Theo cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster, mối đe dọa về một cuộc xâm lược của Trung Quốc đối với Đài Loan khiến đảo quốc này trở thành “điểm nóng đáng chú ý nhất” trên thế giới, và có thể dẫn đến một “cuộc chiến tranh quy mô lớn”. 

Embed from Getty Images

Ông McMaster, phát biểu trước phiên điều trần của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện Mỹ vào ngày 2/3, nói rằng Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình coi Đài Loan là “giải thưởng lớn tiếp theo” sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc củng cố quyền kiểm soát trong nước, bằng cách áp đặt luật an ninh quốc gia hà khắc lên Hồng Kông, và tiến hành chiến dịch diệt chủng đối với người Hồi giáo thiểu số ở khu vực Tân Cương.

Cựu quan chức này cho biết ông Tập tin rằng “ông ấy có một cơ hội thoáng qua vốn đang đóng lại” liên quan đến việc tấn công Đài Loan. Ông McMaster nói: “Theo quan điểm của mình, ông ấy (ông Tập) muốn làm Trung Quốc toàn vẹn trở lại (thông qua việc chiếm lại Đài Loan)”.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình mặc dù đảo quốc này đã được quản lý như một thực thể độc lập trong hơn bảy thập kỷ qua. ĐCSTQ thề sẽ chiếm lại hòn đảo này bằng vũ lực nếu cần thiết.

Chính quyền cộng sản Trung Quốc đã gia tăng mạnh mẽ luận điệu và sức ép quân sự đối với Đài Loan trong những tháng gần đây.

Vào cuối tuần đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc xâm nhập quân sự quy mô lớn nhất vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan. 13 máy bay quân sự của Trung Quốc đã bay qua vùng biển phía tây nam của Đài Loan vào ngày 23/1, và 15 máy bay quân sự khác đã thực hiện việc xâm nhập tương tự vào ngày hôm sau. Vài ngày sau nữa, một quan chức Trung Quốc cảnh báo đảo quốc tự trị này rằng “độc lập có nghĩa là chiến tranh”.

Theo ông McMaster, thời gian từ năm 2022 trở đi đánh dấu thời điểm “nguy hiểm nhất” đối với Đài Loan, lưu ý rằng thời điểm này trùng khớp với việc kết thúc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022.

Ông cho biết ĐCSTQ hiện đang cố gắng vũ khí hóa Biển Đông nhằm tạo ra một rào cản khiến “chúng ta [Hoa Kỳ] tổn thất rất nhiều” nếu muốn đến bảo vệ Đài Loan trong trường xảy ra cuộc tấn công.

Trong nhiều năm, Bắc Kinh đã từng bước xây dựng các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo và bãi đá ngầm trong các vùng biển đang tranh chấp.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ khuyến nghị Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện quân sự tại vùng biển xung quanh Đài Loan và Biển Đông để ngăn chặn không cho quân đội Trung Quốc sử dụng không gian đó.

Ông cũng cho biết Hoa Kỳ nên tiếp tục giúp Đài Loan củng cố khả năng quốc phòng của nước này nhằm chống lại một cuộc tấn công có khả năng xảy ra từ Trung Quốc.

Theo luật liên bang, Hoa Kỳ có trách nhiệm cung cấp cho đảo quốc Đài Loan các thiết bị quân sự để tự vệ. Dưới thời chính quyền Trump, việc bán vũ khí cho Đài Loan đã tăng mạng, với việc chính phủ Mỹ phê duyệt các gói vũ khí trị giá hơn 15 tỷ đô la.

Ông McMaster nói rằng một cuộc chiến tranh có thể xảy ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khi Bắc Kinh xâm lược Đài Loan sẽ gây ra “tổn thất to lớn cho cả hai bên”.

Ông nói: “Nếu Hoa Kỳ quyết định đáp ứng [hỗ trợ] Đài Loan, tôi tin rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân [Trung Quốc] sẽ chịu tổn thất khủng khiếp dựa trên năng lực to lớn của các lực lượng chung của chúng ta”.

Trong hội nghị tọa đàm, thảo luận về “mối đe dọa quân sự của ĐCSTQ đối với Đài Loan” do Quỹ Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Đài Loan tổ chức hôm 25/2, người đứng đầu Nhóm An ninh Quốc gia thuộc Quỹ Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Lâm Uất Phương cho rằng Eo biển Đài Loan thực sự đang có nguy cơ xảy ra chiến tranh. Trong tư duy của ĐCSTQ, sau Ma Cao, Hồng Kông, Đài Loan là “lãnh thổ” ắt phải lấy lại. Ông nói thẳng ĐCSTQ đã bắt đầu thực thi chiến lược tác chiến của họ đối với Đài Loan, không nên đánh giá thấp tỷ lệ bất ngờ xảy ra xung đột máy bay và tàu thuyền ở hai bờ eo biển.

Ông Lâm đề cập, có 380 lần xuất kích của các loại máy bay quân sự Trung Quốc trên vùng trời phía tây nam Đài Loan vào năm 2020, nhưng có tới 121 lần xuất kích trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2021 đến ngày 23/2/2021.

Trao đổi với Vision Times tiếng Trung mới đây, nhà tư bản công nghiệp Hồng Kông Viên Cung Di cho rằng ông Tập Cận Bình chưa hẳn công chiếm Đài Loan, nhưng sẽ khiêu khích ở vùng biển Đài Loan. Đằng sau điều này còn có một tầng nguyên nhân, kinh tế Trung Quốc đi xuống, ông Tập Cận Bình hy vọng ông Joe Biden hủy bỏ chế tài kinh tế của ông Trump đối với Trung Quốc, do đó nóng lòng gây ra tranh chấp để buộc Mỹ ngồi lại đàm phán cùng ĐCSTQ. Ngoài ra, ông Tập còn cho rằng chính quyền ông Biden là chính quyền mềm yếu, không dám đối đầu với ĐCSTQ, do đó ĐCSTQ mới tỏ ra mạnh mẽ.

Gia Huy

Xem thêm: