Hôm thứ Hai (5/9), Đảng Bảo thủ Anh đã bầu ra một nhà lãnh đạo mới, Ngoại trưởng Liz Truss sẽ kế nhiệm ông Boris Johnson sắp giải nhiệm, trở thành tân Thủ tướng Anh.

50015709187 8818eeb2bc b
Ngày 5/9/2022, Ngoại trưởng Anh Liz Truss được bầu làm lãnh đạo mới của Đảng Bảo thủ và sẽ là thủ tướng tiếp theo của Vương quốc Anh. (Nguồn: Andrew Parsons/ Flickr)

Đảng Bảo thủ cho biết bà Truss đã giành được khoảng 57% số phiếu bầu, trong khi cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak được khoảng 43%.

Bà Truss, 47 tuổi, sẽ trở thành nữ thủ tướng thứ ba của Vương Quốc Anh, sau bà Margaret Thatcher (nhiệm kỳ 1979 – 1990) và bà Theresa May (nhiệm kỳ 2016 – 2019).

Bà Truss đã hứa sẽ quay trở lại các giá trị bảo thủ cơ bản, cắt giảm thuế và giảm quy mô chính phủ.

Những người ủng hộ bà Truss đã nhìn thấy ở bà sự kiên định, kiên trì và bền bỉ mà họ ngưỡng mộ ở bà Thatcher.

Khi còn nhỏ, bà Truss đã tham gia các cuộc biểu tình chống lại Thủ tướng Đảng Bảo thủ Margaret Thatcher. Khi trưởng thành, bà đã ngưỡng mộ nữ lãnh đạo đầu tiên của nước Anh. Bây giờ, bà sắp chuyển đến số 10 Phố Downing với lòng nhiệt thành của kiểu Thatcher để thay đổi nước Anh.

Từ gia đình cánh tả đến thanh niên cấp tiến

Bà Mary Elizabeth Truss (Lizz Truss) sinh ra ở Oxford (gần London) vào năm 1975. Bố của bà là một giáo sư toán học và mẹ của bà là một y tá. Bà mô tả cha mẹ mình là “cánh tả”.

Khi còn là một cô bé, mẹ của bà đã dẫn bà tham gia phong trào giải trừ vũ khí hạt nhân, tổ chức này phản đối mạnh mẽ quyết định của chính phủ Thatcher cho phép lắp đặt đầu đạn hạt nhân của Mỹ tại Greenham Commons của Lực lượng Không quân Hoàng gia, ở phía tây London.

Theo Francis, người con út trong ba anh em của bà, tranh luận chính trị nghiêm túc là công việc thường ngày của Truss.

Trong một bài phát biểu vào năm 2018, bà Truss nói rằng bà bắt đầu phát triển quan điểm chính trị của mình từ sớm, “trong gia đình cánh tả của chúng tôi, [tôi] đã tranh luận với cha mẹ xã hội chủ nghĩa của tôi.”

Sau khi lớn lên, bà chắc chắn sẽ dùng thân phận nào đó để dấn thân vào chính trị, đây điều chắc chắn không thể tránh khỏi, nhưng không ai trong gia đình bà có thể đoán trước được con đường cuối cùng mà bà sẽ đi.

Khi bà Truss lên 4, gia đình bà chuyển đến Scotland, sống ở Paisley, phía tây thành phố Glasgow.

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, bà nhớ lại đã hét lên “Maggie, Maggie, Maggie! Hạ đà, hạ đài, hạ đài!” bằng giọng Scotland trong cuộc tuần hành chống lại Chính phủ của Thủ tướng Anh khi đó là bà Margaret Thatcher.

Gia đình bà Truss sau đó chuyển đến thành phố Leeds ở phía bắc nước Anh, nơi bà theo học trường trung học công lập Roundhay.

Bà Truss theo học ngành triết học, chính trị và kinh tế tại Đại học Oxford, những bằng cấp được nhiều chính trị gia khao khát lựa chọn.

Khi ở Oxford, bà Truss đã tham gia vào nhiều hoạt động, nhưng bà dành phần lớn thời gian cho chính trị, trở thành chủ tịch chi bộ đại học của Đảng Dân chủ Tự do (Liberal Democratic Party).

Tại hội nghị của đảng năm 1994, bà bày tỏ sự ủng hộ đối với việc bãi bỏ chế độ quân chủ, bà nói: “Chúng tôi, những người theo Đảng Dân chủ Tự do tin rằng tất cả mọi người đều có cơ hội. Chúng tôi không tin rằng mọi người sinh ra là muốn thống trị.”

