Cơ quan thông tấn Bắc Hàn tuyên bố nước này sẽ tổ chức một buổi lễ tháo dỡ khu thử nghiệm hạt nhân trong vòng 2 tuần nữa. Phóng viên nước ngoài sẽ được mời thời tham dự sự kiện này.

Punggye ri
Hình chụp vệ tinh bãi thử hạt nhân Punggye-ri, phía đông bắc Bắc Hàn

Hãng thông tấn KNCA của nhà nước Bắc Hàn cho biết nước này đang “thực hiện các biện pháp kỹ thuật” để chuẩn bị cho tiến trình tháo dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri sẽ diễn ra trong khoảng từ ngày 23-25 tháng 5.

Việc này sẽ xảy ra ngay trước 3 tuần cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un.

Trước đó Trung Quốc loan báo các nhà khoa học của nước này phát hiện bãi thử này đã bị sập sau vụ thử hạt nhân hồi tháng 9 năm ngoái, một tuyên bố mà Bắc Hàn phủ nhận.

Cơ quan thông tấn Bình Nhưỡng cho hay thời gian chính xác cho việc tháo dỡ bãi thử Pungye-ri sẽ phải phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Công tác bao gồm cho sập toàn bộ các đường hầm bằng thuốc nổ, tháo bỏ các nhà quan sát, trung tâm nghiên cứu và các trạm an ninh.

Phóng viên từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Anh và Nga sẽ được mời tới chứng kiến sự kiện này. Bắc Hàn tuyên bố mục đích của việc này là “không chỉ cho phép báo chí trong nước mà các ký giả nước ngoài thực hiện việc đưa tin tại hiện trường nhằm chứng minh việc gỡ bỏ khu thử nghiệm hạt nhân miền bắc một cách minh bạch”.

Khu Punggye-ri nằm ở vùng núi phía đông bắc Bắc Triều Tiên, được xem là cơ sở hạt nhân chính của nước này. 6 vụ thử hạt nhân đã được tổ chức tại bãi thử này, chính xác là trong các hệ thống đường hầm ngầm được đào bên dưới núi Mantap, kể từ năm 2006.

north korea

Sau lần thử hạt nhân gần nhất vào tháng 9/2017, các nhà khoa học đo được một loạt các sóng dư chấn dẫn đến suy luận một phần của hệ thống đường hầm dưới núi đã bị sập.

Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Kim

Ông Trump sẽ gặp mặt Kim Jong Un vào ngày 12/6 tại Singapore. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ gặp lãnh tụ Bắc Hàn.

Các vấn đề chính trong cuộc gặp được dự trù là vấn đề vũ khí hạt nhân và tương lai của Bắc Hàn.

Bắc Hàn đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy hòa bình và phát triển kinh tế sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều hôm 27/4 – một quyết định khiến nhiều người sửng sốt.

Mỹ từ lâu gây áp lực đòi Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn hạt nhân, nhưng Bình Nhưỡng từng nhiều lần tuyên bố đây là lá chắn sống.

Nhưng quan điểm của Bình Nhưỡng bất ngờ thay đổi sau khi Nam, Bắc Triều Tiên đồng ý tiến tới hội đàm trực tiếp.

Kim Jong Un cũng đã tới Trung Quốc 2 lần để diện kiến Chủ tịch Tập Cận Bình, lần đầu tiên trước khi ông Kim sang Hàn Quốc gặp Tổng thống Moon Jae-in, và lần thứ 2 là trước khi ông Trump thông báo thời gian, địa điểm đàm phán Mỹ-Triều.

Ông Trump cũng hai lần cử Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng để thương thuyết trực tiếp với Kim Jong Un để chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo hai nước. Mới đây, ông Pompeo tiết lộ Mỹ sẽ giúp Bắc Hàn đuổi kịp Hàn Quốc nếu nước này từ bỏ hoàn toàn hạt nhân.

Nếu ông Kim chọn con đường đúng đắn, sẽ có một tương lai tràn ngập hòa bình và thịnh vượng cho người dân Bắc Hàn,” ông Pompeo nói sau cuộc hội đàm hôm thứ Sáu.

Mỹ sẽ “làm việc với Bắc Triều Tiên để đạt được sự thịnh vượng ngang bằng với những người bạn Hàn Quốc của chúng tôi”.

Trong chuyến thăm bất ngờ của Ngoại trưởng Mỹ tuần qua, Bình Nhưỡng đã thả ba công dân Mỹ bị tuyên án tù khổ sai và ông Pompeo đã mang cả ba người về Mỹ.

Động thái này được xem là “cử chỉ thiện chí” của Kim Jong Un trước khi gặp mặt trực tiệp ông Donald Trump.

Đức Trí

Xem thêm: