Trong bối cảnh Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 bị phương Tây tẩy chay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thuê những người ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) phương Tây nhằm hy vọng cải thiện tình hình.

Nhìn lại thảm kịch nhân quyền đằng sau Olympic Bắc Kinh 2008
(Ảnh: Wirestock Creators, Shutterstock)

Tờ Guardian đưa tin, Tổng lãnh sự quán ĐCSTQ tại New York đã ký một hợp đồng trị giá 300.000 USD với Vippi Media thuộc sở hữu của Vipinder Jaswal – một cộng tác viên của Newsweek từng là quản lý cấp cao của Fox News và ngân hàng HSBC. Theo lời tự giới thiệu trên trang web cá nhân của ông Vipp Jaswal, người sáng lập Vippi Media, ông Vipp là một cựu nhà đàm phán con tin, Giám đốc điều hành của một công ty tư vấn trí tuệ giữa các cá nhân, một chuyên gia viết báo cho Newsweek và là một cựu MC phát thanh quốc gia. Ông nói rằng ông có 30 năm kinh nghiệm quốc tế trong quản lý cấp cao của các công ty nằm trong danh sách Fortune 500 về lĩnh vực truyền thông và tài chính, sự nghiệp của ông “trải dài khắp 7 quốc gia trên 3 châu lục”.

Theo hợp đồng, Jaswal sẽ giúp ĐCSTQ phát động tấn công trên mạng xã hội, thuê số lượng lớn những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội phương Tây thực hiện các chương trình trên TikTok, Instagram và Twitch để quảng bá Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh và Paralympic (Thế vận hội người khuyết tật) sau đó.

Bài viết cho biết trước thềm Thế vận hội Mùa đông 2022, ĐCSTQ đang chuyển sang mời những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để giúp cải thiện hình ảnh bị tổn hại của họ.

Hợp đồng này được đăng ký với Bộ Tư pháp Mỹ, bắt đầu vào tháng 11/2021 và kết thúc với Thế vận hội Mùa đông vào tháng 3/2022. Theo hợp đồng, Jaswal nhận được khoản thanh toán trước 210.000 USD ngay sau khi ký kết thỏa thuận.

Hợp đồng đưa ra một chiến lược truyền thông xã hội chi tiết, theo đó những người có ảnh hưởng phương Tây sẽ sản xuất từ ​​3 – 5 chương trình cho khán giả mục tiêu của họ. Dựa theo số lượng người theo dõi và hoạt động của nền tảng, những người có ảnh hưởng được chia thành ba cấp: người ảnh hưởng lớn, người ảnh hưởng trung bình, và người ảnh hưởng nhỏ.

Theo hợp đồng, ĐCSTQ yêu cầu 70% nội dung tuyên truyền liên quan đến văn hóa (làm nổi bật lịch sử, di tích văn hóa và cuộc sống hiện đại của Bắc Kinh), 20% liên quan đến “hợp tác tốt đẹp” trong quan hệ Mỹ – Trung, và 10% nội dung còn lại sẽ liên quan đến các tin tức và xu hướng chung của lãnh sự quán.

Jaswal nói với Guardian rằng công ty của ông ta đã nhận được lời đề nghị hợp tác từ khoảng 50 người có ảnh hưởng, bao gồm cả các cựu vận động viên Olympic và các doanh nhân. Theo hợp đồng, Jaswal có kế hoạch cung cấp 3,4 triệu lần tuyên truyền tích cực về ĐCSTQ trên các nền tảng mạng xã hội mà những người trẻ tuổi thường xuyên sử dụng.

Việc ký kết hợp đồng vào năm ngoái diễn ra khi vào tháng 12 các quan chức Mỹ, Anh, Canada và Úc tuyên bố “tẩy chay ngoại giao” đối với Thế vận hội tại Bắc Kinh vì cáo buộc ĐCSTQ vi phạm nhân quyền.

Ngay trước thềm Olympic Bắc Kinh, chính quyền này đã tuyên án nặng 11 học viên Pháp Luân Công, trong đó bản án cao nhất lên đến 8 năm tù vì tội cung cấp thông tin dịch bệnh tại Trung Quốc cho báo Epoch Times.

Đầu tháng này, Thượng nghị sĩ Rick Scott của bang Florida đã gửi thư cho Newsweek (nơi cộng tác của Jaswal) lên án việc Jaswal hợp tác với ĐCSTQ, qua đó yêu cầu tờ báo này nên xem xét lại quan hệ công việc của họ với Jaswal.

Theo Open Secrets – một tổ chức có trụ sở tại Washington chuyên theo dõi nguồn tài trợ chính trị của Mỹ cho biết, hơn 10 năm qua ĐCSTQ đã không tiếc tiền chi tiêu cho hoạt động tuyên truyền ở bên ngoài, riêng hoạt động tuyên truyền hình ảnh của họ tại Mỹ gần đây như trong năm 2020 chi gần 60 triệu USD và năm 2021 chi 23 triệu USD.

Mộc Vệ (t/h)

Xem thêm: