Chế độ nhà họ Kim đã đề nghị đưa chương trình hạt nhân và tên lửa của mình lên bàn đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc. Khả năng sẽ có cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong-un vào tháng Năm để đối thoại phi hạt nhân hóa vĩnh viên trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu Bắc Hàn ve vãn về phi hạt nhân hóa. Hứa và thất hứa về chương trình hạt nhân là chuyện rất bình thường với các thế hệ nhà họ Kim trong suốt một phần tư thế kỷ qua.  

Embed from Getty Images

Đây không phải lần đầu chế độ nhà họ Kim ve vản về khả năng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. 

Khả năng hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn ngày nay thực chất hơn và nguy hiểm hơn trước, quyền lực mặc cả của họ cũng lớn hơn và cái giá của sự thất bại cũng cao hơn”, đó là đánh giá của ông Daryl Kimball – Giám đốc điều hành của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, tổ chức có mục tiêu thúc đẩy “hiểu biết của công chúng và ủng hộ các chính sách kiểm soát vũ khí hiệu quả”.

>>Nhìn lại một phần tư thế kỷ ‘lừa đàm’ của Bắc Hàn

Cùng nhìn lại những lần thất hứa của Bắc Hàn để rõ hơn bản chất của chế độ nhà họ Kim và qua đó phần nào hiểu được mục đích thực sự của Bình Nhưỡng đằng sau những ve vãn về khả năng phi hạt nhân hóa.

Năm 1985: Bắc Hàn ký Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân. Theo Liên Hiệp Quốc, đây là “hiệp ước quốc tế quan trọng với mục tiêu để ngăn chặn sự lan rộng của vũ khí hạt nhân và công nghệ hạt nhân; thúc đẩy hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hòa bình và tiến xa hơn tới mục tiêu đạt được giải trừ hạt nhân và giải trừ vũ trang hoàn toàn”.

Năm 1992: Hai miền Triều Tiên ký “tuyên bố chung về Phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”. Tuyên bố này nói rằng: “Miền Nam và miền Bắc sẽ không thử, chế tạo, sản xuất, nhận, sở hữu, tàng trữ, triển khai hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân” và họ “sẽ chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình”.

Năm 1994: Bắc Hàn cam kết với Mỹ rằng họ sẽ đóng băng và cuối cùng phá bỏ chương trình hạt nhân của mình để đổi lại được nhận viện trợ quốc tế, trong đó có việc trợ giúp họ xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân để sản xuất điện.

Năm 2002: Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush gắn nhãn Bắc Hàn, Iran và Iraq là “trục ma quỷ”, tuyên bố rằng “bằng cách mưu cầu vũ khí hủy diệt hàng loạt, các chế độ này sở hữu mối nguy hiểm nghiêm trọng và đang tăng lên”. Chính quyền Bush sau đó tiết lộ rằng Bắc Hàn đã xác nhận triển khai chương trình hạt nhân bí mật vi phạm hiệp định 1994.

Năm 2003: Mỹ và các nước khác dừng trợ cấp năng lượng, và Bắc Hàn rút khỏi Hiệp uớc Không phổ biến Vũ khí hạt nhân. Sau đó, Các cuộc Đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân Bình Nhưỡng bắt đầu được tiến hành. Các cuộc đàm phán này có sự tham dự của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Bắc Hàn.

Năm 2005: Bắc Hàn cơ bản đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân, trong đó có vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc nói họ sẽ cung cấp trợ cấp năng lượng cho Bắc Hàn, cũng như thúc đẩy hợp tác kinh tế.

Năm 2006: Bắc Hàn tuyên bố đã thử thành công vũ khí hạt nhân đầu tiên. Vụ thử hạt nhân này thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt lên Bình Nhưỡng.

Năm 2008: Đàm phán 6 bên đổ vỡ khi Bắc Hàn từ chối cho phép các giám sát viên quốc tế tự do tiếp cận các khu vực tại Bắc Hàn bị nghi là bãi thử hạt nhân. Bắc Hàn nói rằng phía Mỹ cũng không tuân thủ các cam kết của họ.

Năm 2010: Truyền thông nhà nước Bắc Hàn thông tin rằng chính quyền nhà họ Kim đã ban hành nghị quyết nói rằng Bắc Hàn “sẽ là một bên trong các thỏa thuận không phổ biến hạt nhân và giải trừ vũ trang ‘với vị thế ngang bằng các quốc gia có vũ khí hạt nhân khác’”.

Năm 2011: “Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-il, Bình Nhưỡng tuyên bố rằng họ sẽ sẵn sàng tuân thủ lệnh cấm sản xuất và thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa” trong bối cảnh có thể nối lại các cuộc Đàm phán 6 bên”, theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí.

Năm 2012: Bắc Hàn đồng ý tạm dừng hoạt động của nhà máy làm giàu uranium Yongbyon và bắt đầu tạm hoãn các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa tầm xa. Mỹ hứa viện trợ lương thực. Sau đó, Washington nói rằng họ đã dừng viện trợ vì Bình Nhưỡng nói họ sẽ phóng vệ tinh.

Năm 2016: Bắc Hàn ra dấu sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa. Nhưng cũng trong năm này, chế độ Kim Jong-un đã hai lần thử bom hạt nhân và nhiều lần thử tên lửa tầm xa. Sang năm 2017, Bắc Hàn tiếp tục thử bom hạt nhân và hàng chục lần thử tên lửa, kéo theo một loạt các chế tài ngày càng nghiêm khắc hơn của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc.

Yên Sơn (T/h)

Xem thêm: