Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi kỳ vọng rằng chuyến thăm Đài Loan của bà sẽ thúc đẩy nhiều chính trị gia nước ngoài đến thăm hòn đảo, trong bối cảnh một nhóm nghị sĩ Anh đang có kế hoạch đến thăm Đài Loan vào cuối năm nay.

Embed from Getty Images

“Nếu chuyến thăm của tôi ở đây dẫn đến việc có nhiều các chuyến thăm khác, tôi thật sự hy vọng như vậy,” bà Pelosi nói tại Đài Bắc hôm thứ Tư.

“Thực sự rõ ràng rằng mặc dù Trung Quốc cản đường Đài Loan tham gia và đi đến một số cuộc họp nhất định, nhưng họ hiểu rằng họ sẽ không cản được đường những người muốn đến Đài Loan,” bà nói.

Hôm thứ Ba, đại sứ Trung Quốc tại Anh Zheng Zeguang cảnh báo sẽ có “hậu quả nghiêm trọng” nếu các thành viên của Ủy ban đối ngoại Hạ viện Anh Quốc đến thăm hòn đảo, sau các báo cáo rằng một chuyến đi đã được lên kế hoạch vào tháng 11 hoặc tháng 12.

“Cho dù đó là cái gọi là giúp Đài Loan tự vệ hay cử các thành viên Quốc hội đến Đài Loan, thì [những hành động này] đều vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một Trung Quốc và các quy định của Thông cáo chung Trung-Anh, và can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc,” ông Zheng nói. “Người Anh đều hiểu rõ ràng về điều này.”

Theo Andy Mok, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một tổ chức phi chính phủ hàng đầu ở Trung Quốc, chuyến đi của bà Pelosi có thể khiến các đồng minh của Washington bên ngoài châu Á làm theo.

“Trừ khi bị phản công mạnh mẽ và dứt khoát thông qua quân sự hoặc các biện pháp khác, [chuyến thăm của bà Pelosi] cũng có thể khuyến khích những người khác làm suy yếu hơn nữa nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống nhất cả hai bờ eo biển Đài Loan,” ông Mok nói.

Hoa Kỳ công nhận Bắc Kinh là “chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc” khi nước này thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1979 và kể từ đó chỉ duy trì quan hệ ngoại giao không chính thức với Đài Bắc.

Bà Pelosi là chính trị gia cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan kể từ người tiền nhiệm Đảng Cộng hòa Newt Gingrich vào năm 1997.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết chuyến đi của bà “vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một Trung Quốc, xâm phạm một cách ác ý chủ quyền của Trung Quốc và ngang nhiên tham gia vào các hành động khiêu khích chính trị”.

Koji Haraguchi, giảng viên khoa học chính trị tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Tự do Quốc tế Nhật Bản, cho biết khả năng chuyến thăm của bà Pelosi có tác động đến Nhật Bản là thấp.

Ông Haraguchi nói: “Nếu chính phủ Nhật Bản cử các quan chức cấp cao đến Đài Bắc, thì căng thẳng Nhật – Trung ở Biển Hoa Đông sẽ càng thêm căng thẳng”. “Chính phủ Nhật Bản không sẵn sàng cho việc leo thang quân sự ở Biển Hoa Đông.”

Ông Haraguchi nhận định rằng nếu các quan chức ở các quốc gia khác tiếp bước bà Pelosi, khu vực sẽ ngày càng trở nên bất ổn. “Các chuyến thăm chính thức, mang tính chất công khai, sẽ cho [Bắc Kinh] nhiều lý do hơn để thực hiện các hành động quân sự, thay vì răn đe. [Họ] cần phải phản ứng,” ông nói.

Theo Austin Strange, trợ lý giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Hồng Kông, ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực cũng sẽ ngăn cản các quốc gia khác ở Đông Á, những quốc gia “quan tâm hàng đầu đến sự phát triển của chính họ và các vấn đề trong nước khác”, thực hiện động thái tương tự.

“Bất chấp những xích mích kinh tế và chính trị gần đây, Trung Quốc vẫn là một đối tác kinh tế quan trọng đối với hầu hết các quốc gia,” ông nói.

Nhật Minh (theo SCMP)