Apple và hàng loạt các công ty toàn cầu khác trong nhiều lĩnh vực từ hàng không, công nghệ, sản xuất ôtô tới bán lẻ đều phải tạm dừng hoạt động tại Trung Quốc do lo ngại virus corona đang lây lan nhanh chóng.

Embed from Getty Images

Theo CNBC, các nhà chức trách Trung Quốc đã thông báo kéo dài thời nghỉ Tết Nguyên đán từ 31/1 tới ngày 9/2, gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của nhiều công ty quốc tế từ Wal-Mart tới Tesla.

Nhiều công ty nước ngoài theo đó cũng tuyên bố tạm dừng hoạt động và hạn chế đi lại tới Trung Quốc:

Công nghệ

Apple hôm thứ Bảy (1/2 ) thông báo sẽ tạm đóng cửa 42 cửa hàng tại Trung Quốc đại lục.

Nhà sản xuất điện thoại Iphone trong tuyên bố hôm 1/2  nói rằng họ sẽ đóng cửa các cửa hàng, văn phòng đại diện và các trung tâm chăm sóc khách hàng cho tới 9/2 “xuất phát từ sự cẩn trọng và dựa trên lời khuyên mới nhất từ các chuyên gia y tế hàng đầu”. Tuy nhiên, các cửa hàng trực tuyến của Apple vẫn duy trì phục vụ khách hàng bình thường.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của Apple tính theo doanh số, xếp sau thị trường Mỹ và Châu Âu. Trung Quốc cũng là nơi sản xuất IPhone và các sản phẩm khác của Apple nhiều nhất.

Apple cho biết thêm rằng các nhà thầu phụ của Apple tại Trung Quốc cũng buộc phải hoãn lại hoạt động sản xuất sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ít nhất đến ngày 9/2.

Hãng ôtô điện Tesla trong tuần này nói rằng công ty đã thông báo với cổ đông về việc họ sẽ vẫn đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc do bùng phát virus corona. Nguồn tin nội bộ từ Tesla tiết lộ với báo giới rằng nhà máy của họ tại Trung Quốc có thể đóng cửa từ một tuần tới một tuần rưỡi tùy tình hình tiến triển của bệnh dịch.

Microsoft cũng phát đi thông báo khuyến cáo nhân viên của họ nên “hủy bỏ tất cả các chuyến công tác không cần thiết” tới Trung Quốc và nhân viên của hãng công nghệ này tại Trung Quốc nên làm việc tại nhà cho đến ngày 9/2.

Amazon, có văn phòng tại Bắc Kinh, Thâm Quyến, Thượng Hải và Quảng Châu, khuyến cáo đội ngũ nhân viên của họ nên hạn chế đi công tác đến và đi từ Trung Quốc cho đến khi có thông báo mới. Công ty cũng yêu cầu nhân viên tại tỉnh Hồ Bắc – tâm dịch virus corona, làm việc tại nhà trong 14 ngày.

Google cho biết họ sẽ tạm thời đóng cửa văn phòng tại Trung Quốc trước ngày 10/2 và yêu cầu nhân viên hạn chế tới Trung Quốc. Việc đóng cửa này sẽ ảnh hưởng đến các văn phòng của Google tại ​​Hồng Kông, Đài Loan và Trung Quốc đại lục.

Facebook cũng đã phát đi thông báo yêu cầu nhân viên của họ hạn chế di chuyển đến và đi từ Trung Quốc.

Hàng không

Hãng hàng không Delta của Mỹ hôm thứ Bảy (1/2) đã thông báo họ sẽ tạm dừng tất cả các chuyến bay đến Trung Quốc từ 2/2 đến 30/4. Chuyến bay cuối cùng của Delta từ Mỹ đến Trung Quốc sẽ khởi hành vào ngày 1/2 và chuyến bay cuối cùng từ Trung Quốc đến Mỹ sẽ khởi hành vào ngày 2/2.

American Airlines sau khi chịu áp lực từ hiệp hội các phi công hôm 1/2 cũng đã tuyên bố tạm đình chỉ tất cả các chuyến bay tới Trung Quốc.

United Airlines, hãng hàng không của Mỹ có nhiều chuyến bay tới Trung Quốc nhất, hôm thứ Sáu (31/1) cho biết họ sẽ tạm dừng tất cả các chuyến bay đến Bắc Kinh, Thượng Hải và Thành Đô từ ngày 6/2 đến ngày 28/2. Hãng này vẫn sẽ tiếp tục khai thác các chuyến bay San Francisco-Hồng Kông mỗi ngày một lần.

Air Canada vào thứ Tư (29/1) thông báo rằng họ sẽ tạm dừng tất cả các chuyến bay đến Bắc Kinh và Thượng Hải từ ngày 30/1 đến ngày 29/2.

British Airways, KLM, Cathay Pacific, Finnair, Turkish Airlines, Air France, Seoul Airlines, EgyptAir, Lion Air, Austria Airlines, Kenya Airways, Vietnam Airlines, Vietjet và Lufthansa cũng đã giảm hoặc đình chỉ hoàn toàn dịch vụ bay kết nối với Trung Quốc.

Tương tự như các hãng hàng không, các công ty giải trí cung cấp dịch vụ ở Trung Quốc đã ứng phó với dịch bệnh virus corona bằng cách đình chỉ dịch vụ. Disney đã đóng cửa công viên tại Thượng Hải và Hồng Kông. Trong khi đó, các tàu du lịch nước ngoài tại Trung Quốc đang tạm thời dừng phục vụ và hoàn trả tiền cho hành khách đã đặt chỗ.

>>Nhiều hãng hàng không toàn cầu tạm dừng bay tới Trung Quốc

Sản xuất ôtô

Hãng sản xuất xe hơi Fiat Chrysler cho biết họ đã thông báo nhân viên hạn chế đi đến Vũ Hán và mười thành phố khác ở Trung Quốc. Công ty này nói thêm rằng số địa điểm tại Trung Quốc bị liệt vào danh sách hạn chế di trú có thể thay đổi tùy tình hình tiến triển của bệnh dịch virus corona.

GM từ tuần trước loan báo rằng họ đã tạm thời cấm nhân viên di trú tới Vũ Hán. Hãng sản xuất ôtô hàng đầu của Mỹ này có một cơ sở sản xuất tại Vũ Hán, nằm trong liên doanh với công ty SAIC của Trung Quốc.

Ford hôm thứ Sáu (31/1) nói rằng họ sẽ kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến ngày 2/2 và yêu cầu nhân viên Trung Quốc nghỉ làm cho tới ngày 7/2. Ford cho biết họ dự kiến ​​sẽ tiếp tục hoạt động bình thường vào ngày 10/2. Đồng thời, hãng sản xuất xe hơi Mỹ này thông báo rằng họ đã đình chỉ tất cả các chuyến công tác tới Vũ Hán và yêu cầu các nhân viên Trung Quốc trở về Mỹ từ Trung Quốc phải tự cách ly tại nhà trong 14 ngày.

Toyota cũng phát đi thông báo nói rằng họ sẽ đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc cho đến ngày 9/2. Hãng sản xuất xe hơi của Nhật Bản nói thêm rằng họ “dự kiến ​​[việc đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc] sẽ không có bất kỳ tác động nào đối với người tiêu dùng“.

Bán lẻ 

Wal-Mart, có hơn 400 địa điểm bán lẻ ở Trung Quốc, vào tuần trước cho biết rằng họ đang làm theo các khuyến nghị chính thức từ chính quyền Trung Quốc, nhưng không tiết lộ liệu có địa điểm nào sẽ bị đóng cửa hay không.

McDonald nói rằng họ đã đóng cửa “hàng trăm” nhà hàng ở Vũ Hán. Giám đốc điều hành của McDonald, Chris Kempczinski cho hay: “Mặc dù Trung Quốc là thị trường quan trọng của chúng tôi, chúng tôi rất lo lắng về tình hình ở đó, nhưng tác động thực sự của nó đối với hoạt động kinh doanh chung của chúng tôi sẽ rất nhỏ”.

Starbucks thông báo họ đã đóng cửa gần một nửa các cửa hàng bán lẻ ở Trung Quốc. Giám đốc điều hành của chuỗi cửa hàng cafe có trụ sở chính tại Mỹ này cho biết doanh số của các cửa hàng vẫn đang hoạt động ở Trung Quốc đang giảm nhanh.

Coca-Cola xác nhận họ đã đóng cửa văn phòng tại Trung Quốc và đóng cửa “nhiều” nhà máy tại đây.

Như Ngọc

Xem thêm: