Bắc Hàn hôm thứ Ba (5/11) đã lên án Mỹ đề cập chế độ Bình Nhưỡng trong báo cáo hàng năm của Washington về các nhà nước tài trợ khủng bố. Bình Nhưỡng cho rằng báo cáo này là ví dụ cho thấy “chính sách thù địch” của Washington và nó sẽ giới hạn các cơ hội đối thoại song phương.

Embed from Getty Images

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Sáu (1/11) đã phát hành “Báo cáo Quốc gia 2018 về Chủ nghĩa khủng bố”, trong đó đã rút lại chỉ trích của Mỹ về Bắc Hàn từ năm trước, nhưng vẫn đề cập rằng Mỹ đã tái liệt Bắc Hàn là nhà nước tài trợ khủng bố năm 2017.

Theo Thông tấn xã Bắc Hàn (KCNA), Bộ Ngoại giao nước này hôm 5/11 đã phát đi tuyên bố bác bỏ báo cáo khủng bố của Mỹ và gọi đó là “khiêu khích mang động cơ chính trị nghiêm trọng”.

Điều này một lần nữa chứng minh rằng Mỹ bận tâm vào những chỉ trích dai dẳng hướng tới Bắc Hàn, luôn luôn tìm cách theo đuổi chính sách thù địch với Bình Nhưỡng,” tuyên bố của Bộ Ngoại giao Bắc Hàn nói.

Tháng trước, Bắc Hàn đã rời khỏi cuộc đối thoại cấp độ làm việc với Mỹ, đổ lỗi cho Washington đã không đưa ra đủ nhượng bộ. Bình Nhưỡng sau đó đã đe dọa sẽ nối lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa.

Tuyên bố nêu trên của Bắc Hàn nhấn mạnh rằng báo cáo khủng bố của chính phủ Mỹ là “sự xúc phạm”, đặc biệt trong thời điểm đối thoại Mỹ – Bắc Hàn “đang gặp bế tắc”.

Kênh đối thoại giữa DPRK và Mỹ càng ngày càng thu hẹp vì thái độ và lập trường như vậy của Mỹ”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Bắc Hàn nói, sử dụng tên viết tắt của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK).

Theo VOA, Bắc Hàn lần đầu bị Mỹ liệt vào danh sách nhà nước tài trợ khủng bố là năm 1998, sau khi họ bị cáo buộc có liên quan tới vụ đánh bom máy bay dân dụng của hãng Korean Airlines năm 1997. Mỹ đã loại Bắc Hàn khỏi danh sách này vào năm 2008, trong thời điểm hai bên tiến hành đối thoại phi hạt nhân hóa.

Năm 2017, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Rex Tillerson đã tái liệt Bắc Hàn là nhà nước tài trợ khủng bố, trong bối cảnh mâu thuẫn hai nước đang tăng cao.

Trong báo cáo phát hành hôm 1/11, Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Ngoại trưởng [Mỹ] đã xác định rằng chính phủ DPRK nhiều lần cung cấp hỗ trợ cho các hoạt động của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, như việc DPRK liên quan đến các vụ ám sát tại lãnh thổ nước ngoài.

Phần nội dung về Bắc Hàn trong báo cáo khủng bố mà Bộ Ngoại giao Mỹ vừa phát hành có số lượng từ ít hơn một nửa so với báo cáo năm ngoái. Nội dung này cũng loại bỏ các mô tả về “cách hành xử nguy hiểm và độc hại” của Bắc Hàn.

Tuy nhiên, Bắc Hàn vẫn chỉ trích Mỹ đã đề cập tới việc họ bị liệt vào danh sách nhà nước tài trợ khủng bố, từ đó áp đặt các chế tài đơn phương.

Đây là sự xúc phạm và bội tín chống lại DPRK, một đối tác đối thoại [với Mỹ],” Bộ Ngoại giao Bắc Hàn nhấn mạnh.

Bắc Hàn đang tìm cách thuyết phục Mỹ nới lỏng chế tài và chấp nhận các nhượng bộ khác. Chế độ Bình Nhưỡng thậm chí đã đặt hạn chót cho Washington tới cuối năm nay phải thay đổi cách tiếp cận đàm phán nếu không sẽ gặp những hậu quả “nguy hiểm”.

Kể từ tháng Sáu năm nay, lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp nhau ba lần. Mặc dù họ đã đồng ý sẽ “làm việc hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên”, nhưng hai bên vẫn chưa thể đồng ý những bước đi đầu tiên hướng tới thực hiện tiến trình này.

Theo Reuters, nhà lập pháp Hàn Quốc Lee Eun-jae hôm thứ Hai (4/11) cho biết Bắc Hàn và Mỹ có thể tổ chức vòng đàm phán cấp độ làm việc tiếp theo vào giữa tháng này để thúc đẩy tiến độ đối thoại song phương.

Xuân Thành

Xem thêm: