Reuters đưa tin, Nga giam giữ ít nhất 6.000 trẻ em Ukraine, có thể còn nhiều hơn nữa, tại các địa điểm ở Crimea và các nơi khác do Nga kiểm soát, theo báo cáo đăng hôm Thứ Ba (ngày 14/2) của một nhóm nghiên cứu của Đại học Yale, và Nga có mục đích chủ yếu là cải tạo chính trị.

shutterstock 667399744
Đoàn nữ thanh niên yêu nước Nga duyệt binh năm 2017 (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Theo báo cáo của nhóm các nhà nghiên cứu của Đại học Yale, do Mỹ hậu thuẫn, ít nhất 43 trại và các cơ sở khác đã được xác minh là nơi đang giữ ít nhất 6.000 trẻ em Ukraine, và đó là một phần của “mạng lưới hệ thống quy mô lớn” do Moscow điều hành.

Ông Nathaniel Raymond, một trong những nhà nghiên cứu, cho biết trong một cuộc họp báo với các phóng viên: “Mục đích chính của các cơ sở trại mà chúng tôi đã xác định [trong báo cáo] dường như là để cải tạo chính trị.”

Báo cáo nêu rõ, một số trẻ em đã được chuyển qua hệ thống này sau đó được các gia đình Nga nhận nuôi hoặc chuyển đến cô nhi viện hoặc các cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng ở Nga.

Ông Raymond cho hay, đứa trẻ nhỏ nhất được xác định trong chương trình của Nga mới chỉ 4 tháng tuổi và có một số trại huấn luyện quân sự cho trẻ em ở độ tuổi 14. Ông nói rõ rằng các nhà nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng về việc những đứa trẻ sau đó đã được triển khai trong chiến đấu.

Đại sứ quán Nga tại Washington đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về báo cáo của nhóm.

Moscow đã phủ nhận việc cố ý nhắm mục tiêu vào dân thường trong cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, và đã bác bỏ những tuyên bố trước đây rằng họ đã cưỡng bức người Ukraine di chuyển.

Báo cáo này là báo cáo mới nhất do Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Nhân đạo của Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Yale thực hiện như một phần của dự án do Bộ Ngoại giao hậu thuẫn nhằm điều tra các cáo buộc do Ukraine đưa ra, tố cáo Nga vi phạm nhân quyền và gây tội ác chiến tranh ở Ukraine.

“Những gì được ghi lại trong báo cáo này là sự vi phạm rõ ràng Công ước Geneva lần thứ 4,” hiệp định bảo vệ dân thường trong thời chiến, ông Raymond nói. Ông nói rằng đó cũng có thể là bằng chứng cho thấy Nga đã phạm tội diệt chủng trong cuộc chiến ở Ukraine. Bởi vì việc chuyển giao trẻ em với mục đích thay đổi, cải biến hoặc xóa bỏ bản sắc dân tộc có thể được coi là cấu thành một hành vi tội ác diệt chủng.

Các công tố viên Ukraine thông báo, họ đang xem xét các cáo buộc buộc bắt giữ trẻ em như một phần trong nỗ lực xây dựng bản cáo trạng diệt chủng chống Nga.

“Mạng lưới này trải dài từ đầu này đến đầu kia của Nga,” Raymond nói, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng các nhà nghiên cứu tin rằng số cơ sở giam giữ trẻ em Ukraine nhiều hơn con số 43.

Hệ thống các trại và việc các gia đình Nga có trẻ em Ukraine bị bắt từ quê hương nhận làm con nuôi “dường như được ủy quyền và phối hợp ở các cấp cao nhất của chính phủ Nga,” báo cáo lưu ý, bắt đầu từ Tổng thống Vladimir Putin và mở rộng đến các quan chức địa phương. Trong báo cáo đã liệt kê những quan chức dính líu đến hoạt động này, với cấp cao nhất là ông Putin.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price chỉ ra rằng có thể có hành động nhắm vào 12 cá nhân, mà hiện vẫn chưa bị đưa vào danh sách trừng phạt của Hoa Kỳ.

“Chúng tôi luôn xem xét những cá nhân có thể chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh, về những hành động tàn bạo bên trong Ukraine,” ông nói. “Chỉ vì chúng tôi chưa xử phạt một cá nhân nào cho đến nay không nói lên điều gì về bất kỳ hành động nào trong tương lai mà chúng tôi có thể thực hiện.”

Nhật Tân (T/h)