Lập trường bảo thủ kiên định

Khi sắp kết thúc chương trình học tại Đại học Oxford, bà Truss chuyển sang chủ nghĩa bảo thủ, điều này khiến cho bố mẹ cánh tả của bà cảm thấy sốc.

Sở dĩ bà trở thành người Đảng Bảo thủ, là bởi vì bà đã gặp những người cùng chí hướng, họ cũng giống như bà, cùng dốc sức cho “tự do cá nhân, khả năng định hình cuộc sống và định hình số phận của chính mình”, bà giải thích.

Ông Mark Littlewood, một nhà bình luận tự do đã quen biết bà Truss từ những ngày còn học đại học, cựu thành viên Đảng Dân chủ Tự do Oxford và hiện là giám đốc của Viện Kinh tế, một tổ chức nghiên cứu tư vấn cho thị trường tự do. Ông nói rằng, bà Truss là người “có ý chí, cương quyết và thẳng thắn”.

Ông Littlewood nói: “Cô ấy là một người chủ nghĩa thị trường tự do trong suốt cuộc đời trưởng thành của mình.”

Ông còn nói, “Sự nghiệp chính trị của cô ấy phản ánh hệ tư tưởng của cô ấy – cô ấy luôn nghi ngờ chính phủ lớn và các tổ chức đặc quyền mà cô ấy nghĩ rằng cô ấy hiểu rõ nhất”.

Sau khi tốt nghiệp Oxford, bà làm kế toán cho công ty năng lượng Shell và Cable & Wireless, bà kết hôn với kế toán viên Hugh O’Leary vào năm 2000. Họ sinh được 2 người con.

Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2001 của Anh, với tư cách là ứng cử viên Đảng Bảo thủ, bà Truss tranh cử tại thị trấn Hemsworth, quận West Yorkshire, thành phố Wakefield, nhưng đã thua. Năm 2005, bà tiếp tục thất bại trong cuộc bầu cử ở Calder Valley, cũng ở quận West Yorkshire.

Nhưng nhiệt tình chính trị của bà không hề suy giảm, và bà đã được bầu làm nghị sĩ tại Greenwich, thuộc đông nam London, vào năm 2006, và cũng đã làm việc cho nhóm tư vấn cải cách trung hữu kể từ năm 2008.

Lãnh đạo đảng Bảo thủ David Cameron đã đưa bà Truss vào “danh sách A” các ứng cử viên được ưu tiên cho cuộc bầu cử năm 2010 cho ghế nghị sĩ ở tây nam Norfolk. Bà Truss cuối cùng đã giành được chiến thắng với hơn 13.000 phiếu bầu.

Bà là đồng tác giả của cuốn sách “Britannia Unchained: Global Lessons for Growth and Prosperity” (Britannia Unchained: Bài học toàn cầu về tăng trưởng và thịnh vượng) cùng với 4 nghị sĩ Đảng Bảo thủ khác được bầu vào năm 2010. Cuốn sách này khuyến nghị loại bỏ Quy định của nhà nước để nâng cao vị thế của Vương quốc Anh trên thế giới đã, điều này đánh dấu bà là người ủng hộ nổi bật các chính sách thị trường tự do trong ghế Bảo thủ của mình.

Năm 2012, hơn 2 năm sau khi trở thành nghị sĩ, bà vào chính phủ với tư cách là Bộ trưởng Giáo dục và được thăng chức Bộ trưởng Môi trường vào năm 2014.

Tại một hội nghị của Đảng Bảo thủ vào năm 2014, bà đã có một bài phát biểu đầy cảm xúc và ẩn ý: “Chúng ta nhập khẩu 2/3 pho mát. Đó là một sự ô nhục”.

Cựu Bộ trưởng Nội các David Laws, người từng làm việc với bà Truss trong chính phủ 10 năm trước, nhớ lại rằng bà là người tràn đầy năng lượng và “tham vọng“. Trong cuốn hồi ký, ông ví bà Truss là “Margaret Thatcher trẻ tuổi”.

Cuộc bỏ phiếu của Anh rời EU mở rộng ảnh hưởng

Vào năm 2016, người Anh đã mở ra sự kiện chính trị được cho là lớn nhất trong một thế hệ, cuộc trưng cầu dân ý về rời Liên minh Châu Âu (Brexit).

Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 của Anh về việc có nên rời Liên minh châu Âu hay không, bà Truss ủng hộ phe “ở lại”, mặc dù bà nói rằng bà luôn là một người theo “thuyết hoài nghi châu Âu” (Euroskepticism) bẩm sinh. Kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, bà đã giành được sự ủng hộ của những người phe Brexit với thái độ không chút thỏa hiệp của mình đối với EU.

Trong thời kỳ bà Theresa May trở thành nữ thủ tướng, bà Truss trở thành nữ Đại chưởng ấn và Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên nhưng bà đã có vài lần xung đột với cơ quan tư pháp. Sau 11 tháng làm Bộ trưởng Tư pháp, bà bị giáng chức làm thư ký trưởng Bộ Tài chính.

Truss là một trong những người sớm ủng hộ việc Johnson thay thế bà Theresa May khi bà May buộc phải từ chức sau những thất bại liên tiếp để phá vỡ thế bế tắc chính trị về Brexit. Khi ông Johnson thắng cử, bà Truss được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại.

Vào tháng 9/2021, bà được bổ nhiệm là nhà ngoại giao hàng đầu của Vương quốc Anh: Bộ trưởng Ngoại giao. Mọi người có nhiều đánh giá trái chiều về công trạng của bà. Nhiều người ca ngợi phản ứng cứng rắn của bà trước cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Bà đảm bảo trả tự do cho hai công dân Anh bị giam giữ ở Iran, trong khi tiền nhiệm của bà đã chưa thành công.

Nhưng các nhà lãnh đạo và quan chức EU với hy vọng bà có thể mang đến quan điểm chính ôn hòa hơn cho mối quan hệ của Anh và EU đã cảm thấy thất vọng. Trong tranh chấp thương mại, bà Truss đã đề xuất lập pháp xé bỏ một phần nội dung trong thỏa thuận chia tay Anh – EU có lực ràng buộc mà cả hai bên đã ký kết. Đáp lại, liên minh 27 quốc gia đang tiến hành các hành động pháp lý chống lại Anh.

Bà Truss đôi khi ám thị rằng những so sánh thường xuyên với Thatcher là phân biệt giới tính, nhưng có lúc bà lại khuyến khích hành động này. Bà đã từng tạo dáng trên xe tăng của Lục quân Anh ở Đông Âu, gợi nhớ đến bà Margaret Thatcher trong Chiến tranh Lạnh. Trong cuộc tranh luận lãnh đạo Đảng Bảo thủ trên truyền hình, bà Truss mặc một chiếc áo sơ mi thắt nơ, giống như bà Thatcher từng mặc.

Bà Victoria Honeyman, phó giáo sư Khoa học chính trị Anh tại Đại học Leeds, nói rằng bằng cách nhấn mạnh bối cảnh khiêm tốn của mình, bà Truss khiến người ta liên tưởng đến con gái của người bán tạp hóa, Margaret Thatcher, “cô gái thuộc tầng lớp lao động này đã làm rất tốt”.

Ngoại giao: Liên hiệp với phương Tây đối kháng với ĐCSTQ

Bà Truss có lập trường kiên định và không khoan nhượng đối với Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ). Theo các trợ lý tranh cử, một trong những hành động đầu tiên của bà trên cương vị thủ tướng là coi Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Ngược lại, ông Sunak trước đó đã lên kế hoạch biến Vương quốc Anh trở thành “thị trường đi đến” cho các công ty và nhà đầu tư Trung Quốc, bất chấp sự hoài nghi của ông đối với Bắc Kinh trong chiến dịch tranh cử lãnh đạo của mình.

Có một số yếu tố trong đường lối cứng rắn của bà Truss: cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với Hồng Kông, hoạt động gián điệp công nghiệp (bao gồm cả việc xâm nhập vào các trường đại học của Anh) và những lo ngại chung về việc phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt là vào các công nghệ như mạng truyền thông di động 5G của Huawei.

Đối với bà Truss, điều này tương đồng với việc châu Âu phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Giống như Trung Quốc, Nga bị cai trị bởi những nhà cầm quyền độc tài đang muốn làm suy yếu phương Tây dân chủ.

Ông Rana Mitter, một chuyên gia về chính sách và lịch sử Trung Quốc hiện đại tại Đại học Oxford, phân tích rằng bà Truss coi ĐCSTQ là một “mối đe dọa”, có nghĩa là “kỷ nguyên vàng” mà cựu Thủ tướng Anh David Cameron từng hình dung đã kết thúc.

Một nguồn tin từ đội ngũ tranh cử của bà Truss cho biết: “Kể từ khi trở thành Ngoại trưởng, bà Liz Truss đã củng cố lập trường của Vương quốc Anh đối với Bắc Kinh. Với tư cách là Thủ tướng, bà ấy sẽ tiếp tục lập trường diều hâu.”

“Bà ấy đã lên tiếng về hành động ép buộc kinh tế của Trung Quốc (ĐCSTQ), hợp tác với G7 và các đồng minh khác để huy động đầu tư vào các nước thu nhập thấp và trung bình, nhằm đối kháng lại ‘Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc (ĐCSTQ).”

Thủ tướng đắc cử của Vương quốc Anh hứa hẹn giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện tại

Sự trung thành của bà Truss đối với cựu Thủ tướng Johnson, người vẫn được nhiều đảng viên Bảo thủ yêu thích, đã giúp bà giành chiến thắng. Nhiều thành viên Đảng Bảo thủ coi quyết định của ông Sunak từ rút khỏi nội các của ông Johnson vào tháng Bảy là một dấu hiệu xấu cho cuộc chạy đua lãnh đạo của ông. Bà Truss đã không từ chức, và bà được coi là “một người trung thành”.

Trong một bài phát biểu ngắn gọn nhưng đầy sức mạnh, bà Truss cảm ơn ông Johnson sau khi được công bố là người chiến thắng trong cuộc đua lãnh đạo Đảng Bảo thủ.

Bà nói: “Tôi cũng muốn cảm ơn nhà lãnh đạo sắp giải nhiệm của chúng ta, bạn của tôi, ông Boris Johnson. Boris, ông đã hoàn thành Brexit. Ông đã đè bẹp Jeremy Corbyn (cựu Lãnh đạo đối lập). Ông đã đưa ra chính sách vắc-xin, ông đã đứng lên chống lại ông Vladimir Putin. Ông được kính phục từ Kyiv đến Carlisle.”

Bà Truss nổi lên như một nhà lãnh đạo mới trong bối cảnh kinh tế có nhiều xáo động. Lạm phát ở Anh hiện ở mức 13%, cao nhất trong vòng 40 năm. Tuần trước, Goldman Sachs cho biết tỷ lệ này có thể đạt 22%, do giá năng lượng tăng vọt và thị trường lao động gay go ở Anh. Hàng triệu người Anh phải đối mặt với tình trạng “thiếu thốn nhiên liệu” trong mùa đông này, không thể thanh toán hóa đơn và buộc phải lựa chọn giữa sưởi ấm và ăn uống.

Bà Truss đã hứa hẹn một kế hoạch táo bạo để đối phó với khủng hoảng. Một nguồn tin thân cận với bà tiết lộ rằng trong vòng một tuần, người Anh sẽ nghe về kế hoạch giải quyết các hóa đơn gia đình tăng cao và cải thiện nguồn cung cấp năng lượng dài hạn của đất nước. Trong số đó, việc duy trì các hóa đơn hộ gia đình ở mức hiện tại và không còn tăng nữa là một phương án hiện đang được nghiên cứu.

“Tôi sẽ đưa ra một kế hoạch táo bạo để cắt giảm thuế và phát triển nền kinh tế của chúng ta”, bà Truss nói trong bài phát biểu tranh cử, “Tôi sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, giải quyết các hóa đơn năng lượng của mọi người, đồng thời cũng giải quyết các vấn đề lâu dài của chúng ta với việc cung cấp năng lượng.”

Bà Truss có kế hoạch hỗ trợ hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình Anh đang gặp khó khăn và chấn hưng lại nền kinh tế bằng cách cắt giảm 30 tỷ bảng Anh (tương đương khoảng 34,5 tỷ USD) tiền thuế.

Bà Truss cũng cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa bảo thủ, bà nói: “Trong cuộc đua lãnh đạo Đảng Bảo thủ, tôi đang tranh cử với tư cách là Đảng Bảo thủ, và tôi sẽ cầm quyền với thân phận là Đảng Bảo thủ.”

Bà Truss đã nhanh chóng thuyết phục các cử tri rằng bà đã đi đúng hướng. Cuộc tổng tuyển cử tiếp theo sẽ được tổ chức sau 2 năm nữa.

Bà nói: “Chúng tôi sẽ mang lại một chiến thắng to lớn cho Đảng Bảo thủ vào năm 2024.”