Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross mới đây đã lên tiếng chỉ trích “thực thi thương mại xấu xa” của Trung Quốc đã gây ra mức thâm hụt thương mại kỷ lục của Washington với Bắc Kinh. Tuyên bố này của ông Ross diễn ra chỉ vài ngày trước khi ông và các thành viên cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ có chuyến công du Bắc Kinh đàm phán với những người đồng cấp nước chủ nhà nhằm ngăn chặn cuộc chiến toàn diện Mỹ – Trung về thuế quan.

Embed from Getty Images

Ông Wilbur Ross là phụ tá tin cậy của Tổng thống Donald Trump.

Trao đổi trên kênh CNBC hôm thứ Ba (1/5), ông Wilbur Ross cho hay: “Tổng thống Trump có quan điểm rằng bây giờ đã đến lúc hành động. Thâm hụt thương mại của chúng ta là quá lớn, quá liên tục, quá mãn tính và bắt nguồn từ thực thi [thương mại] xấu xa”.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ nói rằng ông cùng với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ lấy việc áp thuế nhập khẩu lên Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD – có thể có hiệu lực vào tháng tới – làm đòn bẩy để buộc Trung Quốc phải nhượng bộ.

Như Bộ Tài chính Mỹ đã công bố trước đây, mức thuế áp nêu trên là đánh vào các mặt hàng điện tử, cơ khí, cũng như các sản phẩm tự động hóa và hàng không vũ trụ của Trung Quốc. Việc áp đặt mức thuế này, phía Mỹ căn cứ theo một cuộc điều tra áp dụng Điều khoản 301 của Đạo luật Thương mại 1974, cáo buộc Trung Quốc thực thi các rào cản phi thương mại và đánh cắp sở hữu trí tuệ bằng việc đưa ra chính sách ép các công ty nước ngoài tại Trung Quốc phải chuyển giao tài sản trí tuệ cho các đối tác trong liên doanh của họ tại Trung Quốc.

Ngoài ra, Mỹ cũng đang áp đặt thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thép và nhôm, áp dụng theo cuộc điều tra theo Điều khoản 232 của Đạo luật Thương mại 1974. Việc áp đặt này là đối với tất cả các nước, nhưng thực tế Washington chủ yếu nhắm vào hàng thép và nhôm của Trung Quốc vì hiện tại chính phủ Trump đang miễn trừ cho các đồng minh của họ gồm Mexico, Canada và Hàn Quốc.

Tôi sẽ không đi cả quãng đường dài tới đó nếu tôi không nghĩ về việc có một vài hy vọng. Những yếu tố đã thay đổi là rằng chúng tôi có… [áp thuế] theo Điều khoản 301 liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ, đó là một khung tham chiếu khác biệt so với những gì chúng tôi đã có [trong các cuộc đàm phán] trước đây”, ông Ross nói.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết thêm rằng: “Nếu chúng tôi không đạt được giải pháp sau khi đã đàm phán, chúng tôi sẽ theo đuổi việc áp thuế theo Điều khoản 232 và áp đặt chúng, chúng tôi sẽ theo đuổi việc áp thuế theo Điều khoản 301 và áp đặt chúng. Do đó, bằng cách này hay cách khác, chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề thương mại định kỳ này với Trung Quốc”.

Trong phái đoàn Mỹ tới Trung Quốc vào thứ Năm (3/5), còn có cả ông Peter Navarro, cố vấn thương mại cấp cao của ông Trump, người có quan điểm cứng rắn chống lại Trung Quốc và ông Larry Kudlow – cố vấn kinh tế số một của Tổng thống Mỹ đương nhiệm.

Được biết, thời gian qua các quan chức chính phủ Trump đã kêu gọi phải giảm được 100 tỷ USD thâm hụt thương mại hàng năm với Trung Quốc và chính quyền Bắc Kinh cũng cần cắt giảm thuế quan áp vào mặt hàng ôtô nhập khẩu từ Mỹ và mở rộng thị trường hơn nữa. Năm ngoái, Mỹ thâm hụt 375 tỷ USD với Trung Quốc và trong 2 tháng đầu năm 2018, mức thâm hụt đã là 65,2 tỷ USD.

Triển vọng phía Trung Quốc sẽ nhượng bộ phái đoàn Mỹ trong cuộc hội đàm tại Bắc Kinh sắp tới là không cao. Tờ New York Times tuần này, trích dẫn theo một số quan chức chính quyền Trung Quốc giấu tên, cho hay phái đoàn đại diện của Trung Quốc có lẽ sẽ khồng đồng ý, hoặc thậm chí là không chấp nhận thảo luận về yêu cầu giảm thâm hụt thương mại 100 tỷ USD của ông Trump.

Thay vào đó, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thống đống Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc Dịch Cương đã cam kết sẽ thực hiện những thay đổi đáng kể về cách thức mà chế độ Bắc Kinh đối đãi với các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại thị trường Trung Quốc.

Tháng trước, ông Dịch đã nói rằng Trung Quốc sẽ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 51% cổ phần của các doanh nghiệp môi giới, các công ty tư vấn chiến lược thị trường và các công ty quản lý quỹ và nước này cũng sẽ cắt giảm quy định trần nắm giữ cổ phẩn của khối ngoại trong các doanh nghiệp ở các lĩnh vực nêu trên trong vòng 3 năm tới.

Đàm phán thương mại Trung – Mỹ là khó khăn. Nhưng các chuyên gia về chính sách cho biết hai bên sẽ cố gắng giải thích lập trường của nhau và để mở cơ hội giải quyết bất đồng qua ngoại giao nhằm tránh dẫn tới chiến tranh thương mại.

Ông Scott Kennedy, phó giám đốc của chương trình Nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế có trụ sở ở Washington trao đổi với tờ Hoa Nam Buổi Sáng (Hồng Kông) rằng: “Mỹ không muốn chiến tranh thương mại và chuyến công tác [Bắc Kinh] lần này là cơ hội để chính phủ Trump giải thích nhiều hơn về mối quan ngại của họ và những gì họ muốn Trung Quốc thực hiện để giải quyết có hiệu quả những quan ngại đó”.

Tôi không tin Trung Quốc muốn chiến tranh thương mại, nhưng dường như họ đang coi những phàn nàn của Mỹ xuất phát từ chính trị nội bộ Mỹ hoặc những quan ngại về địa chính trị, chứ không phải bắt nguồn từ bất cứ điều gì Trung Quốc đã làm sai. Chuyến công tác của [phái đoàn thương mại Mỹ] sẽ mang tới cơ hội gia tăng sự hiểu biết của phía Trung Quốc về các mối quan ngại của [Washington]”, ông Scott Kennedy giải thích thêm.

Ông Nicholas Platt, một nhà ngoại giao kỳ cựu, người đã từng thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ – Trung từ ngay sau năm 1949, cũng tin rằng không bên nào mong muốn tiến tới một cuộc chiến tranh thương mại. “Sẽ có những thay đổi khéo léo để không làm cho nó trông giống như việc một bên đang ban phát cho bên kia”, ông Nicholas Platt nói.

Với kinh nghiệm từng giữ vai trò Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và tháp tùng Tổng thống Richard Nixon trong chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc năm 1972, ông Nicholas Platt đưa ra nhận định rằng: “Thực tế mấu chốt là [lợi ích] của Trung Quốc và Mỹ đan chéo vào nhau tới mức mà không bên nào có thể làm tổn thương bên kia mà không gây hại cho chính mình. Đó là trạng thái của sự an toàn, của sự đảm bảo cùng thiệt hại”.

Trao đổi trong một sự kiện của Phòng Thương mại Mỹ tổ chức tại Washington ít giờ sau phát biểu của ông Ross, Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer đã đưa ra những tín hiệu nhiễu loạn khi nói rằng ông đã chuẩn bị xem xét lập trường của Trung Quốc, nhưng một vài sự thay đổi trong mối quan hệ thương mại song phương là cần thiết.

Tôi không có mục tiêu thay đổi hệ thống [thương mại] Trung Quốc. Đó là việc của họ… Nhưng tôi phải ở vị trí mà Mỹ có thể đối phó với nó [hệ thống thương mại Trung Quốc], nơi Mỹ không phải là nạn nhân của nó và đó là nơi vai trò của chúng tôi thuộc về”, Reuters dẫn lời ông Lighthizer phát biểu tại Washington.

Trong khi đó, Phòng Thương mại Mỹ – tổ chức đại diện cho khoảng 3 triệu doanh nghiệp sản xuất của Mỹ, trong đó có các công ty hàng đầu như Ford Motor, và gã khổng lồ công nghệ IBM – mặc dù có gia tăng thách thức liên quan tới chính sách và thực thi thương mại của Trung Quốc, nhưng cũng đã nhắc lại lời kêu gọi của họ rằng ông Ross và ông Lighthizer cần thận trọng trong cuộc họp sắp tới với các đối tác Trung Quốc.

Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Thomas Donohue nói trong sự kiện tại Washington rằng: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc rằng danh sách áp thuế đề xuất và việc leo thang các đe dọa áp thuế của chính phủ [Mỹ] sẽ không đạt được hiệu quả về mục tiêu thay đổi thực hành thương mại gây hại của Trung Quốc mà chúng ta cùng chung quan điểm”.

Thay vào đó, chúng tôi cần chính phủ [Trump] làm việc đoàn kết cùng ngành công nghiệp Mỹ, Quốc hội và các đối tác thương mại của chúng ta để giải quyết đầy đủ thực hành thương mại không công bằng của Trung Quốc theo cách tối đa hóa khả năng thực thi, các giải pháp có thể thực hiện và không gây tổn hại cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng liên quan”, ông Thomas Donohue nhấn mạnh.

Hùng Cường (Theo tờ Hoa Nam Buổi Sáng)

Xem thêm: