Theo ba cựu chuyên gia của Liên Hợp Quốc, các công ty ở Hoa Kỳ, châu Âu và châu Á đã và đang giúp quân đội Myanmar sản xuất vũ khí được sử dụng trong các hoạt động vi phạm nhân quyền.

Embed from Getty Images

Trong một báo cáo được công bố hôm thứ Hai (16/1), Hội đồng Cố vấn Đặc biệt về Myanmar (SAC-M) cáo buộc, các công ty từ 13 quốc gia, bao gồm Pháp, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Singapore và Hoa Kỳ, đã và đang cung cấp các nguồn cung quan trọng cho việc sản xuất vũ khí ở Myanmar.

Các chuyên gia cho biết sự hỗ trợ này bao gồm việc cung cấp giấy phép, nguyên liệu thô, phần mềm, phụ tùng và linh kiện.

Quân đội Myanmar đã lên nắm quyền sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ dân sự vào tháng 2/2021. Sau đó, quân đội Myanmar đã tiến hành một cuộc đàn áp đẫm máu đối với phe đối lập và những người phản đối cuộc đảo chính, dẫn đến các lệnh trừng phạt và cấm vận của quốc tế đối với chính quyền quân sự của nước này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhờ sự hỗ trợ của các công ty được đề cập trong báo cáo của SAC-M, quân đội Myanmar đã trở nên tự cung tự cấp phần lớn trong việc sản xuất nhiều loại vũ khí. Theo SAC-M, các vũ khí được sản xuất tại các nhà máy có tên gọi KaPaSa do Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (DDI) của quân đội Myanmar điều hành, bao gồm súng, đạn dược và mìn, và chúng đang được sử dụng chủ yếu để dập tắt phong trào phản kháng cuộc đảo chính.

Trong một thông báo, bà Yanghee Lee, cựu báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình hình nhân quyền ở Myanmar, chỉ trích: “Các công ty nước ngoài đang tạo điều kiện cho quân đội Myanmar, một trong những kẻ vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất thế giới, sản xuất nhiều loại vũ khí mà quân đội nước này sử dụng để thực hiện các hành vi tàn ác hàng ngày đối với người dân Myanmar.”

Bà Lee nhấn mạnh: “Các công ty nước ngoài và quốc gia sở tại của họ có trách nhiệm đạo đức và pháp lý để đảm bảo các sản phẩm của họ không tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm nhân quyền đối với thường dân ở Myanmar. Không làm như vậy sẽ khiến họ đồng lõa với tội ác man rợ của quân đội Myanmar.”

Báo cáo của SAC-M dựa trên nhiều nguồn, bao gồm các cuộc phỏng vấn với những người có liên quan đến quân đội Myanmar cũng như các tài liệu ngân sách bị rò rỉ của Bộ Quốc phòng Myanmar.

SAC-M phát hiện, các máy móc chính xác cao do các công ty ở Áo, Đức, Nhật Bản, Đài Loan và Hoa Kỳ sản xuất hiện được được quân đội Myanmar sử dụng tại các nhà máy sản xuất vũ khí của họ. Theo báo cáo, các thiết bị tự động này có các chức năng tiện, phay và mài đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất vũ khí.

Báo cáo còn cho biết, phần mềm để vận hành các máy móc này đang được các công ty đặt ở Pháp, Israel và Đức cung cấp.

Trong khi đó, Singapore có chức năng như một điểm trung chuyển chiến lược đối với một khối lượng lớn các mặt hàng, bao gồm một số loại nguyên liệu thô cần thiết cho việc sản xuất vũ khí của quân đội Myanmar. Báo cáo cũng nhận xét, Đài Loan được cho là đóng một vai trò quan trọng giúp quân đội Myanmar mua các máy móc chính xác cao.

Báo cáo cáo buộc, quân đội Myanmar cũng thường xuyên gửi các máy móc từ các nhà máy KaPaSa đến Đài Loan, nơi chúng được các kỹ thuật viên liên kết với các nhà sản xuất máy móc châu Âu bảo dưỡng sửa chữa, sau đó chúng được vận chuyển trở lại Myanmar.

Báo cáo cho hay, các công ty ở Trung Quốc, chẳng hạn như công ty China North Industries Group Corporation Limited thuộc sở hữu nhà nước, đóng vai trò chính trong việc hỗ trợ chính quyền quân sự Myanmar nhập khẩu các loại nguyên liệu thô được sử dụng để sản xuất vũ khí, trong khi đó các doanh nghiệp ở Ấn Độ đang giúp quân đội Myanmar nhập khẩu phụ tùng và linh kiện, như kính ngắm quang học được trang bị cho các vũ khí nhỏ, chẳng hạn như súng bắn tỉa. 

Luật sư Chris Sidoti của SAC-M, cựu thành viên trong phái đoàn quốc tế độc lập tìm hiểu thực tế về Myanmar của LHQ, kêu gọi: “Các quốc gia phải điều tra, và nếu cần, phải khởi xướng các thủ tục hành chính hoặc pháp lý đối với các công ty có sản phẩm mà chúng tôi đã xác định là giúp DDI sản xuất các loại vũ khí được quân đội Myanmar sử dụng trong các cuộc tấn công bừa bãi vào dân thường.”

Ông nhấn mạnh: “Các công ty nước ngoài thu lợi từ sự đau khổ của người dân Myanmar phải chịu trách nhiệm.”

Báo cáo cũng nêu chi tiết các trường hợp quân đội Myanmar sử dụng vũ khí sản xuất trong nước chống lại người dân Myanmar, chẳng hạn như các cuộc đàn áp đối với các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối cuộc đảo chính. SAC-M cảnh báo, các công ty tham gia vào việc cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho DDI có thể bị coi là đồng lõa trong các trường hợp này và đồng lõa với các hành vi tàn ác khác do lực lượng an ninh Myanmar thực hiện.

Luật sư vận động nhân quyền người Indonesia Marzuki Darusman của SAC-M lưu ý: “Quân đội Myanmar đã xây dựng một ngành công nghiệp sản xuất vũ khí mạnh mẽ giúp họ tự cung tự cấp phần lớn khả năng sản xuất vũ khí nhỏ, vũ khí hạng nhẹ và đạn dược mà họ sử dụng để đàn áp dã man người dân Myanmar.” 

Luật sư Darusman, cựu chủ tịch của phái đoàn quốc tế độc lập tìm hiểu thực tế về Myanmar của LHQ, nhận định: “Tuy nhiên, sự phụ thuộc của DDI vào các nguồn cung bên ngoài để duy trì việc sản xuất vũ khí của mình có nghĩa là họ vẫn dễ bị tổn thương trước áp lực bên ngoài.”

“Các quốc gia thành viên LHQ nên làm mọi thứ trong khả năng của mình để hạn chế quân đội Myanmar tiếp cận các nguồn cung đó nhằm bảo vệ người dân Myanmar, bao gồm cả việc áp dụng các lệnh trừng phạt nhắm mục tiêu vào KaPaSa, giới lãnh đạo và mạng lưới môi giới của họ.”

Gia Huy (Theo Al Jazeera)