Ngày 21/11 vừa qua, tờ Washington Post dẫn tin từ hai nhân viên quốc hội giấu tên cho biết, Apple đang vận động hành lang để làm suy yếu một dự luật quan trọng chống lại lao động cưỡng bức tại Trung Quốc. Theo đó, dự luật này sẽ khiến các công ty Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm cho việc sử dụng lao động cưỡng bức là người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Hai nhân viên Quốc hội cho biết, Đạo luật Chống Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ sắp tới sẽ yêu cầu các công ty Hoa Kỳ đảm bảo rằng họ không sử dụng lao động bị bỏ tù hoặc cưỡng bức từ vùng Tân Cương, nơi chế độ Trung Quốc đang giam giữ hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ.

Hai nhân viên giấu tên cũng cho biết Apple là một trong nhiều công ty Hoa Kỳ phản đối dự luật nêu trên. Họ từ chối tiết lộ chi tiết về các điều khoản cụ thể mà Apple đang cố gắng loại bỏ hoặc thay đổi vì e ngại rằng việc cung cấp thông tin sẽ khiến họ bị Apple xác định danh tính. Cả hai đều cho rằng Apple đang muốn làm suy yếu dự luật này.

“Những gì Apple muốn là tất cả chúng ta chỉ ngồi và nói chuyện [về nhân quyền, còn thực tế thì những ai vi phạm] sẽ không gặp bất kỳ hậu quả thực sự nào,” bà Cathy Feingold, giám đốc bộ phận quốc tế của AFL-CIO, đơn vị ủng hộ dự luật cho biết. “Họ bị sốc vì đây là lần đầu tiên sẽ có hậu quả thực tế khi vi phạm.”

Apple phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc và một số báo cáo nhân quyền đã xác định các trường hợp lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ được sử dụng trong chuỗi cung ứng của Apple.

Trong khi đó, người phát ngôn của Apple cho biết công ty này “nỗ lực hết mình để đảm bảo rằng tất cả mọi người trong chuỗi cung ứng của chúng tôi đều được đối xử công bằng và tôn trọng. Chúng tôi ghê tởm lao động cưỡng bức và ủng hộ các mục tiêu của Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ.”

Apple muốn làm suy yếu dự luật chống lao động cưỡng bức tại Tân Cương?
Ông Tim Cook, CEO của Apple (Ảnh: JStone/Shutterstock)

Giám đốc điều hành của Apple, ông Tim Cook, từng tuyên bố công khai rằng Apple không chấp nhận lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của mình. “Lao động cưỡng bức là điều đáng ghê tởm”, ông Cook nói trong một cuộc điều trần trước Quốc hội vào tháng Bảy. Ông nói: “Chúng tôi sẽ không dung thứ cho điều đó ở Apple,” và nói thêm rằng Apple sẽ “chấm dứt mối quan hệ với nhà cung cấp nếu phát hiện điều đó.”

Bà Maya Wang, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch cho biết: “Tôi hoàn toàn không ngạc nhiên khi Apple tham gia vào việc cố gắng làm suy yếu dự luật liên quan đến việc bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc”. Tuy nhiên, bà gọi nỗ lực vận động hành lang của Apple là “vô lương tâm”.

Dự luật mới, nếu được thông qua, sẽ gây nhiều khó khăn hơn cho các công ty Hoa Kỳ trong việc bỏ qua các hành vi lạm dụng nhân quyền đang diễn ra ở Trung Quốc. Dự luật cũng sẽ trao cho chính quyền Hoa Kỳ nhiều quyền lực hành pháp hơn đối với vấn đề này. Một điều khoản trong dự luật yêu cầu các công ty phải chứng nhận với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch rằng sản phẩm của họ không được sản xuất bằng cách sử dụng lao động cưỡng bức từ Tân Cương. Nếu các công ty bị phát hiện sử dụng lao động cưỡng bức từ khu vực đó, họ có thể bị truy tố vì vi phạm luật chứng khoán.

Mặc dù luật pháp Hoa Kỳ đã cấm các công ty nhập khẩu các hàng hóa được sản xuất bằng cách sử dụng lao động cưỡng bức, nhưng luật này hiếm khi được thực thi và rất khó để chứng minh các công ty Hoa Kỳ biết về việc sử dụng lao động cưỡng bức.

Hình thức cưỡng bức lao động tại Trung Quốc đã tồn tại trong nhiều thập kỷ sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lên nắm quyền. Sau khi cuộc đàn Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, các trại cưỡng bức lao động này từng nở rộ trong một thời gian dài dưới sự cầm quyền của phe Giang Trạch Dân. Đến năm 2013, xuất phát từ những lá thư được giấu vào trong các món đồ Halloween và Giáng sinh, cộng đồng quốc tế đã nỗ lực gây sức ép để buộc chính quyền phe Tập Cận Bình giải thể hệ thống trại này. (Xem thêm về sự việc này trong bài: Bức thư cầu cứu vượt đại dương và dũng khí làm điều tử tế)

Tuy không còn tồn tại về mặt pháp lý, trên thực tế các cơ sở cưỡng bức lao động đã “thay bảng hiệu” thành các “trung tâm cai nghiện”, “trung tâm điều trị tâm thần”, v.v..

Đến năm 2017, sau khi cuộc đàn áp Tân Cương bắt đầu leo thang tại Trung Quốc, hàng loạt trại tập trung dưới danh nghĩa “trung tâm cải tạo” hay “trung tâm đào tạo nghề” đã xuất hiện với quy mô cực lớn trên khắp Tân Cương. (Xem bài: Viện Chính sách Úc tiết lộ dữ liệu về hơn 380 trại tập trung Tân Cương)

Với ước tính khoảng 1 triệu đến 2 triệu người bị giam trong các trại tập trung, các nhóm nhân quyền và một số nghị sĩ các nước đã gọi tình hình ở Tân Cương là một cuộc “diệt chủng”. (Xem bài: Tiểu ban Hạ viện Canada: Hành vi diệt chủng đang diễn ra tại Tân Cương)

Đạo luật Chống Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ đã được thông qua tại Hạ viện vào tháng 9/2020. Những người ủng hộ đạo luật cho biết ngành công nghiệp Hoa Kỳ đã “mất cảnh giác” và bất ngờ trước sự chấp thuận nhanh chóng mà không cần vận động hành lang nhiều. Khi dự luật được trình lên Thượng viện Hoa Kỳ, các tập đoàn lập tức dốc toàn lực để “mài mòn” một số điều khoản sắc bén hơn của dự luật này. Một số thương hiệu cụ thể đã bị nêu tên công khai trong dự luật, như Patagonia, Coca-Cola và Costco.

Việc tuân thủ dự luật mới có thể sẽ gây tốn kém cho các công ty, đặc biệt là trong ngành dệt may. Vì bông được dệt thành hàng may mặc trên khắp thế giới, việc truy xuất nguồn gốc trở nên khó khăn và tốn kém. Khu vực Tân Cương được biết đến như một trung tâm sản xuất bông và ngành công nghiệp may mặc Hoa Kỳ đã chịu tiếng xấu vì sử dụng hàng dệt may từ lao động cưỡng bức.

Mặc khác, việc chế độ Trung Quốc vận chuyển người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ra khỏi Tân Cương để cưỡng bức làm việc tại các vùng khác của Trung Quốc khiến bất kỳ công ty Hoa Kỳ nào hoạt động ở Trung Quốc cũng không thể đảm bảo rằng họ không gián tiếp hưởng lợi nhuận từ lao động cưỡng bức. (Xem bài: Trung Quốc: Lộ video vận chuyển tù nhân Duy Ngô Nhĩ quy mô lớn)

Vào tháng 3/2020, một báo cáo từ Viện Chính sách Chiến lược Úc đã xác định 4 cáo buộc cho thấy lao động từ vùng Tân Cương có liên quan tới chuỗi cung ứng của Apple.

Báo cáo của Úc cho biết vào năm 2017, chính quyền Trung Quốc đã điều chuyển từ 1.000 đến 2.000 người Duy Ngô Nhĩ đến làm việc tại một nhà máy thuộc sở hữu của O-Film, nơi chuyên sản xuất camera trước cho iPhone của Apple. CEO Tim Cook của Apple từng công khai chuyến thăm của mình đến một nhà máy O-Film vào tháng 12/2017.

O-Film cũng nằm trong chuỗi cung cứng cho các công ty Hoa Kỳ khác như Dell, HP, Amazon và General Motors, theo báo cáo. Người phát ngôn của Dell, Lauren Lee cho biết Dell không giao dịch với nhà máy O-Film có tên trong báo cáo. Amazon đã thừa nhận báo cáo và tố giác lao động cưỡng bức trong một tuyên bố trên trang web của mình. General Motors, trong báo cáo phát triển bền vững gần đây nhất, cho biết họ đã điều tra các cáo buộc và chấm dứt mối quan hệ với nhà cung cấp.

Vào tháng 8, Dự án Minh bạch Công nghệ (Tech Transparency Project) đã phát hiện hồ sơ vận chuyển cho thấy Apple đang nhập khẩu áo phông từ một công ty ở Tân Cương. Công ty này đã bị Quốc hội Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt vì cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức. Vào thời điểm đó, Apple cho biết họ không nhập khẩu áo từ khu vực này.

Theo Washington Post
Đọc bài gốc tại đây
Minh Nhật biên tập

Xem thêmTân Cương: Trại tập trung mở rộng từ bệnh viện để thu hoạch nội tạng?

Mời xem video: