Hôm thứ Hai (19/4), Ngoại trưởng Antony Blinken đã có bài phát biểu về biến đổi khí hậu tại Vịnh Chesapeake ở Maryland, trong đó ông thừa nhận rằng một số công nhân Mỹ “có thể bị ảnh hưởng nặng nề” bởi các chính sách của chính quyền Biden.

Embed from Getty Images

Ông Blinken nhận định, Mỹ cần phải đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Ông cũng cảnh báo rằng nếu nhiệt độ bề mặt toàn cầu tiếp tục tăng, trong 80 năm nữa, Chesapeake sẽ mở rộng sâu hơn vào đất liền, phá hủy cơ sở hạ tầng, khiến động thực vật địa phương, cũng như ngành đánh bắt cá gặp nhiều nguy cơ.

Đề cập đến “cuộc khủng hoảng khí hậu”, Ngoại trưởng Blinken lưu ý rằng ông Joe Biden đã quay trở lại tham gia Hiệp định Khí hậu Paris ngay khi nhậm chức. Tuy nhiên, ông không hề nhắc đến việc lượng khí thải của Hoa Kỳ đã liên tục giảm sau khi Hoa Kỳ rời khỏi hiệp định dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Ông Blinken nói: “Nếu Mỹ không đi đầu thế giới về cuộc khủng hoảng khí hậu, chúng ta sẽ không còn nhiều điều trên thế giới nữa.” Ông còn cảnh báo rằng “các hiện tượng thời tiết đang trở nên cực đoan hơn” và các nhà khoa học đã bắt đầu chỉ trích thẳng thắn hơn về vấn đề này.

Phần lớn bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ tập trung vào chính sách trong nước, ví dụ như, nhấn mạnh nhu cầu về “các công việc được trả lương hậu hĩnh và cơ hội tham gia công đoàn” như một phần của chính sách biến đổi khí hậu.

Trong bài phát biểu, ông Blinken vẫn phải thừa nhận rằng chính sách của Biden sẽ dẫn đến tình trạng mất việc làm cho một số người Mỹ.

“Chúng tôi cũng thấy được, không phải người Mỹ nào cũng sẽ giành được các cơ hội [việc làm] trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch trong thời gian tới. Một số sinh kế và cộng đồng phụ thuộc vào các ngành công nghiệp cũ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.”

Nhưng ông cam kết: “Chúng tôi sẽ không bỏ lại những người Mỹ đó. Chúng tôi sẽ cung cấp cho những người đồng hương Mỹ của chúng ta con đường dẫn đến sinh kế mới, bền vững và hỗ trợ họ trong quá trình chuyển đổi này.”

Ông Biden đã hủy bỏ dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL ngay ngày đầu tiên nhậm chức, bất chấp đánh giá của chính quyền Obama rằng đây không phải là mối đe dọa môi trường. Ông cũng dừng các dự án cho thuê dầu khí trên các vùng đất của liên bang. Những hành động này đã khiến hơn 1.000 người mất việc làm và ngăn cản việc tạo ra ước tính khoảng 70.000 việc làm mới.

Tuần trước, Bộ trưởng Nội vụ Deb Haaland đã đảo ngược chính sách của chính quyền Trump nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch của Hoa Kỳ và đưa ra một chính sách mới khiến biến đổi khí hậu trở thành ưu tiên hàng đầu trong bộ này.

Minh Ngọc (Theo Breitbart)

Xem thêm: