Sri Lanka, quốc gia thân Bắc Kinh về mặt chính trị và tích cực trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, đã rơi vào bẫy nợ và tuyên bố phá sản vào tháng Bảy. Giờ đây, Bắc Kinh muốn giúp đỡ Nepal và xây dựng một tuyến đường sắt xuyên dãy Himalaya qua Tây Tạng.

Lhakpa La Pass scaled
Đèo Lhakpa La trên tuyến đường Hữu Nghị Trung Quốc – Nepal (Ảnh: Wikimedia)

Ngày 11/8, theo báo Ấn Độ “Business Today”, sau khi nền kinh tế của Sri Lanka sụp đổ, kế hoạch “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc gặp phải sóng gió lớn ở Nam Á, và gần đây đã bắt đầu điều chỉnh kế hoạch.

Sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nepal, ông Narayan Khadka, tại thành phố Thanh Đảo, thành phố ở miền đông Trung Quốc, đã hứa cung cấp cho Nepal 118 triệu USD viện trợ và tuyên bố rằng 98% các mặt hàng có thuế của Nepal sẽ được áp dụng mức thuế quan bằng 0, và có hiệu lực từ ngày 1/9.

Đồng thời, ông Vương Nghị cũng tuyên bố tài trợ cho việc nghiên cứu tính khả thi của tuyến đường sắt xuyên biên giới Trung Quốc – Nepal vượt dãy Himalaya qua Tây Tạng. Nhưng các chuyên gia đã bày tỏ lo ngại rằng dự án này có thể tàn phá các hệ sinh thái vốn rất mong manh.

“Business Today” tin rằng việc Trung Quốc nhượng bộ Nepal là do Thủ tướng hiện tại, ông Sher Bahadur Deuba đã kế nhiệm Thủ tướng KP Sharma Oli thân Bắc Kinh vào năm ngoái. Kể từ đó, Nepal đã áp dụng chính sách đối ngoại cân bằng, tăng cường quan hệ với Ấn Độ và Mỹ.

Sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi khiến Bắc Kinh tức giận, các nhà chức trách ở Bắc Kinh đang tìm kiếm sự ủng hộ vững chắc từ bạn bè và đồng minh cho chính sách Đài Loan của họ.

Nepal cũng muốn Trung Quốc thực hiện dự án Vành đai và Con đường trị giá hàng tỷ USD, vốn đã đình trệ như các dự án của Trung Quốc ở Sri Lanka và Pakistan trong những năm gần đây. Nhưng độc giả lại bình luận rằng Nepal sẽ là quốc gia tiếp theo dính bẫy nợ.

(Nội dung tweet: “Theo tạp chí “Business Today” của Ấn Độ cho biết, Trung Quốc sẽ chi 118 triệu USD để viện trợ cho Nepal, đồng thời hứa sẽ thúc đẩy dự án Vành đai và Con đường, cũng như xây dựng tuyến đường sắt Himalayan qua Tây Tạng.”)

Trong cuộc họp các bộ trưởng tài chính G20 của Indonesia vào tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, bà Janet Yellen, đã đưa ra lời kêu gọi, thúc giục Trung Quốc tham gia vào quá trình tái cơ cấu nợ của Sri Lanka. Bà cho rằng làm như vậy sẽ phù hợp với lợi ích của cả Trung Quốc và Sri Lanka.

Bà Yellen cũng bày tỏ hy vọng rằng các nước thành viên G20 khác sẽ gây áp lực lên Bắc Kinh, nhằm cung cấp nhiều sự hợp tác hơn nữa trong việc tái cơ cấu nợ của Sri Lanka.

Thủ tướng Sri Lanka, ông Ranil Wickremesinghe, tuyên bố “phá sản quốc gia” trước Quốc hội vào ngày 5/7.

Ông Wickremesinghe nói với Quốc hội rằng các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rất khó khăn, vì Sri Lanka hiện là một quốc gia phá sản, chứ không phải một quốc gia đang phát triển, năm 2023 sẽ rất đau đớn và có thể sẽ không khá hơn cho đến năm 2024.

Sri Lanka là một phần chính của dự án ​​”Vành đai và Con đường” do chính quyền Bắc Kinh thúc đẩy. Trung Quốc đã tích cực ký hợp đồng với các dự án xây dựng khác nhau ở Sri Lanka và cung cấp các khoản vay lớn.

Sri Lanka, một quốc đảo chỉ có 22 triệu dân, đang gánh khoản nợ khổng lồ 51 tỷ USD. Nợ Trung Quốc chiếm khoảng 10%, nhưng một số chuyên gia ước tính con số thực tế có thể còn cao gấp đôi. Số liệu thống kê sơ bộ từ VOA cho thấy, 11 tỷ USD là khoản vay cho dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Chính phủ Sri Lanka đã cho China Merchants Group thuê cảng Hambantota trong 99 năm để trả nợ và cảng này chỉ cách tuyến đường biển chính từ Á sang Âu từ 6 đến 10 hải lý.

Nhiều kênh truyền thông Trung Quốc đã đăng tải các bài báo kêu gọi việc kiểm soát cảng Colombo như một khoản bồi thường, thậm chí nhiều bài báo còn kêu gọi cảng Colombo noi gương cảng Djibouti ở Đông Phi, chuyển giao quyền xây dựng căn cứ quân sự của cảng này cho Trung Quốc để trả nợ.

Nhiều người chỉ trích cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính và chính trị hiện nay được thúc đẩy bởi một lượng lớn các khoản cho vay mà Bắc Kinh mở rộng cho Sri Lanka.

Như đã đưa tin trước đó của VOA, bà Gulbin Sultana, một nhà nghiên cứu liên kết tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ, tin rằng Bắc Kinh muốn lợi dụng việc Sri Lanka không có khả năng trả nợ đúng hạn, và đang chờ đợi một thời cơ tốt, nhằm đạt được việc hoán đổi nợ lấy vốn cổ phần và mua đất ở Sri Lanka.

Một cuộc trao đổi như vậy sẽ chuyển các khoản vay trong quá khứ thành vốn chủ sở hữu, mang lại cho chính quyền Bắc Kinh quyền sở hữu các dự án ở Sri Lanka.

Bình Minh (t/h)