Thực tế tàn khốc trong đại dịch viêm phổi đã khiến các công ty lớn trên thế giới nhận ra, để đảm bảo an toàn, không có cách nào khác là tránh xa Trung Quốc và tìm một miền đất an lạc mới. Apple đã chuyển 8 nhà máy từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Samsung cũng đã dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang nước này. Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ Prasad tuyên bố, Ấn Độ đang nổi lên như một “đại công xưởng mới” và một nền kinh tế lớn trên thế giới, sẽ trở thành một lực lượng tích cực hỗ trợ cho nền kinh tế toàn cầu.

samsung an do shutterstock 1769071073
Nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung tại Noida, Ấn Độ. (Ảnh: A4ASHISHMISHRA / Shutterstock).

Hãng truyền thông Ấn Độ Zee News đưa tin, ngày 6/9, tại bang Bihar, trong buổi tương tác với người Ấn Độ ở nước ngoài (non-resident Indian, NRI), Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ Prasad cho biết: “Ấn Độ hiện đang nổi lên như một trung tâm sản xuất lớn của thế giới. Hệ sinh thái kinh doanh quốc tế đã nhận ra yêu cầu cấp thiết phải thiết lập các nhà máy bên ngoài Trung Quốc .”

“Tôi vui mừng thông báo rằng, Apple đang dịch chuyển sản xuất sang Ấn Độ với quy mô lớn. Tám nhà máy đã chuyển từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Samsung cũng đã đến và họ hy vọng sẽ mở rộng hơn nữa quy mô sản xuất”, ông Prasad cho biết thêm.

Tạp chí Fortune, Mỹ chỉ ra, do xung đột biên giới Trung – Ấn, các đảng phái chính trị và các nhóm công dân Ấn Độ đã phát động phong trào tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Các hãng điện thoại di động Trung Quốc như Huawei và Xiaomi tại thị trường Ấn Độ đã bị tẩy chay, khiến thị phần sản phẩm Trung Quốc tại nước này sụt giảm nghiêm trọng. Điều này đã thúc đẩy các thương hiệu điện thoại di động quốc tế mở rộng năng lực sản xuất tại Ấn Độ.

Không bỏ lỡ cơ hội tốt này, Samsung đã nhanh chóng thành công trong việc lấp đầy “khoảng trống” bị bỏ lại và trở thành thương hiệu điện thoại thông minh lớn thứ hai tại Ấn Độ. Hiện tại, Samsung có nhà máy sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới tại Noida, bang Uttar Pradesh. Tháng Tám vừa rồi, cũng có thông tin về việc Samsung đã quyết định mở rộng dây chuyền sản xuất tại Ấn Độ. Hãng này dự kiến ​​sẽ sản xuất điện thoại di động và các thiết bị khác trị giá ít nhất 40 tỷ USD trong 5 năm tới.

Ông Prasad cho biết: “Năm 2014, khi tôi mới nhậm chức, chỉ có hai nhà máy sản xuất điện thoại di động ở Ấn Độ, đến nay số lượng các nhà máy này đã vượt quá con số 250. Đồng thời, chúng tôi đã đưa ra tầm nhìn về ‘Atmanirbhar Bharat’ – một Ấn Độ tự lực và kiên cường, với cơ chế khuyến khích sản xuất và hoan nghênh các công ty đa quốc gia đến Ấn Độ. Điều này cũng thúc đẩy các công ty trong nước cạnh tranh.”

Năm 2019, Samsung đã hoàn toàn dừng sản xuất điện thoại di động ở Trung Quốc và chuyển dịch dây chuyền từ Huệ Châu, Trung Quốc sang Việt Nam. Động thái này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế địa phương Huệ Châu.

Tháng 8/2020, Samsung đóng cửa nhà máy sản xuất máy vi tính cuối cùng ở Tô Châu, Trung Quốc và gần một nửa trong số 1.700 nhân viên của họ bị mất việc làm.

Ngày 7/9/2020, người phát ngôn của Samsung cho biết nhà máy TV Thiên Tân là nhà máy sản xuất TV cuối cùng ở Trung Quốc, sẽ bị đóng cửa vào cuối tháng Mười Một năm nay. Nhà máy này có 300 công nhân, theo kế hoạch sẽ giữ lại một số người và thiết bị. Trong một tuyên bố đưa ra trước đó, Samsung chỉ ra rằng quyết định đóng cửa nhà máy là “một phần của nỗ lực không ngừng nhằm nâng cao hiệu quả.”

Hiện nay, Samsung Trung Quốc chỉ còn lại các cơ sở sản xuất chip tại tỉnh Tô Châu, tỉnh Tây An, và các nhà máy sản xuất đồ gia dụng ở Tô Châu.

Ngày 4/9, tại Đài Loan, đại diện của Hoa Kỳ, Đài Loan, Liên minh châu Âu và Nhật Bản đã tổ chức một diễn đàn đặc biệt thảo luận về việc định hình lại chuỗi cung ứng quốc tế, liên kết các nền dân chủ “cùng chí hướng”, hình thành một chuỗi cung ứng toàn cầu mới và giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.

Diễn đàn nhấn mạnh, các đối tác được khuyến khích rút chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc đại lục, tìm các bên có quan niệm kinh tế tương tự để hợp tác, phát triển chuỗi cung ứng mới dựa trên các tiêu chuẩn và giá trị chung, để thiết lập một mạng lưới chuỗi cung ứng có thể ứng phó với khủng hoảng và không bị tác động bởi các yếu tố chính trị.

Lý Tuyên

Xem thêm: