Hôm thứ Ba (5/4) các nhà lãnh đạo của ba nước Úc-Anh-Mỹ (AUKUS) đã ra tuyên bố chung cam kết bắt đầu hợp tác ba bên mới về vũ khí bội siêu thanh và khả năng tác chiến điện tử. Có nhận định động thái này nhằm đáp trả việc Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng quân sự.

51479851436 30b58abbdd b
Thủ tướng Boris Johnson tham gia cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Úc Scott Morrison từ số 9 Phố Downing tại lễ ra mắt Đối tác AUKUS. (Nguồn: Andrew Parsons/Flickr)

Tuyên bố chung do Nhà Trắng công bố nêu rõ: “Chúng tôi tái khẳng định cam kết của mình với AUKUS và một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”; “Trước hành động gây hấn vô cớ, phi lý và trái pháp luật của Nga ở Ukraine, chúng tôi tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của mình đối với một hệ thống quốc tế tôn trọng nhân quyền, pháp quyền và giải quyết hòa bình các tranh chấp mà không có ép buộc”.

Tuyên bố đề cập rằng ba nước đã đạt được tiến bộ trong dự án của Úc về xây dựng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được trang bị vũ khí thông thường: “Chúng tôi cam kết thực hiện một cách hiệu quả để chia sẻ với Úc công nghệ động cơ đẩy hải quân và củng cố quy tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu”.

Tuyên bố cũng đề cập đến việc hợp tác trong lĩnh vực vũ khí bội siêu thanh và chống bội siêu thanh, cũng như tác chiến điện tử, đồng thời tiết lộ rằng trong tương lai các đồng minh sẽ được xem xét tham gia liên minh AUKUS: “Chúng tôi hôm nay cũng cam kết bắt đầu hợp tác ba bên mới về năng lực tác chiến điện tử và chống bội siêu thanh, cũng như mở rộng chia sẻ thông tin và hợp tác sâu sắc hơn trong đổi mới quốc phòng”; “Khi chúng tôi phát triển những điều này và các khả năng quốc phòng và an ninh quan trọng khác, chúng tôi sẽ tìm kiếm cơ hội để thu hút các đồng minh và đối tác thân thiết”.

Ngoài ra, tuyên bố còn đề cập đến việc ba nước đã hợp tác sâu sắc hơn về năng lực không gian mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và các khả năng dưới đáy biển khác.

Đối phó với Trung Quốc đang không ngừng bành trướng quân sự

Trước tuyên bố chung AUKUS của Nhà Trắng, hôm thứ Ba (5/4) tờ Financial Times của Anh đưa tin rằng việc mở rộng hiệp ước an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Úc là để ứng phó với thực tế Trung Quốc đang không ngừng bành trướng quân sự. Việc ba nước thúc đẩy cùng phát triển vũ khí bội siêu thanh đánh dấu nỗ lực mới nhất của Mỹ, Anh và Úc nhằm tăng cường hợp tác nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Năm 2021, ba nước đã ký một thỏa thuận để Mỹ và Anh giúp Úc mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Thỏa thuận được ký sau khi Lầu Năm Góc nhận thấy rằng Bắc Kinh đã có những bước phát triển nhảy vọt trong việc phát triển vũ khí siêu thanh.

Thông tin cho biết, Trung Quốc đã tiến hành hàng trăm vụ thử nghiệm tên lửa siêu thanh, có thể bay với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Trung Quốc đã thử nghiệm nhiều tên lửa siêu thanh hơn Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Financial Times, Tướng John Aquilino đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Tướng James Dickinson đứng đầu Bộ Chỉ huy Không gian của Mỹ, cho biết rằng Mỹ và Úc đang tăng cường hợp tác trong không gian và không gian mạng, một phần nguyên nhân hợp tác là do lo ngại ngày càng tăng về vũ khí siêu thanh của Trung Quốc.

“Khả năng xác định, theo dõi và phòng thủ trước những vũ khí siêu thanh này thực sự là chìa khóa”, tướng Aquilino cho biết trước khi đến Pine Gap để gặp người đồng cấp Úc. Pine Gap là cơ sở tình báo vệ tinh tối mật do CIA và Úc cùng quản lý.

Vào năm 2021, Trung Quốc thử nghiệm một hệ thống vũ khí có khả năng gửi vũ khí siêu thanh qua Nam Cực, tạo ra một vấn đề khác cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được thiết kế để chống lại các mối đe dọa tên lửa từ Bắc Cực.

Tướng Dickinson cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng ưu tiên của ông là “tăng cường nhận thức về lĩnh vực không gian” – lĩnh vực mà Mỹ và các đối tác phải đầu tư nhiều hơn. Nhận thức về miền không gian quân sự ở đây có nghĩa là khả năng phát hiện và theo dõi các mối đe dọa tên lửa.

Hôm thứ Ba (5/4) khi được hỏi sự hợp tác của Mỹ, Anh và Úc trong khả năng tác chiến điện tử và vũ khí bội siêu thanh, Đại sứ Trương Đội (Zhang Jun) của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng không nên thúc đẩy các biện pháp tiềm ẩn một cuộc xung đột tương tự ở Ukraine tại các khu vực khác trên thế giới.