Ngày 9/8 (thứ Ba), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng chuyến đi của bà đến Đài Loan là rất đáng giá, và bà tin rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở trong tình trạng “mong manh” nên có kiểu hành xử như “kẻ bắt nạt hoảng sợ”.

p3193031a698311731 ss
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi phát biểu tại Phủ Tổng thống Đài Loan vào ngày 3/8/2022 (Nguồn: Phủ Tổng thống Đài Loan)

Trên chương trình Morning Joe của MSNBC vào thứ Ba (9/8), khi được hỏi bà đã học được gì từ phản ứng của ông Tập Cận Bình trong chuyến đi đến Đài Loan, bà Pelosi nói:

“Tôi nghĩ ông ấy đang ở trong một tình trạng mong manh… ông ấy gặp vấn đề với nền kinh tế. Ông ta đang hành động như một kẻ bắt nạt hoảng sợ”.

Tuần trước bà Pelosi đã dẫn đầu một phái đoàn Quốc hội Mỹ đến thăm Singapore, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Bà Pelosi tiếp tục nói với chương trình “Morning Joe”: “Chúng tôi đã gặp tất cả Chủ tịch Quốc hội của cả 5 quốc gia cùng thành viên Quốc hội của họ, đã rất có hiệu quả. Đối với Đài Loan, chúng tôi không loại bỏ Đài Loan khỏi danh sách vì Tổng thống Đài Loan đã mời chúng tôi. Chủ tịch Trung Quốc không có quyền định đoạt lịch trình của chúng tôi”.

Trong 25 năm qua, bà Pelosi trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan, khiến nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc tức giận (ĐCSTQ) vì họ cho rằng việc lãnh đạo nước nào đến Đài Loan là nước đó công nhận chủ quyền của Đài Loan.

Trong lịch sử, Đài Loan từng là thuộc địa của Nhật Bản và có chút quan hệ lỏng lẻo với Đế chế nhà Thanh trước thời ĐCSTQ. Năm 1949, Quốc dân đảng rút về đảo Đài Loan sau thất bại trong cuộc nội chiến với ĐCSTQ, từ đó Đài Loan lấy tên nước là “Trung Hoa Dân Quốc” và tách hoàn toàn khỏi Đại Lục. Sau đó, Đài Loan dần dần thay đổi từ chế độ độc đảng của Quốc dân đảng sang chế độ đa đảng luân phiên cầm quyền, trở thành hình mẫu của chính quyền dân chủ tự trị trong giới người Hoa, châu Á và toàn thế giới.

ĐCSTQ nắm quyền ở Trung Quốc Đại Lục chưa bao giờ cai trị Đài Loan, nhưng họ vẫn coi Đài Loan là lãnh thổ của họ và tìm cách cô lập về mặt ngoại giao và kinh tế, bên cạnh việc gia tăng các mối đe dọa quân sự đối với Đài Loan.

Bà Pelosi đã đến thăm Đài Loan từ ngày 2 – 3/8. Sau khi bà rời Đài Loan, ĐCSTQ đã tổ chức cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật lớn nhất trong lịch sử gần Đảo Đài Loan (từ ngày 4), bao gồm hàng chục máy bay bay qua vùng nhận dạng phòng không Đài Loan làm gia tăng lo ngại quốc tế về cuộc khủng hoảng đối đầu quân sự trên eo biển Đài Loan.

Sau đó vào thứ Hai (8/8), ĐCSTQ đã thông báo rằng cuộc tập trận quân sự ban đầu dự kiến ​​kết thúc vào ngày 7 sẽ được kéo dài sang ngày 15.

Trong cuộc phỏng vấn với Today của NBC vào thứ Ba (9/8), người dẫn chương trình Savannah Guthrie đã hỏi bà Pelosi: “Phản ứng mà bà đang thấy bây giờ, (chuyến thăm Đài Loan) có đáng không? Vì ĐCSTQ đã có một loạt các hành động quân sự gây sốc đối với Đài Loan”.

Bà Pelosi trả lời: “Tất nhiên – không nghi ngờ gì về điều đó. Chuyến thăm của chúng tôi đến Đài Loan có sự ủng hộ áp đảo của lưỡng đảng. Với tư cách là Chủ tịch Hạ viện và phái đoàn ưu tú đi cùng tôi, chúng tôi đã được chào đón nồng nhiệt. Người dân Đài Loan hoan nghênh chuyến thăm này. Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể không hoan nghênh nhưng Trung Quốc (ĐCSTQ) không thể được phép cô lập Đài Loan ”.

Sau đó bà Pelosi nói: “Vài tháng trước cũng có một phái đoàn từ Thượng viện, họ thuộc cả 2 đảng, là những người có quyền lực rất lớn. Không ai nói một lời [chuyến đi lặng lẽ]. Thậm chí, bạn có biết về chuyến đi đó không?”

Bà Pelosi đã đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể bỏ qua chuyến đi của 5 thượng nghị sĩ Mỹ tới Đài Loan nhưng lại đối xử với chuyến thăm của bà ấy theo cách khác. Bà tin rằng việc Trung Quốc (ĐCSTQ) thể hiện tức giận chỉ là một trò mánh khóe.

Bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ nhắc lại rằng chuyến đi đến Đài Loan là đáng giá, bà nói: “Vâng, điều đó đáng giá. Người Trung Quốc (Đại Lục) đang làm những gì họ thường làm. Hãy nghe những gì người dân trong khu vực (Đài Loan) nói về chúng tôi, đó là rất quan trọng đối với chúng tôi”.

Thông qua các cuộc tập trận quân sự, ĐCSTQ đang cố gắng tiến gần hơn đến biên giới Đài Loan và có thể đang tìm cách thiết lập một “bình thường mới” để cuối cùng có thể kiểm soát việc tiếp cận các cảng và không phận của Đài Loan. Nhưng động thái đó có thể gây ra phản ứng dữ dội trên đảo Đài Loan, nơi mà người dân kiên quyết ủng hộ hiện trạng độc lập trên thực tế hiện nay.

Hôm thứ Ba (9/8), nhà chức trách Đài Loan cảnh báo rằng các cuộc tập trận quân sự của ĐCSTQ không chỉ là cuộc diễn tập cho cuộc xâm lược Đài Loan, mà còn phản ánh tham vọng kiểm soát các vùng đất rộng lớn phía tây Thái Bình Dương, vì vậy Đài Loan cũng tiến hành các cuộc tập trận riêng để nhấn mạnh khả năng sẵn sàng bảo vệ quê hương của họ.

Nước Mỹ ủng hộ Đài Loan dân chủ cũng đã thể hiện sẵn sàng đối mặt với mối đe dọa từ Bắc Kinh. Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng Mỹ có nghĩa vụ pháp lý để đảm bảo Đài Loan có thể tự vệ và coi mọi mối đe dọa chống lại Đài Loan là một vấn đề đáng quan ngại.