Ngày 12/7/2019, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã có bài phát biểu tại Đại học Columbia, thành phố New York trong 4 ngày “quá cảnh” tại Mỹ trong chuyến đi tìm kiếm sự ủng hộ cho Đài Loan ở vùng Caribe.

>> Tổng thống Đài Loan tới Mỹ, bất chấp Trung Quốc phản đối

ece138cb 41ee 4492 b731 097aae918f74
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trong buổi nói chuyện tại ĐH Columbia, NY ngày 12/7/2019 (Ảnh: President.gov.tw)

Dưới đây là nội dung bài phát biểu:

“Được mời tới phát biểu ở đây, nơi tiên phong về tự do ngôn luận và sự đa dạng là một vinh hạnh lớn lao.

Tôi tốt nghiệp trường Luật Cornell vào năm 1980, và tôi phải nói rằng, trở lại khuôn viên một trường đại học ở New York mang lại cho tôi nhiều hoài niệm. Mặc dù tôi chắc rằng nhiều người sẽ nói bất kỳ khuôn viên nào bên ngoài Thành phố New York không thực sự là một phần của New York.

Tuy nhiên, tôi đã thực sự sống ở thành phố này vào mùa hè năm 1979, khi tôi đang làm công việc nghiên cứu cho một giáo sư tại Viện Đông Á của Đại học Columbia. Sau đó, tôi đã vượt qua kỳ thi vào luật sư đoàn ở New York và thỉnh thoảng có ghé thăm thành phố, đôi lúc trên đường đến Washington DC để đàm phán thương mại.

Cuộc sống ở New York vào những năm 1980 đã mở mắt cho một sinh viên luật trẻ đến từ một Đài Loan không hoàn toàn dân chủ. Sự đa dạng và quan điểm khác nhau cùng tồn tại là những chuẩn mực tôi đã thấy tại thành phố này, và đứng tại đây ngày hôm nay, tôi vui mừng khi nhận thấy điều đó không thay đổi.

Hôm nay, câu chuyện về “sự thay đổi” chính là điều tôi muốn nói tại đây. Đó là câu chuyện của Đài Loan. Đó là câu chuyện về con đường một hòn đảo bên ngoài Trung Quốc đại lục xác định lại tiến trình dân chủ hoá, và nêu lên tấm gương cho thế giới về quá trình tiến tới nền dân chủ.  

Trong những ngày đầu của quá trình chuyển đổi chính trị, một số người cho rằng nền dân chủ không thể tồn tại dưới cái bóng của Trung Quốc. Thế nhưng Đài Loan hôm nay là nơi có một xã hội dân chủ và một hệ thống chính trị vững mạnh.

Nhiều người còn nói rằng một hòn đảo nghèo tài nguyên với vỏn vẹn 23 triệu dân thì làm sao xây được một nền kinh tế lớn. Vậy mà chúng tôi hiện là đối tác thương mại lớn thứ 11 của Hoa Kỳ.

Một số người nói rằng các giá trị tiến bộ không thể bén rễ trong xã hội Đông Á. Tuy nhiên, tôi đứng đây trước các bạn với tư cách là Tổng thống nữ đầu tiên của Đài Loan, và năm nay chúng tôi là quốc gia đầu tiên ở châu Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.

Nói tóm lại, câu chuyện của Đài Loan là một trong những thành công dường như không thể xảy ra. Nhiều người gọi Đài Loan là “phép màu dân chủ”, nhưng tôi không tin vào phép màu.

Tôi tin vào ý chí của người dân, và tầm nhìn của họ về một thế giới tốt đẹp hơn.

Giống như Hoa Kỳ, con đường tiến lên dân chủ của chúng tôi cũng đã được lát bằng máu, mồ hôi và nước mắt của những người đi trước. Giờ đây đến lượt thế hệ chúng tôi phải gánh vác trọng trách này, tiếp tục mang ngọn đuốc thắp sáng đường cho các quốc gia vẫn đang trên hành trình đi tới dân chủ.

Đó là một trọng trách lớn, và con đường chúng tôi đang trải qua không phải là một điều dễ dàng. Bởi vì những thách thức mà nền dân chủ của Đài Loan hiện đang phải đối mặt hoàn toàn khác với những thách thức mà chúng tôi đã vượt qua trong những thập kỷ trước.

Đó cũng là những thách thức mà tất cả các nền dân chủ trên thế giới trong thế kỷ 21 phải đối mặt. Tại sao như vậy? Bởi vì nền tự do trên thế giới đang đứng trước sự đe dọa hơn bao giờ hết.

Chúng ta đang thấy mối đe dọa đó đang diễn ra ngay tại Hồng Kông. Tiếng nói của họ không được lắng nghe, vì vậy giới trẻ đã xuống đường để đấu tranh cho các quyền tự do dân chủ của họ. Và người dân Đài Loan chúng tôi luôn sát cánh cùng họ.

Kinh nghiệm của Hồng Kông dưới cái gọi là “một quốc gia, hai chế độ” đã cho thế giới thấy rõ rằng độc tài không thể nào cùng tồn tại với dân chủ.

Khi có cơ hội, chế độ độc tài sẽ tìm mọi cách bóp chết những tia sáng dân chủ dù là le lói nhất. Đó là một quá trình diễn ra hết sức từ từ và khó nhận thấy.  

Hãy tưởng tượng: Khi chế độ độc tài ngày càng xâm lấn vào cuộc sống hàng ngày, bỗng nhiên một ngày việc bạn bán một cuốn sách nào đó trong cửa hàng của mình là bất hợp pháp, bỗng nhiên bạn bị thẩm vấn vì một bài đăng trên mạng xã hội phê phán chính sách của nhà nước. Và trước khi bạn nhận ra điều này, mọi di chuyển của bạn đều bị một lực lượng vô hình kiểm soát. 

Bạn bắt đầu kiểm duyệt lời nói và suy nghĩ của chính bạn. Bạn không dám thảo luận về các sự kiện hiện tại với bạn bè vì sợ bị nghe lén. Bạn dành nhiều thời gian để cảnh giác hơn là nghĩ về tương lai.

1093c317 8797 49e5 a5ff 764fe3df2514
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trong buổi nói chuyện tại ĐH Columbia, NY ngày 12/7/2019 (Ảnh: President.gov.tw)

Từ giảng đường Đại học Columbia này, những gì tôi đang mô tả có thể giống như một tương lai không thể.

Nhưng trên thực tế, tình cảnh này đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta. Đó là lý do tại sao, hơn bao giờ hết, câu chuyện của Đài Loan phải được cả thế giới lắng nghe.

Câu chuyện của chúng tôi là câu chuyện về sự kiên trì, sự quyết tâm với mục tiêu dân chủ, sẵn sàng vượt qua mọi trở lực.

Đó là câu chuyện tại sao các giá trị vẫn còn quan trọng. Sự khác biệt về văn hóa và chính trị giữa hai bờ eo biển Đài Loan ngày càng sâu sắc hơn; và mỗi ngày mà Đài Loan lựa chọn tự do ngôn luận, nhân quyền, pháp quyền, là một ngày mà chúng tôi rời xa hơn khỏi những ảnh hưởng của độc tài toàn trị.

Câu chuyện của chúng tôi, chính sự tồn tại của chúng tôi, sẽ đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh cho thế giới rằng dân chủ là tài sản quý giá nhất của chúng ta. Chúng ta phải bảo vệ nó bằng mọi giá.

Ngày qua ngày, Đài Loan đứng trên tiền tuyến của nền dân chủ, đối mặt với những mối đe dọa mới từ kỷ nguyên công nghệ thông tin. Nhưng chúng tôi không đơn độc.

Trên thực tế, các quốc gia trên thế giới hiện nay, dù lớn dù nhỏ, đều đang phải chống lại sự xâm nhập trong cuộc chiến tranh kiểu mới về nhận thức từng ngày. 

Các chính phủ độc tài luôn tìm cách khai thác các quyền tự do ngôn luận đặc thù của xã hội dân chủ để gieo rắc bất đồng giữa chúng ta. Họ hy vọng khiến chúng ta đặt câu hỏi về hệ thống chính trị của mình và mất niềm tin vào nền dân chủ.

Đài Loan đã ở trên tuyến đầu của trận chiến này trong nhiều năm, và chúng tôi có rất nhiều kinh nghiệm để chia sẻ với thế giới.

Trong thời đại kỹ thuật số, thông tin sai lệch có thể được biến hoá trở thành sự thật chỉ trong vài giờ. Nhưng thách thức lớn nhất trong việc chống lại mối đe dọa này là chúng ta phải tìm ra được sự cân bằng giữa an ninh quốc gia và tự do ngôn luận.

Ở Đài Loan, chúng tôi đã thực hiện bước đầu, coi vấn đề này là chính sách ưu tiên.

Chúng tôi đã củng cố khung pháp lý để xác định và ngăn chặn sự lây lan của thông tin sai lệch. Chúng tôi đang ngăn chặn việc rò rỉ thông tin tình báo gây ra bởi các lực lượng bên ngoài.

Và với việc chia sẻ thông tin tình báo mạnh mẽ hơn với các quốc gia khác, chúng tôi sẽ có thể làm nhiều hơn nữa để giảm thiểu mối đe dọa này.

Nhưng nền dân chủ cũng phải đối mặt với những thách thức khác, đặc biệt là dưới hình thức lôi kéo kinh tế với các điều kiện ngầm kèm theo.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang được yêu cầu lựa chọn giữa dân chủ và phát triển kinh tế, và dường như để lựa chọn đúng đắn đang trở nên ngày càng khó khăn hơn.

Tuy nhiên, khi nào tôi còn ở cương vị Tổng thống, Đài Loan sẽ tiếp tục cho thế giới thấy rằng dân chủ và tăng trưởng kinh tế không chỉ mang lại lợi ích chung, mà chúng còn hòa quyện vào nhau.

Nền kinh tế của chúng tôi đã từng chịu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, việc này đã hạn chế quyền tự chủ của chúng tôi trong các vấn đề xuyên eo biển. Trung Quốc đã khai thác sự phụ thuộc này, lấy nó làm phương tiện để thâm nhập vào xã hội của chúng tôi, đòi chúng tôi phải lấy nền dân chủ của mình ra đánh đổi. 

Nhưng Đài Loan đã quyết tâm mở ra một con đường mới để phát triển kinh tế. Và dân chủ là gì nếu không phải là một thị trường cho sự sáng tạo và ý tưởng mới?

Chúng tôi đặt mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế, tạo ra một môi trường thân thiện với đầu tư, nhờ đó đã đạt được con số kỷ lục các công ty Đài Loan trở về nước. Đồng thời, các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty lớn, cũng đang mở rộng hoạt động tại Đài Loan.

Chỉ riêng trong năm nay, họ đã đầu tư hàng tỷ đô la Mỹ vào nền kinh tế của chúng tôi và tạo ra hàng chục ngàn việc làm. Và dòng đầu tư sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới.

Chúng tôi đã làm việc không mệt mỏi để đóng vai trò tích cực xây dựng trật tự thương mại trong khu vực dựa trên các quy định pháp luật, và phát triển mối quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn với thị trường Nam Á và Đông Nam Á.

Chính sách mới hướng về phía Nam của chúng tôi đã mang lại tăng trưởng thương mại vượt bậc trong khu vực trong ba năm qua, và quan trọng hơn, sự tăng trưởng đó là bền vững.

Khi các quốc gia trên thế giới trở thành nạn nhân của bẫy nợ, chúng tôi vẫn luôn duy trì cam kết hợp tác bền vững, nhấn mạnh sự phát triển cùng có lợi, và các quốc gia đối tác của chúng tôi ở Nam Á và Đông Nam Á là minh chứng cho sự có lợi của cả hai bên đó.

Trong khi Trung Quốc tập trung vào thủ đoạn cướp giật các đồng minh nhằm cô lập chúng tôi, chúng tôi vẫn kiên quyết thực hiện các dự án với mục tiêu làm sao cho cả hai bên đối tác đều phải trở thành các quốc gia tốt hơn cho đời sống người dân.

Ở nhiều nước trên thế giới, chúng tôi đang giúp xây dựng năng lực kinh tế và nền dân chủ, xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho thế kỷ 21 cùng cơ sở hạ tầng minh bạch về cấu trúc và công nghệ số. 

Một lần nữa, Đài Loan mang tới cho thế giới một hình mẫu cho sự phát triển mang tính xây dựng. Chúng tôi từ chối tham gia vào các hành vi “săn mồi”. Và chúng tôi đã chứng minh hết lần này đến lần khác rằng sự hợp tác trung thực và cởi mở mới tạo ra kết quả thực sự, lâu dài.

Chúng tôi đã có thể thích nghi thành công với những thách thức của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không phải vì chúng tôi bất chấp dân chủ, mà chính nhờ dân chủ nên chúng tôi mới làm được. Hệ thống dân chủ của chúng tôi làm cho chúng tôi cởi mở với các ý tưởng đa dạng và sáng tạo, khiến chúng tôi có sự linh hoạt để phá đi những khuôn mẫu đã lỗi thời.

Vì vậy, với tất cả những người đã hỏi tôi làm thế nào để đưa ra lựa chọn giữa dân chủ và tăng trưởng kinh tế, tôi nói rằng sự lựa chọn là rõ ràng: hai thứ đó không thể tách rời.

Lịch sử cho chúng ta thấy rằng các nền dân chủ sẽ mạnh nhất khi thống nhất hành động và yếu nhất khi bị chia rẽ.

Không có Đài Loan, liên minh quốc tế của các nước cùng chí hướng sẽ mất đi một kết nối quan trọng trong hoạt động để đảm bảo các giá trị của chúng ta được truyền lại cho thế hệ tiếp theo.

Đài Loan là một ví dụ hiếm hoi về một đất nước đã từng trải qua độc tài chuyên chế nay lại tiên phong cho dân chủ trong thời hiện đại. Đó là lý do tại sao hơn bao giờ hết cộng đồng quốc tế cần ủng hộ và hỗ trợ một Đài Loan tự do và dân chủ.

Sự sống còn của Đài Loan không phải chỉ trong mối quan hệ xuyên eo biển. Chúng tôi là một pháo đài quan trọng của nền dân chủ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và toàn bộ thế giới đang theo dõi chặt chẽ tiền lệ mà chúng tôi sẽ đặt ra cho tương lai của nền dân chủ.

Là thành viên của một cộng đồng toàn cầu gồm những quốc gia có cùng chí hướng, chúng tôi biết chúng tôi không đứng một mình.

Như Herbert Hoover đã nói, “Tự do là cánh cửa sổ mở ra đón ánh sáng mặt trời của tinh thần nhân văn và phẩm giá con người”.

Những thách thức đang ở phía trước chúng tôi không dễ dàng, nhưng có cộng đồng quốc tế đứng với chúng tôi, và Đài Loan sẽ đứng vững.

Cùng nhau, chúng ta sẽ làm cho ánh sáng của tinh thần ấy chiếu khắp mọi nơi trên thế giới, chỉ cần chúng ta chỉ mở cánh cửa sổ ấy và nhìn ra tương lai đang chờ đợi chúng ta.

Bảo Minh (lược dịch từ president.gov.tw)

Xem thêm: