Hôm thứ Hai (12/4), nhà lãnh đạo chính phủ bị lật đổ của Myanmar Aung San Suu Kyi đã yêu cầu tòa án cho phép bà gặp trực tiếp luật sư khi xuất hiện tại một phiên điều trần trực tuyến trước hàng loạt cáo buộc của quân đội.

Embed from Getty Images

Khi bà Suu Kyi xuất hiện, những người ủng hộ bà đã kêu gọi mọi người bày tỏ sự phản đối trước cuộc đảo chính trong kỳ nghỉ năm mới truyền thống vào tuần này.

Bà Suu Kyi, 75 tuổi, người đã lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại sự cai trị của quân đội Myanmar trong nhiều thập kỷ và từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1991, đã bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính và bị buộc tội với nhiều tội danh khác nhau. Trong đó, cáo buộc vi phạm một đạo luật bảo mật chính thức thời thuộc địa có thể khiến bà bị bỏ tù tới 14 năm.

Bà Suu Kyi chỉ được phép nói chuyện với luật sư của mình qua liên kết video với sự chứng kiến ​​của các quan chức an ninh. Hiện chưa rõ liệu bà có nhận thức được tình trạng hỗn loạn đã nhấn chìm đất nước kể từ khi quân đội nắm chính quyền hay không.

Tuy vậy, luật sư Min Min Soe của bà khẳng định rằng họ không thể nói chuyện với bà về các cuộc biểu tình, cho tới nay đã hiến hơn 700 người thiệt mạng, mà chỉ có thể nói về các vấn đề pháp lý.

Luật sư cho biết bà Suu Kyi trông vẫn khỏe mạnh. Phiên điều trần tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 26/4.

Ngoài cáo buộc về vi phạm đạo luật bảo mật, bà Suu Kyi còn bị buộc tội sở hữu bất hợp pháp các thiết bị thu phát radio, vi phạm các biện pháp phòng ngừa virus corona, và hối lộ. 

Các luật sư của bà nói rằng các cáo buộc “như một trò đùa.”

Min Min Soe cho biết một khiếu nại bổ sung chống lại bà Suu Kyi đã được đệ trình vào thứ Hai liên quan đến các quy tắc của việc phòng dịch.

Cuộc đảo chính đã khiến Myanmar rơi vào khủng hoảng sau 10 năm có được nền dân chủ khi quân đội rút lui khỏi chính trường và cho phép bà Suu Kyi thành lập chính phủ.

Kể từ cuộc đảo chính, lực lượng an ninh đã giết hại 706 người biểu tình, trong đó có 46 trẻ em, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP).

Trong đó, có 82 người thiệt mạng tại thị trấn Bago, khoảng 70 km về phía đông bắc của Yangon, vào thứ Sáu.

Không nản lòng trước bạo lực, các nhà hoạt động đã kêu gọi người dân bày tỏ sự phản đối chính quyền quân sự trong 5 ngày Tết cổ truyền, được gọi là Thingyan, bắt đầu vào thứ Ba.

Ngày lễ quan trọng nhất trong năm thường được tổ chức với các lễ cầu siêu, nghi lễ lau chùi tượng Phật trong các ngôi chùa, và té nước trên đường phố.

“Hội đồng quân sự không sở hữu Thingyan. Quyền lực của người dân nằm trong tay người dân”, Ei Thinzar Maung, một lãnh đạo của nhóm phản đối viết trên Facebook.

Hôm thứ Hai, các báo cáo trên phương tiện truyền thông xã hội cho biết lực lượng an ninh đã nổ súng ở thị trấn Tây Bắc Tamu và cảnh sát đã dẹp tan một cuộc biểu tình ở thành phố Mandalay.

Ba thường dân đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa quân đội và quân nổi dậy người dân tộc thiểu số Kachin ở phía bắc, dịch vụ tin tức trực tuyến Irrawaddy đưa tin.

Hiện tại, khó có được thông tin chi tiết về các vụ bạo lực do các dịch vụ dữ liệu di động và internet băng thông rộng bị cắt đứt.

Lê Xuân (theo Reuters)

Xem thêm: