Trong khi Chính phủ Mỹ biểu thị rõ ràng rằng G7 và Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục “làm suy yếu năng lực triển khai dự trữ quốc tế” của Ngân hàng Trung ương Nga và cấm mọi giao dịch vàng liên quan, liệu Trung Quốc có nhân cơ hội này để mua dự trữ vàng của Nga hay không?

Embed from Getty Images

Hình ảnh ngày 24/2/1011, Tổng thống Nga Putin thăm Ngân hàng Trung ương Nga. (Ảnh: Getty).

Phương Tây chặn giao dịch vàng của Nga

Ngày 24/3, NATO, Nhóm 7 nước (G7) và Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trong cùng một ngày, đây là tiền lệ chưa từng có. Hội nghị đã cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Nga sẽ phải trả một cái giá “khủng khiếp” vì xâm lược Ukraine. Ngoài các biện pháp trừng phạt trước đây đối với chính phủ và cá nhân Nga, Mỹ cũng đã thực hiện các biện pháp “phong tỏa” hoạt động kinh doanh vàng của Ngân hàng Trung ương Nga.

Một quan chức chính quyền Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh nói rằng bất kỳ giao dịch vàng nào liên quan đến Ngân hàng trung ương Nga đều bị áp đặt các biện pháp trừng phạt hiện hành; G7 và EU sẽ tiếp tục “làm suy yếu” khả năng “triển khai dự trữ quốc tế của Ngân hàng Trung ương Nga, cấm một cách rõ ràng bất cứ giao dịch vàng liên quan đến Ngân hàng Trung ương Nga.”

Quan chức Mỹ cũng cho biết tại hội nghị qua điện thoại, có suy đoán rằng Nga đang cố gắng hỗ trợ đồng rúp bằng cách bán vàng dự trữ.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 24/3 cũng cho biết, có bằng chứng cho thấy Nga đang cố gắng bán vàng dự trữ để tránh các lệnh trừng phạt.

Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố trên trang web của mình rằng tất cả người Mỹ – cho dù là nhà giao dịch vàng, nhà phân phối, nhà bán buôn, người mua, nhà giao dịch cá nhân, nhà giả kim hay tổ chức tài chính, đều bị cấm tham gia hoặc hỗ trợ bất kỳ giao dịch nào liên quan đến vàng bị cấm.

Phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động buôn bán vàng của Nga, và Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi London (LBMA) và Sàn Giao dịch Hàng hóa Chicago (Chicago Mercantile Exchange, CME) đã tạm dừng chứng nhận của tất cả các nhà máy tinh chế vàng của Nga. Điều này tương đương với việc cấm vàng miếng mới đúc từ Nga vào hai thị trường lớn nhất thế giới.

Theo tư liệu từ Viện Brookings, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn tại Washington, Ngân hàng Trung ương Nga đang nắm giữ lượng vàng tương đương khoảng 132 tỷ đô la vào tháng 1/2022.

Ông Adrian Ash, giám đốc nghiên cứu tại BullionVault, một doanh nghiệp kinh doanh vàng có trụ sở tại Anh, cho biết: “Về mặt lý thuyết, nếu Moscow có thể tìm được người mua trong một ngân hàng hoặc chính phủ nước ngoài, thì lượng vàng dự trữ khổng lồ của Nga có thể tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của họ.”

Ông Adrian Ash cho biết, Nga là quốc gia khai thác vàng lớn thứ hai hoặc thứ ba trên thế giới. Hơn ¼ số vàng thỏi của thị trường vàng London, trung tâm của thị trường vàng toàn cầu, được cung cấp bởi Nga vào năm ngoái.

Ông Jeff Wright, giám đốc đầu tư của công ty đầu tư tư nhân Wolfpack Capital, cũng cho biết: “Cho đến gần đây, Ngân hàng Trung ương Nga vẫn là người mua ròng vàng và có lượng vàng tồn kho lớn.”

Sau khi Nga xâm lược Ukraine, Mỹ cùng các đồng minh tuyên bố trừng phạt tài chính sâu rộng đối với Moscow, đồng rúp của Nga đã lao dốc và giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại so với đồng đô la. Thị trường tăng điểm khi Ngân hàng Trung ương Nga bán vàng để mua đồng rúp, nhưng đồng rúp vẫn giảm 27% so với đồng USD tính đến ngày 25/3.

shutterstock 1551632723
(Nguồn: diy13/ Shutterstock)

Trung Quốc mua lại ngành công nghiệp vàng ở nhiều nước khác nhau

Các tổ chức phương Tây bị cấm kinh doanh vàng với Ngân hàng Trung ương Nga sau khi đồng rúp lao dốc. Các thương nhân và ngân hàng trên khắp thế giới đang cảnh giác với việc gián tiếp mua vàng thỏi của Nga, bởi vì họ lo sợ bị tổn hại danh tiếng hoặc các lệnh trừng phạt thứ cấp.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga rằng khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối và vàng của Nga đã bị đóng băng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói với giới truyền thông, trong số hơn 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga, có hơn 400 tỷ USD đã bị các nước G7 đóng băng tại nơi cất giữ, ngoài ra còn có lượng vàng trị giá tương đương 139 tỷ USD trên lãnh thổ Nga không thể được giao dịch với các nước khác, chỉ còn tài sản bằng đồng Nhân dân tệ tương đương 84 tỷ USD đầu tư vào trái phiếu Trung Quốc là khả dụng.

Trong 10 năm qua, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lượng vàng nắm giữ từ hàng chục tỷ USD lên 230 tỷ USD, vượt qua Trung Quốc và trở thành ngân hàng đứng thứ 6 trên thế giới.

Mỹ và các nước phương Tây lo ngại rằng Nga sẽ sử dụng vàng để ngăn chặn sự mất giá của đồng rúp, và đặc biệt cảnh giác với  Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – người trợ giúp tiềm năng của Nga, dùng nhân dân tệ của Trung Quốc để lấy vàng của Nga. Trung Quốc đã tăng dự trữ vàng trong những năm gần đây.

Trong khi đó, ông Sergey Aleksashenko, cựu Thứ trưởng Tài chính kiêm Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, hiểu rằng Trung Quốc chú trọng đến lượng vàng dự trữ của Nga. Ông công khai tuyên bố rằng vàng vật chất trong kho vàng của Ngân hàng Trung ương Nga không thể đổi ra đồng đô la và đồng euro, nhưng Nga có rất ít nhu cầu về đồng nhân dân tệ, vì vậy việc đổi vàng lấy đồng nhân dân tệ là hành vi ngốc nghếch.

Nhưng cũng có những người trong ngành lo lắng về khả năng Trung Quốc mua vàng của Nga. Theo phân tích của ông Brien Lundin, biên tập viên của  công ty đầu tư vàng Gold Newsletter, vàng là một công cụ bảo toàn giá trị không thể theo dõi được, có thể nói rằng nếu Nga muốn bán một lượng nhỏ vàng trên thị trường công khai thì là một việc dễ dàng, ngay cả khi muốn bán số lượng lớn cho Trung Quốc (ĐCSTQ), thì cũng sẽ không để lại hồ sơ giao dịch.

Hướng di chuyển của vàng trong cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đã một lần nữa thu hút sự chú ý đến lịch sử thâu tóm vàng toàn cầu của ĐCSTQ.

Vào ngày 22/12/2020, Canada đã yêu cầu công ty khai thác vàng khổng lồ Shandong Gold Mining của Trung Quốc ngừng mua lại tập đoàn sản xuất vàng khổng lồ TMAC Resources của Canada. Vào ngày 18/12, Ủy ban Đánh giá Đầu tư Canada đã công khai tuyên bố rằng vì lo ngại về an ninh quốc gia, nên nước này đã quyết định không chấp thuận việc Shandong Gold Mining mua lại TMAC Resources.

Đầu tháng 5/2020, Shandong Gold Mining tuyên bố mua lại 100% tài sản của ‘gã khổng lồ’ sản xuất vàng của Canada với mức giá 1,153 tỷ nhân dân tệ. Vào cuối năm 2019, tài sản quan trọng nhất của Hope Bay thuộc TMAC Resources, có nguồn tài nguyên vàng đã được kiểm chứng là 5,173 triệu ounce (tương đương khoảng 160,9 tấn).

Vào ngày 22/12, trong cùng ngày bị Canada từ chối, Shandong Gold Mining tiết lộ rằng công ty đã mua thành công khoảng 8,17% cổ phần của công ty khai thác vàng Cardinal Resources của Nga, và tổng cộng đã mua 12,86% vốn cổ phần của công ty khai thác vàng này.

Vào tháng 1/2019, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của ĐCSTQ đã nộp hồ sơ cho Công ty TNHH Tập đoàn Vàng Quốc gia Trung Quốc (China National Gold Group Corporation) để mua lại cổ phần dự án của Công ty Khai thác vàng Tây Klyuchevskoye của Nga.

Vào tháng 10 năm đó, việc chuyển nhượng vốn chủ sở hữu của Dự án khai thác mỏ vàng Tây Klyuchevskoye của Trung Quốc đã hoàn tất.

Trang báo mạng “Tin tức Công nghiệp Trung Quốc” đưa tin, là trường hợp đầu tiên về việc một công ty vàng Trung Quốc đang tham gia vào một dự án khai thác mỏ vàng quy mô lớn ở Nga. Dự án mỏ vàng Tây Klyuchevskoye đã được miễn trừ khỏi luật pháp Nga thông qua việc ký kết một thỏa thuận liên chính phủ, và công ty Trung Quốc nắm cổ phần kiểm soát trong nguồn tài nguyên chiến lược của Nga. Dự án có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia vào sự phát triển của vùng Viễn Đông Nga và phát triển các nguồn lực chiến lược của Nga.

Ngay từ ngày 26/5/2016, truyền thông Đại Lục là trang tin “Tài chính Kinh tế” (Caijing) đã đưa tin về một thương vụ lớn của ĐCSTQ với tiêu đề “Giành được kho vàng lớn nhất châu Âu, Trung Quốc cho thấy ‘tham vọng vàng’”.

Theo Caijing, Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã thông qua cổ phần kiểm soát của mình tại Ngân hàng Standard (Standard Bank Group) của Nam Phi, để mua kho vàng lớn nhất ở châu Âu. Kho vàng này ban đầu thuộc Ngân hàng Barclays, trong kho này có thể lưu trữ 2.000 tấn vàng.

Năm 2014, Ngân hàng Barclays bị Cơ quan quản lý tài chính của Anh phạt nặng vì thao túng giá vàng ở London, Barclays thông báo rằng họ đang xem xét rút khỏi hoạt động kinh doanh kim loại quý trên toàn cầu. ICBC Standard Bank (thuộc Ngân hàng Công thương Trung Quốc) đã nắm lấy cơ hội không chỉ để mua lại kho vàng của Barclays ở London mà còn cả ngành kinh doanh kho trữ kim loại quý có liên quan của ngân hàng này.

Trang tin Caijing nói rằng một nhóm các ngân hàng lâu đời đã lụi tàn khỏi lĩnh vực kinh doanh kim loại quý, nhưng các tổ chức tài chính Trung Quốc đã đi ngược vào xu thế này. Sau khi trở thành nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới, Trung Quốc cũng sẽ trở thành nước tiêu thụ, dự trữ và định giá vàng lớn nhất thế giới. ĐCSTQ đang lên kế hoạch cho một ván cờ lớn. Việc mua kho vàng lớn nhất ở châu Âu chỉ là một bước nhỏ.

Trước đó, truyền thông nhà nước Nga cũng tiết lộ rằng cả Nga và Trung Quốc đều đang tích trữ vàng để giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ.

Đã có những quốc gia trong quá khứ đã chuyển sang hoặc cố gắng chuyển sang vàng khi phải đối mặt với các lệnh trừng phạt. Ví dụ, năm 2019, các công tố viên liên bang Manhattan đã cáo buộc ngân hàng nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Halkbank sử dụng một kế hoạch trị giá hàng tỷ đô la để lách các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Cáo buộc này mô tả cách các khoản tiền của Iran được chuyển đổi thành vàng và xuất khẩu sang Dubai, sau đó được bán lấy tiền mặt.