đề kiểm duyệt liên quan đến Đài Loan”. Chuyên gia Thẩm Bá Dương đề cập rằng trước đây Apple đã cho biết thông tin người dùng Đài Loan không nằm ở Trung Quốc, nhưng dữ liệu đám mây lưu trữ ở Trung Quốc có khả năng bị ĐCSTQ kiểm soát, cơ bản khó che giấu ở Trung Quốc.

Giáo sư Khoa Kỹ thuật Điện tại Đại học Quốc gia Đài Loan là Tsungnan Lin cho RFA biết rằng nếu Apple chỉ xóa nội dung mà Chính phủ Trung Quốc không thích thì không gây đe dọa nào đối với quyền tự do ngôn luận và bảo mật thông tin của người dùng bên ngoài Trung Quốc. Nhưng nếu Apple đồng ý mang hệ thống của họ cho giới chức ĐCSTQ kiểm soát thì vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng.  Ông cho rằng hãng Apple phải nói rõ có phải tất cả thông tin người dùng bên ngoài Trung Quốc, bao gồm cả Đài Loan, nằm trong tay của ĐCSTQ hay không?

Giáo sư Tsungnan Lin nhận định ở Trung Quốc không có khái niệm về cái gọi là quyền riêng tư, và những hãng công nghệ đáp ứng yêu cầu của Bắc Kinh không chỉ có Apple. “Chính phủ Mỹ nên ra tay để giải quyết vấn đề liên quan, vì doanh nghiệp đơn lẻ khó có thể đủ sức đương đầu với một nhà nước chuyên chế kỹ thuật số”, ông cho hay.

Lâm Thi Viễn, Epoch Times

Xem thêm: