Các quốc gia quyền lực nhất thế giới Arab hôm thứ Hai (5/6) đã phát đi tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Qatar. Ả rập Saudi, Ai Cập, Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Bahrain đã cáo buộc Qatar tiếp tay cho các phần tử cực đoan hồi giáo và hậu thuẫn Iran.

Reuters cho biết, sau khi 4 nước nêu trên tuyên bố tẩy chay Qatar, cả Yemen, chính phủ miền đông Libya và Maldives cũng có động thái tương tự.

Theo Reuters, Qatar trong những năm gần đây vẫn tự giới thiệu mình như là một trung gian hòa giải và là nhà môi giới quyền lực cho nhiều tranh chấp khu vực. Tuy nhiên, Ai Cập và các nước vùng Vịnh phản đối sự ủng hộ của Qatar đối với các phần tử Hồi giáo, đặc biệt là tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, mà họ coi là một kẻ thù chính trị.

Các sân bay của Qatar sẽ bị cô lập 

Vị cựu thống lĩnh quân đội và bây giờ là Tổng thống Ai Cập, ông Abdel Fattah al-Sisi, cùng với các đồng minh Ả-rập Saudi và UAE, đã xếp  nhóm Huynh đệ Hồi giáo là một tổ chức khủng bố.

Hôm thứ Hai (5/6), ba nước kể trên đã cáo buộc Qatar đã bao bọc nhiều nhóm khủng bố, gây mất ổn định khu vực, trong đó có tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, nhóm phiến quân IS và Al-Qaeda.

Cơ quan thông tấn nhà nước Ai Cập cho biết chính sách của Qatar đã “đe dọa an ninh quốc gia Ai Cập và gieo rắc những cuộc xung đột và gây chia rẽ trong xã hội Ảrập, ảnh hướng đến khối đoàn kết và lợi ích chung của các nước Ả rập

Các biện pháp cô lập Qatar được áp dụng ngay lập tức, bao gồm đóng cửa tất cả các tuyến giao thông với Doha. Các công dân Qatar có 2 tuần để rời khỏi Ả rập Saudi, UAE và Bahrain. Các nước này và cả Ai Cập cấm các hãng hàng không Qatar hạ cánh, cũng như bay qua không phận của họ.

Theo Reuters, 80% nhu cầu thực phẩm của Qatar được nhập từ các nước láng giềng vùng Vịnh. Với việc bị cô lập như hiện tại, người dân Qatar sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt và tiêu dùng.

UAE và Ả rập Saudi đã ngừng xuất khẩu đường trắng sang Qatar, một cú sốc tiềm năng đối với người tiêu dùng trong tháng Ramadan, khi nhu cầu sử dụng đường đang tăng cao. Một số cư dân ở Qatar bắt đầu dự trữ lương thực và các nhu yếu phẩm.

Cô Eva Tobaji, môt cư dân Doha, sau khi vừa đi mua sắm về, đã nói với phóng viên Reuters rằng: “Mọi người đã đổ xô vào siêu thị để tích trữ lương thực, đặc biệt là những món hàng nhập khẩu … Một cảnh tượng hỗn loạn. Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì tương tự như thế này trước đây”.

Nguồn cung hàng hóa đã nhanh chóng gặp khó khăn. Hai hãng thương mại Trung Đông trao đổi với Reuters rằng hàng nghìn xe tải chở thực phẩm đã bị mắc kẹt tại biên giới Ảrập Saudi. Đây là tuyến đường bộ duy nhất để nhập cảnh vào Qatar.

Sự chia rẽ giữa Qatar và các nước đồng minh gần nhất có thể sẽ ảnh hưởng tới tình hình Trung Đông, nơi mà các quốc gia vùng Vịnh đã sử dụng quyền lực chính trị và tài chính để gây ảnh hưởng tới các sự kiện ở Libya, Ai Cập, Syria, Iraq và Yemen.

Các dấu hiệu tụt dốc về kinh tế đã bắt đầu khi hãng hàng không nhà nước UAE, Etihad Airways; hãng Emirates Airline của Qatar; hãng Air Arabia và hãng hàng không giá rẻ Flydubai đã nói rằng họ sẽ dừng vô thời hạn tất cả các chuyến bay đến và đi Doha  từ sáng thứ Ba (6/6).

