Ngày 16/3, Tập đoàn OFILM của Trung Quốc đã thông báo về “khách hàng cụ thể” có kế hoạch chấm dứt quan hệ mua bán với công ty này. Theo phân tích, nếu bị Apple loại khỏi chuỗi cung ứng mô đun máy ảnh thì khoản thiệt hại của OFILM sẽ lên tới 11,7 tỷ nhân dân tệ (khoảng 41.293,5 tỷ Việt Nam đồng). Hãng tin BBC đưa tin, OFILM có liên quan đến vi phạm nhân quyền từ lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

OFILM 2
Apple loại OFILM của Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng vì liên quan đến vi phạm nhân quyền (Nguồn: pixnio.com)

Tối ngày 16/3 (giờ Hồng Kông và Đài Loan), OFILM Trung Quốc thông báo gần đây công ty nhận được thông báo từ các “khách hàng cụ thể” ở nước ngoài về vấn đề chấm dứt quan hệ mua bán với tập đoàn và công ty con của OFILM, vì vậy tập đoàn này cũng đang có kế hoạch bán tất cả hoặc một phần tài sản của công ty con liên quan đến hoạt động kinh doanh của một số “khách hàng cụ thể”.

Điều đáng chú ý là các tài sản liên quan mà OFILM dự định bán bao gồm Công ty Delta ở Quảng Châu (tên cũ là Sony Electronics Huanan), trước đây qua việc mua lại công ty này giúp OFILM gia nhập chuỗi cung ứng mô-đun máy ảnh của Apple.

Một phóng viên của cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc “Thời báo Chứng khoán” đã cố gắng gọi vào số liên lạc của OFILM để hỏi về tình hình, nhưng đều không được.

Theo thông tin từ công ty chứng khoán Huaxi Securities, mô-đun camera của OFILM đã được áp dụng cho nhiều mẫu điện thoại thông minh, bao gồm P30 và Mate30 của Huawei, cũng đã tham gia thành công vào chuỗi cung ứng mô-đun camera kép phía sau iPhone11 của Apple.

Tờ “Thông tin kinh tế thế kỷ 21” (21st Century Business Herald) của Trung Quốc có bài chỉ ra, các sản phẩm do OFILM cung cấp cho Apple bao gồm mô-đun cảm ứng (áp dụng cho iPad) và sản phẩm quang học (áp dụng cho camera của điện thoại di động).

Được biết, doanh thu kinh doanh liên quan đến “khách hàng cụ thể” (Apple) của OFILM đã được kiểm toán năm 2019 là 11,698 tỷ RMB, chiếm 22,51% tổng doanh thu của OFILM năm 2019 đã được kiểm toán.

Thực tế, từ năm ngoái, thông tin về việc OFILM bị loại khỏi chuỗi cung ứng của Apple đã không ngừng được lưu truyền. Tháng Chín năm ngoái có đồn đoán, mảng kinh doanh cảm ứng của OFILM sẽ bị Apple loại khỏi chuỗi cung ứng, nhưng OFILM đã phủ nhận thông tin trên. Cuối tháng Một năm nay lại có thông tin, OFILM sắp bán nhà máy ở vùng Hoa Nam (OFILM Quảng Châu), nơi tham gia chuỗi cung ứng của Apple về mô-đun máy ảnh điện thoại di động.

Nếu hiện nay OFILM không còn nhận được các đơn đặt hàng từ các “khách hàng cụ thể” theo thông báo của họ, có nghĩa là vấn đề bị loại bỏ khỏi chuỗi cung ứng của Apple đã được hoàn tất.

Tập đoàn OFILM Trung Quốc được thành lập vào tháng 8/2002 và có 4 cơ sở sản xuất tại Thâm Quyến, Nam Xương, Tô Châu và Quảng Châu. Ngành nghề kinh doanh chính là mô-đun màn hình cảm ứng, mô-đun camera, mô-đun nhận dạng vân tay.

Năm 2017, công ty này đã tham gia vào chuỗi cung ứng camera trước cho iPhone 8 và iPhone X của Apple. Tháng 12/2017, CEO Tim Cook của Apple đã đến thăm nhà máy của OFILM. Cùng năm, “Công ty TNHH Công nghệ OFILM Thâm Quyến” được đổi tên thành “Công ty TNHH Công nghệ OFILM”.

Ngày 2/3/2020, Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Anh (BBC) đưa tin, theo báo cáo mới nhất của tổ chức tư vấn “Viện Chính sách Chiến lược Úc”, hơn 80.000 người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương Trung Quốc đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc đưa đi lao động cưỡng bức tại một số nhà máy có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, không chỉ vi phạm quyền của người Duy Ngô Nhĩ mà còn bóc lột lợi ích kinh tế của người Duy Ngô Nhĩ. Trong số đó, vào năm 2017, công ty OFILM tham gia vào chuỗi cung ứng của Apple đã tiếp nhận 700 lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ tại huyện Lop của địa khu Hotan – Tân Cương.

Văn Long, Vision Times

Xem thêm: