Hôm thứ Bảy (3/6), Chủ tịch danh dự của Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tuyên bố vinh danh các nạn nhân của vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989.

190605003727100699 600x400 2
Ngày 4/6/2019, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi phát biểu tại một cuộc mít tinh kỷ niệm 30 năm sự kiện Lục Tứ 4/6 trước Đồi Capitol. (Ảnh: Samira Bouaou / Epoch Times)

Bà nói: “34 năm trước, thế giới đã chứng kiến ​​một trong những hành động anh hùng vĩ đại nhất của thời đại chúng ta. Những công dân Trung Quốc bình thường không nao núng khi nhìn thấy quân đội và xe tăng đã xuống đường để đòi các quyền cơ bản của họ một cách ôn hòa, và chống lại chế độ áp bức. Mặc dù Bắc Kinh đàn áp dã man các cuộc biểu tình của họ, nhưng điều đó không thể tiêu diệt được tinh thần của họ. Tinh thần này sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ sau.

“Hơn 30 năm qua, tôi đã có vinh dự được lên tiếng vì nhân quyền ở Trung Quốc, và buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải chịu trách nhiệm. Đáng buồn thay, ĐCSTQ đang gia tăng sự tàn bạo của họ: Bỏ tù những người bất đồng chính kiến ​​dám lên tiếng, diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, đe dọa người Tây Tạng, phá hoại tự do dân chủ ở Hồng Kông, đe dọa dân chủ ở Đài Loan, v.v.

Điều quan trọng là có sự đồng thuận rộng rãi trong lưỡng đảng, lưỡng viện trong Quốc hội, nhằm xem xét kỹ hơn hành vi của Bắc Kinh.

Năm 1991, hai năm sau vụ thảm sát, tôi đã đứng ở quảng trường Thiên An Môn và giương cao biểu ngữ có nội dung: ‘Gửi đến những người đã hy sinh mạng sống vì nền dân chủ Trung Quốc’. Ngày nay, Bắc Kinh phải biết: Thế giới sẽ không bao giờ quên các nạn nhân của sự kiện quảng trường Thiên An Môn.”

Ngày 15/4/1989, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Hồ Diệu Bang qua đời vì bệnh tật. Các hoạt động để tang do sinh viên đại học Bắc Kinh tổ chức tại quảng trường Thiên An Môn nhanh chóng phát triển thành phong trào dân chủ lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Từ đêm ngày 3/6 đến sáng sớm ngày 4/6, quân đội ĐCSTQ đã tàn sát các sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn, và bắn chết nhiều người dân trên đường đi. Cuộc đàn áp đẫm máu của quân đội ĐCSTQ đã gây chấn động thế giới, được gọi là sự kiện Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6 trong lịch sử.

Có nhiều ý kiến ​​khác nhau về việc có bao nhiêu sinh viên và người dân đã bị ĐCSTQ tàn sát. Theo báo cáo của truyền thông phương Tây, hàng ngàn người đã thiệt mạng trong Phong trào Lục Tứ (4/6).

Từ lâu người dân đã kêu gọi trả lại công bằng cho sự kiện Lục Tứ. Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều học giả và những người tham gia vụ Thảm sát Thiên An Môn tin rằng ĐCSTQ chỉ có thể là tội nhân lịch sử và không đủ tư cách để trả lại công bằng cho phong trào này.

Sau sự kiện Lục Tứ, khoảng thời gian ngày 4/6 hàng năm đã trở thành thời kỳ rất nhạy cảm đối với ĐCSTQ.

Ngày 2/6, Reuters đưa tin, một số người dân và doanh nghiệp Hồng Kông vẫn tìm cách âm thầm tổ chức tưởng niệm sự kiện ngày 4/6/1989 thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn, bất chấp bóng tối của “Luật An ninh Quốc gia” đang bao trùm tại đây.

Từ xưa đến nay, “Lục Tứ” vẫn luôn là chủ đề cấm kỵ của Trung Quốc Đại Lục. Trong bối cảnh đó, bảo tàng “Thiên An Môn” mới đã được khai trương ở New York đón ngày kỷ niệm sự  kiện Lục Tứ (4/6) năm nay.

Bình Minh (t/h)