Qatar Airways cho biết trên trang web chính thức của mình rằng họ đã dừng tất cả các chuyến bay đến Ảrập Saudi. Việc các hãng hàng không kể trên dừng vô thời hạn các chuyến bay đến và đi Qatar sẽ ảnh hướng lớn đến ngành hàng không thế giới vì nhiều sân bay ở Vịnh, bao gồm cả ở Qatar, là các trung tâm chính cho các chuyến bay kết nối quốc tế.

Một số ngân hàng Ai Cập cho biết họ cũng đã đình chỉ giao dịch với các đối tác Qatar. Chỉ số chứng khoán Qatar đã giảm 7,3 điểm. Một số mã blue chips hàng đầu trên thị trường này bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Quốc gia Qatar là một bán đảo nhỏ ở vùng Vịnh với dân số chỉ 2,5 triệu người. Nước này cùng với Ả rập Saudi thường bị cáo buộc là nguồn tài trợ cho các phần tử khủng bố Hồi giáo. Chính quyền Doha đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc của các nước láng giềng.

Trong khi đó, Iran từ phía hậu trường, đã đổ lỗi cho chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tới Riyadh (Ả rập Saudi) tuần trước chính là nguyên nhân dẫn tới sự chia rẽ ở vùng Vịnh hiện tại. Teheran cũng kêu gọi các bên khắc phục các khác biệt để ổn định tình hình khu vực.

Ông Hamid Aboutalebi, Phó chánh văn phòng nội các của Tổng thống Iran Hassan Rouhani, cho biết “Những điều đang xảy ra là hệ quả ban đầu của màn múa kiếm”. Ông Aboutalebi muốn ám chỉ việc Tổng thống Trump tham gia một điệu nhảy truyền thống cùng với quốc vương Ảrập Saudi trong chuyến thăm Riyadh tuần trước.

Các chuyên gia quốc tế đánh giá rằng, Qatar hoàn toàn có thể sẽ sử dụng hành động trả đũa trước các động thái gây căng thẳng mạnh mẽ từ các nước hàng xóm.

Cả Ai Cập, UAE và Ảrập Saudi đều phụ thuộc chặt chẽ vào Qatar về nguồn cung khí đốt tự khiên. Tuy nhiên, phía chính quyền Qatar vẫn chưa có động thái gì về việc sẽ cắt giảm xuất khẩu mặt hàng nhiên liệu thiếu yếu này sang các nước hàng xóm.

Trước những căng thẳng ngoại giao mới nổi tại Trung Đông, Hoa Kỳ đã kêu gọi các bên sớm đàm phán để giải quyết bất đồng. Washington cũng nói rằng quan hệ hợp tác của nước này với các quốc gia vùng Vịnh là rất quan trọng.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: “Tất cả các đối tác của chúng tôi ở Vịnh là vô cùng quan trọng và chúng tôi tin tưởng các bên sẽ tìm ra cách để giải quyết sự khác biệt càng sớm càng tốt”.

Reuters cho hay hiện tại Hoa Kỳ đang đặt một căn cứ quân sự lớn tại Qatar. Đại diện Lầu năm góc cho hay, họ chưa thấy sự cố này ảnh hưởng gì tới hoạt động của họ tại khu vực vùng Vịnh. Mục tiêu của nước Mỹ tại đây chủ yếu là nhắm vào việc kiềm tỏa Iran. Hoa Kỳ cho biết họ đánh giá cao sự hỗ trợ lâu dài của Qatar và nước Mỹ luôn cam kết đảm bảo an ninh cho khu vực.

Sự kiện căng thẳng mới nhất liên quan đến Qatar lần này được đánh giá còn nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng ngoại giao trong 8 tháng vào năm 2014. Thời điểm đó Ảrập Saudi, Bahrain và UAE cũng cáo buộc Qatar hậu thuẫn các nhóm phiến quân khủng bố và cho rút Đại sứ của họ khỏi Doha. Tuy nhiên, các bên lúc đó vẫn duy trì liên kết đi lại và công dân Qatar không bị trục xuất.

Tân Bình

Xem thêm: