Trong những năm gần đây, quan hệ Mỹ – Trung ngày càng trở nên căng thẳng và Mỹ đã không ngừng nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng. Báo cáo mới nhất cho thấy dưới tình hình này, đầu tư công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm 96%, xu hướng này cũng thúc đẩy các nước khác tăng tốc đầu tư, hy vọng đảm bảo tính độc lập của công nghệ và chuỗi cung ứng.

Báo cáo thường niên mới nhất của Bain & Company được công bố vào thứ Hai (ngày 20/9) cho thấy từ năm 2016 đến năm 2020, tổng đầu tư trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm từ 62 tỷ đô la Mỹ xuống còn 16 tỷ đô la Mỹ. Trong giai đoạn này, khoản đầu tư khoa học kỹ thuật giảm mạnh 96%.

Trong một tuyên bố mà Bain & Company gửi cho Epoch Times cho biết, xu hướng này “mang lại sự không chắc chắn cho các công ty công nghệ toàn cầu, yêu cầu quản lý cấp cao của các công ty công nghệ liên tục thích ứng.”

Theo dữ liệu từ Trung tâm Đầu tư Mỹ – Trung của Bain & Company, các lĩnh vực liên quan đến công nghệ, bất động sản và chăm sóc sức khỏe là những lĩnh vực mà đầu tư song phương giảm mạnh nhất

Công ty này cho rằng với cùng với việc Mỹ – Trung tách rời và tình trạng thiếu chip toàn cầu, các quốc gia lớn khác đang tăng cường đầu tư và củng cố tính độc lập của công nghệ và chuỗi cung ứng để đảm bảo kinh tế và an ninh quốc gia.

Bain & Company cho rằng xu hướng này sẽ mang lại một khuôn mẫu mới cho ngành công nghệ toàn cầu trong vài năm tới. Đồng thời nó cũng tạo thành một sự tương phản rõ ràng với chủ đề chính “làm thế nào để thâm nhập thị trường Trung Quốc” mà các quản lý cấp cao của các công ty công nghệ thảo luận cách đây vài năm.

Tháng 6 năm nay, Thượng viện Mỹ đã thông qua “Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Hoa Kỳ” năm 2021 (USICA) trị giá 250 tỷ USD. Đạo luật này nhằm giúp Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc trong các lĩnh vực chính. Giới truyền thông cho rằng dự luật cứng rắn đối với Trung Quốc này là hiện thân của “tình cảm nhất trí hiếm hoi” trong Quốc hội Mỹ mà lưỡng đảng đang “chia rẽ sâu sắc”.

Dự luật cung cấp 52 tỷ đô la Mỹ cho nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn trong nước và khoảng 81 tỷ đô la Mỹ đầu tư cho Quỹ Khoa học Quốc gia. Ngoài ra, dự luật cũng sẽ thành lập một cơ quan mới trong Quỹ Khoa học Quốc gia, được gọi là Cục Công nghệ và Đổi mới, cơ quan này sẽ tập trung vào việc phát triển các công nghệ mới và bồi dưỡng tài năng trong nước. Cơ quan này sẽ nhận được 29 tỷ USD tài trợ trong vòng 5 năm.

Theo đó, chi tiêu hàng năm cho nghiên cứu phát triển của ĐCSTQ vào năm 2020 đã tăng lên hơn 350 tỷ đô la Mỹ. ĐCSTQ cũng có kế hoạch đầu tư 1,4 nghìn tỷ đô la Mỹ vào trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn và mạng 5G trong vài năm tới.

Bain & Company cho biết trong báo cáo: “Các hành động gần đây của hai quốc gia cho thấy, tách rời sẽ trở thành một đặc trưng mang tính quyết định của bối cảnh công nghệ trong vài năm tới.”

Báo cáo chỉ ra, Hàn Quốc đã công bố khoản đầu tư 450 tỷ USD vào tháng 5, với hy vọng xây dựng mình thành cơ sở sản xuất chip lớn nhất thế giới vào năm 2030. Hồi tháng 3 năm nay, Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết đầu tư 150 tỷ đô la Mỹ vào “chủ quyền kỹ thuật số” (digital sovereignty), với mục tiêu tăng thị phần sản xuất chất bán dẫn của EU lên 20% tổng sản lượng của thế giới trước năm 2030.

Báo cáo cho rằng tương lai có nhiều bất ổn “rất lớn“, và kêu gọi các nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp hiểu rõ rủi ro địa chính trị, lập kế hoạch cẩn thận và đầu tư nhiều tài nguyên hơn nữa để thúc đẩy quan hệ chính phủ và các nhóm thương mại toàn cầu.

Đồng thời, do quy mô và tốc độ đầu tư vào “tách rời” trên khắp thế giới là chưa từng có, điều này đòi hỏi các công ty công nghệ phải liên tục cập nhật các chiến lược ngắn hạn và dài hạn.

Báo cáo cho biết: “Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy hình thành một liên minh để tạo ra một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc (ĐCSTQ)”. “Nếu thành công, việc này có thể sẽ hạn chế hoặc ngăn cản việc bán công nghệ quan trọng một cách dễ dàng cho Trung Quốc.”

Báo cáo chỉ ra, hiện chưa rõ liệu EU có sẵn sàng tham gia liên minh này hay không. Liệu EU sẽ thử tự lập hay tham gia vào liên minh chống ĐCSTQ do Mỹ đứng đầu, điều này vẫn cần được theo dõi thêm trong tương lai.

Trong hoàn cảnh đó, phương hướng tương lai của Đài Loan và mối quan hệ của Đài Loan với ĐCSTQ cũng trở thành trọng tâm của các công ty công nghệ trên toàn thế giới. Ngoại giới đặc biệt lo lắng về việc liệu Đài Loan có thể tiếp tục trở thành nhà cung cấp chất bán dẫn hàng đầu thế giới hay không.

Theo Diệp Tử Vi, Epoch Times

Xem thêm: