Bắc Kinh đang muốn Ấn Độ tái khẳng định chính sách ‘một Trung Quốc’ khi nước này tìm cách tăng cường sự ủng hộ trong khu vực sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới Đài Loan.

“Chúng tôi hy vọng rằng phía Ấn Độ có thể công khai khẳng định lại chính sách ‘một Trung Quốc’ của mình giống như nhiều quốc gia khác”, Sun Weidong, đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ, cho biết trong một bài đăng trên trang web của đại sứ quán.

“Nguyên tắc ‘một Trung Quốc’ là nền tảng chính trị của quan hệ Trung Quốc – Ấn Độ”, ông nói trong một cuộc họp giao ban ở New Delhi hôm thứ Bảy. Ông cho biết, hơn 170 quốc gia và tổ chức quốc tế đã tái khẳng định cam kết của họ đối với nguyên tắc này.

Ấn Độ nhìn chung tuân theo chính sách ‘một Trung Quốc’ và chỉ công nhận chính phủ ở Bắc Kinh, nhưng đã không đề cập đến điều này trong các tài liệu song phương hoặc trong các tuyên bố công khai trong một thời gian dài. Tình cảm của công chúng đối với Trung Quốc đã trở nên tồi tệ sau cuộc đụng độ biên giới chết người giữa hai nước láng giềng vào năm 2020, mức tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ.

Sự mơ hồ có chủ ý và thái độ miễn cưỡng khi khẳng định lại nguyên tắc đó của Ấn Độ đã khiến Trung Quốc sốt ruột. 

Arindam Bagchi, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cũng tránh đề cập đến chính sách này hôm thứ Sáu khi ông được hỏi về tình hình căng thẳng xung quanh Đài Loan: “Các chính sách liên quan của Ấn Độ đều được phổ biến rộng rãi và nhất quán.” Ấn Độ kêu gọi tất cả các bên thực hiện kiềm chế và tránh các hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng.

New Delhi đã ngừng đề cập đến chính sách này từ năm 2008 khi Bắc Kinh đưa ra một loạt tuyên bố yêu sách đối với tỉnh Arunachal Pradesh phía đông Ấn Độ và cấp thị thực “đóng ghim” cho một số cư dân Jammu và Kashmir.

Hôm thứ Bảy tuần trước, Quân đội Ấn Độ đã xác nhận kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận với Hoa Kỳ, cách Ranh giới Kiểm soát Thực tế (LAC), biên giới trên thực tế giữa Ấn Độ và khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc, chưa đầy 100km.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington gia tăng xung quanh Đài Loan, với việc Quân đội Giải phóng Nhân dân tiến hành các cuộc tập trận quân sự chưa từng có xung quanh hòn đảo để trả đũa cho chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi vào tuần trước.

Các cuộc tập trận Mỹ – Ấn sẽ được tổ chức vào giữa tháng 10 ở độ cao 3.048 mét ở Auli thuộc bang Uttarakhand của Ấn Độ và sẽ tập trung vào huấn luyện tác chiến tầm cao, truyền thông Ấn Độ dẫn lời một sĩ quan quân đội cấp cao cho biết.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc tuần trước đưa tin một lữ đoàn thuộc Quân khu Tây Tạng của PLA đã tổ chức một cuộc diễn tập phòng không bắn đạn thật.  Các hình ảnh cho thấy máy bay không người lái, súng phòng không và tên lửa được sử dụng ở khu vực địa hình đồi núi.

Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc cũng đưa tin rằng quân đội đã thực hành các biện pháp phòng thủ trước các cuộc tấn công từ trên không cũng như cách thức bảo vệ cho các mục tiêu quan trọng.

Báo cáo không nêu rõ địa điểm hoặc ngày chính xác của cuộc tập trận, chỉ nói rằng nó được tổ chức “gần đây tại một bãi tập ở độ cao 4.600 mét”.

Cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Ấn Độ, được gọi là “Yudh Abhyas”, bắt đầu vào năm 2002, là cuộc tập trận chung lớn nhất giữa hai nước. Địa điểm tập trận xen kẽ giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ.

Trong lần tập trận gần nhất vào tháng 10 năm 2021, quân đội hai nước đã tập trận ở vùng núi Alaska.

Trước đó, Tướng chỉ huy Thái Bình Dương của Lục quân Hoa Kỳ Charles Flynn cho biết cuộc tập trận Yudh Abhyas năm nay có “tác dụng răn đe trên khắp các khu vực” và là “một cách thức giá trị để hai bên thể hiện cam kết với nhau”.

Ấn Độ và Trung Quốc chia sẻ hàng nghìn km đường biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya và trong nhiều thập kỷ đã có các cuộc đụng độ và giao tranh quân sự dọc theo LAC, gần đây nhất là vào tháng 6 năm 2020, khi hơn 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Thung lũng Galwan.

Sau vụ việc, hai bên đã tăng cường xây dựng quân đội gần tiền tuyến và thường xuyên tổ chức các trò chơi chiến tranh.

Các chỉ huy quân đội hai bên đã kết thúc vòng 16 của cuộc đàm phán dai dẳng chưa có hồi kết về tình trạng bế tắc vào tháng trước, nhưng những khác biệt chính vẫn còn rất lâu nữa mới có thể được giải quyết. Hai bên chỉ đồng ý quản lý tình hình, duy trì hòa bình và tiếp tục đối thoại.

Ngân Hà (theo SCMP)