Trả lời yêu cầu bình luận của Dịch vụ Tin tức Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước, trong đó chỉ ra một số nhà phân tích nói rằng Canberra “không nên theo Mỹ một cách mù quáng”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm thứ Ba rằng các nước tấn công Trung Quốc một cách vô cớ sẽ phải gánh chịu hậu quả.

W020210707736150963242
Uông Văn Bân (Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

“Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào thu được lợi ích từ việc kinh doanh với Trung Quốc trong khi cáo buộc và bôi nhọ Trung Quốc một cách vô căn cứ và phá hoại lợi ích cốt lõi của Trung Quốc dựa trên ý thức hệ,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 6/7.

Trung Quốc và Australia đã mâu thuẫn với nhau kể từ tháng 4 năm 2020, khi Australia thúc đẩy một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus corona. Trung Quốc đã trả đũa bằng cách áp đặt một loạt lệnh cấm không chính thức đối với một số sản phẩm, bao gồm than đá, tôm hùm, bông và đường của Australia.

Bộ trưởng Tài chính Australia kiêm Phó lãnh đạo Đảng Tự do cầm quyền, Josh Frydenberg, hôm thứ Tư cho biết Trung Quốc vẫn là một “đối tác kinh tế rất quan trọng” bất chấp quan hệ căng thẳng. Tuy nhiên, ông nói với các phóng viên rằng đất nước của ông sẽ “không đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu.”

“Chúng tôi sẽ đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, và điều đó có nghĩa là phải đứng lên với ý thức rất rõ ràng và nhất quán để bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng tôi”, ông Frydenberg nói.

Ông Frydenberg cho biết Australia đã bảo vệ lợi ích quốc gia của mình bằng cách cấm gã khổng lồ truyền thông Trung Quốc Huawei tham gia vào mạng 5G của đất nước, cấm can thiệp bí mật của nước ngoài vào chính trị trong nước và hủy bỏ các thỏa thuận do chính quyền bang Victoria thực hiện theo sáng kiến ​​cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Cá nhân công Frydenberg cũng đã chặn các đơn xin đầu tư của Trung Quốc vào Australia vì lợi ích quốc gia, nói rằng chúng “không theo đuổi các mục tiêu thương mại mà cho các mục tiêu chiến lược” của Bắc Kinh.

Phát biểu của ông Frydenberg được đưa ra sau khi điều phối viên Nhà Trắng về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, Kurt Campbell, nói rằng cách Trung Quốc tiếp cận với Australia rất “ngắc nghiệt” và “không nhân nhượng.” 

Australia đã bị Trung Quốc liệt vào dạng “đối xử đặc biệt” thông qua lệnh cấm các cuộc tiếp xúc giữa các bộ trưởng trong chính phủ.

Ông Campbell cho biết Trung Quốc dường như đã cố gắng “loại bỏ Australia và cố gắng xem liệu họ có thể ảnh hưởng đến Australia để thay đổi hoàn toàn cách Canberra nhìn nhận về Bắc Kinh hay không.” 

Ông Campbell cho biết Mỹ sẽ không để Australia “rời sân”. “Điều đó sẽ không xảy ra,” ông nói. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã bác bỏ nhận xét của ông Campbell về chính sách của Trung Quốc đối với Australia và phủ nhận Bắc Kinh đang can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.

“Trung Quốc hoan nghênh tất cả các đề xuất mang tính xây dựng và những lời chỉ trích có thiện chí, nhưng sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ sự trịch thượng, thuyết giảng hay lên lớp nào và sẽ kiên quyết đi theo con đường của riêng mình”, ông Uông nói.

Ông Uông cũng cáo buộc ông Frydenberg “thổi phồng ‘thuyết Trung Quốc đe dọa’ và đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm vì lợi ích chính trị của riêng mình.”

Những thiệt hại kinh tế mà Australia phải gánh chịu đã làm dấy lên lo ngại giữa các đồng minh phương Tây như Mỹ và Anh.

Tuần trước, các chính trị gia bảo thủ của Anh và một nhóm vận động hành lang công nghiệp của Mỹ đã kêu gọi thành lập một “NATO cho thương mại” để chống lại các hành động kinh tế của Trung Quốc đối với các nước thành viên.

Đề xuất kêu gọi các quốc gia dân chủ thành lập một liên minh dựa trên thương mại dọc theo chiến tuyến của nhóm quân sự Bắc Đại Tây Dương được thành lập để chống lại Liên Xô vào năm 1949. Theo quy tắc của NATO, các thành viên đồng ý bảo vệ lẫn nhau nếu họ bị tấn công.

Tương tự, một “NATO cho thương mại” có thể cho phép các thành viên trả đũa Trung Quốc, chẳng hạn như bằng cách hạn chế nhập khẩu của các công ty Trung Quốc nếu Bắc Kinh đưa vào danh sách đen bất kỳ thành viên nào của nhóm.

Nhưng liệu việc này có hữu dụng hay không vẫn là một vấn đề còn nhiều tranh cãi.

Bryan Mercurio, giáo sư luật thương mại quốc tế tại Đại học Hong Kong, nói với tờ SCMP rằng: “Ý tưởng rằng các chính phủ sẽ thành lập một liên minh giống như NATO để chống lại các biện pháp thương mại của Trung Quốc chỉ là tưởng tượng.”

“Không chỉ các thành viên trong nhóm có lợi ích trong nước khác nhau, không ai trong số họ được nhà nước lãnh đạo về mô hình tăng trưởng kinh tế… Thực sự sẽ là một chính phủ dũng cảm khi nói với nông dân hoặc các nhà xuất khẩu khác rằng họ không thể kiếm sống bằng cách bán hàng đến Trung Quốc do một số hình thức đoàn kết mới giữa các quốc gia cùng chí hướng,” ông nói.

Nhật Minh (theo Newsweek, SCMP)

Xem thêm: