Bắc Kinh đã chỉ trích tuyên bố chung của chính phủ New Zealand và Hoa Kỳ, vốn nêu ra “những lo ngại nghiêm trọng” về hồ sơ vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cũng như nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Thái Bình Dương.

Embed from Getty Images

Tuyên bố chung nêu trên được đưa ra sau cuộc gặp của Thủ tướng Ardern với Tổng thống Biden tại Nhà Trắng hôm 31/5. Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên lên án, tuyên bố này bôi nhọ “sự hợp tác” của ĐCSTQ với các quốc đảo Thái Bình Dương, và khẳng định các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Tân Cương và Hồng Kông là “vấn đề nội bộ”.

Ông cũng cáo buộc hai chính phủ có động cơ thầm kín để “tạo ra thông tin sai lệch” về Trung Quốc.

Trong tuyên bố chung, Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết, họ phản đối các tuyên bố và hoạt động hàng hải trái pháp luật ở Biển Đông, ngoài ra còn nhắc lại mối quan ngại nghiêm trọng về vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và sự xói mòn các quyền tự do ở Hồng Kông.

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và “khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển”.

Cả hai cũng lưu ý “sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng” ở Thái Bình Dương với thỏa thuận an ninh giữa ĐCSTQ và Quần đảo Solomon, lo ngại nó sẽ “thay đổi cơ bản cán cân chiến lược của khu vực và đặt ra những lo ngại về an ninh quốc gia cho cả hai nước chúng ta.”

Ông Triệu Lập Kiên cũng trực tiếp nhắc đến chính phủ New Zealand, cho rằng quốc gia nhỏ bé này nên “tuân thủ chính sách đối ngoại độc lập của mình”, đồng thời ám chỉ họ nên tự vươn xa khỏi ảnh hưởng chính sách của Mỹ.

Cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc Global Times mô tả New Zealand “nghiêng về phía” Hoa Kỳ trong việc nhìn nhận vai trò của Trung Quốc trong khu vực. Tờ báo này cũng cáo buộc New Zealand không thể “chịu đựng” áp lực từ Hoa Kỳ và từ đó lặp lại “luận điệu chống Trung Quốc”.

Trước thực trạng cưỡng bức kinh tế của Bắc Kinh đối với Úc – như một ví dụ về sự trả đũa của ĐCSTQ đối với các hành động mà chế độ này không chấp nhận, không ít câu hỏi được đặt ra về việc liệu điều này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh tế của New Zealand với đối tác thương mại lớn nhất của họ hay không.

Ông Robert Patman, một chuyên gia về quan hệ quốc tế từ Đại học Otago nhận định, mặc dù điều này có thể báo hiệu một số tác động đến thương mại New Zealand, nhưng ông tin rằng vẫn có “sự khác biệt” trong hành động của Bắc Kinh với hai quốc gia xuyên Tasman.

Ông Patman trao đổi với Newshub: “Úc được coi là thân cận với Hoa Kỳ hơn nhiều.”

Tuy nhiên ông Geoffrey Miller, một nhà phân tích quốc tế tại Dự án Dân chủ của Đại học Victoria của New Zealand lại không hề lạc quan. Ông liên tưởng đến những bình luận của Bắc Kinh đối với Úc trước khi áp thuế thương mại. 

Ông Miller nói với The Australian: “Đây là một thời điểm rất nguy hiểm đối với New Zealand. Nó có thể chỉ là một tín hiệu cảnh báo, nhưng cũng có thể là sự khởi đầu của một điều gì đó mạnh mẽ hơn.”

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta đã gặp Đại sứ Trung Quốc trong một cuộc họp được sắp xếp trước vào sáng 2/6. 

“Đó là một cuộc gặp gỡ và thăm hỏi. Nó đã đề cập đến một loạt các vấn đề liên quan đến Thái Bình Dương, mối quan hệ song phương, thực tế là chúng ta đang công nhận mối quan hệ 50 năm với Trung Quốc,” ông cho hay.

Tuy nhiên, đại sứ Trung Quốc Wang Xiaolong đã đe dọa New Zealand trong một bài phát biểu trước Hội đồng Trung Quốc New Zealand, nói rằng nước này không nên coi lập luận của đối tác thương mại lớn nhất của mình là “điều hiển nhiên” để làm theo.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)