Ngày 10/12/2017, Hiệp hội Luật sư Quốc tế (International Bar Association) có trụ sở chính tại Luân Đôn (Anh) đã đưa ra bản Báo cáo Điều tra về Các nhà tù chính trị Bắc Triều Tiên, theo đó cho biết lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đảng Lao động Triều Tiên, Hội đồng Nhà nước và Bộ An ninh Quốc gia Bắc Triều Tiên cũng như giới quan chức nước này đã vi phạm 10/11 tội ác chống lại nhân loại theo Điều 7 Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế.

F63B9FF1 EF81 4AE9 9311
Trang bìa Báo cáo Điều tra Tù nhân chính trị Bắc Triều Tiên của của Hội Luật sư Quốc tế (Nguồn: VOA)

Theo Báo cáo, chính quyền Bắc Triều Tiên bị nghi ngờ đã phạm 10 tội sau đây: mưu sát, hủy diệt đồng loại, cưỡng bức nô dịch đồng loại, cưỡng ép di dân, bỏ tù, tra tấn, bạo lực tình dục, hãm hại, cưỡng ép người gây mất tích và gây đau khổ nghiêm trọng, gây tổn thương nghiêm trọng sức khỏe thể chất và tinh thần người khác.

Theo báo cáo, trong 11 tội ác chống lại nhân loại được quy định trong Quy chế Rome thì tội phân biệt chủng tộc không áp dụng cho Bắc Triều Tiên.

Báo cáo ước tính, từ khi vương triều họ Kim nắm quyền từ năm 1948 đến nay đã có hàng triệu người bị hại chết trong các trại tù chính trị của Bắc Triều Tiên, ước tính số người bị giam cầm trong các trại tập trung tại Bắc Triều Tiên hiện nay vào khoảng 80.000 – 130.000 người.

Các nhà điều tra thông qua bằng chứng hình ảnh vệ tinh và lời khai của các nhân chứng chạy thoát khỏi Bắc Triều Tiên đã liệt kê ra hàng chục tội ác khủng khiếp xảy ra trong các trại tập trung của Bắc Triều Tiên, trong đó bao gồm âm mưu giết người, hiếp dâm, cưỡng bức phá thai, bỏ đói, tra tấn, xử tử công khai và dày vò tinh thần.

Ngày 12/12/2017, bà Navanethem Pillay, cựu chuyên viên cấp cao nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã phát biểu tại một cuộc họp ở Washington rằng, Kim Jong-un và quan chức đảng Lao động Bắc Triều Tiên có thể bị truy cứu trách nhiệm.

Bà nói: “Theo lý thuyết trách nhiệm người lãnh đạo trong Công ước Geneva và Quy chế Rome, các nhà lãnh đạo cấp cao hơn mà không ngăn chặn hoặc trừng phạt đối với hành vi vi phạm nhân quyền của những thuộc cấp của họ thì bản thân họ cũng phải bị truy cứu trách nhiệm.”

Bà Pillay từng là thẩm phán của Tòa án Tối cao Nam Phi và thẩm phán của Toà án Hình sự Quốc tế Rwanda. Bà nói: “Kể từ khi cha ông Kim Jong-un là Kim Il-sung lên nắm quyền vào năm 1948, chưa từng có ai vì gây tội ác nghiêm trọng ở Bắc Triều Tiên mà bị đưa ra truy hỏi, nói gì đến chuyện kết án. Có thể nói, nền chính trị khủng bố này đã kéo dài gần 70 năm nhưng chưa bị bất cứ sự trừng phạt nào”.

Pillay nói tiếp: “Ngược lại, chính quyền phát xít kéo dài 12 năm, nhưng 70 năm sau sự sụp đổ của phát xít, cho dù đó là quan chức cấp cao hay giám ngục cấp thấp, cuối cùng đều đã bị trừng phạt trong quá trình truy cứu trách nhiệm giải trình trước nhân dân.”

Pillay nói rằng cộng đồng quốc tế cũng cần phải chịu trách nhiệm về thảm kịch chống lại loài người ở Bắc Triều Tiên. Bà nói: “Trong nhiều thập kỷ, cộng đồng quốc tế đã nhận thức được tội ác nghiêm trọng chống lại loài người trong các trại tù chính trị Bắc Triều Tiên, nhưng không có bất kỳ nỗ lực có ý nghĩa nào nhằm tìm kiếm công lý cho các nạn nhân bị chính quyền Bắc Triều Tiên bức hại.”

Bà nói: “Mặc dù báo cáo này nghiêm khắc lên án Kim Jong-un và chính quyền Bắc Triều Tiên, nhưng chúng tôi không quên rằng trong nhiều thập kỷ qua cộng đồng quốc tế đã thất bại trong việc trừng phạt chế độ này. Vì lý do này, tất cả chúng ta phải biết tự cảm thấy xấu hổ.”

Tuy đối tượng điều tra của báo cáo là các trại tù chính trị Bắc Triều Tiên, nhưng khi trả lời các câu hỏi tại buổi họp báo, bà Pillay thường đề cập đến cộng đồng quốc tế phản đối việc Trung Quốc cho hồi hương người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên.

Pillay nói: “Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã thu thập bằng chứng và công khai chỉ trích việc cưỡng bức hồi hương người tị nạn Bắc Triều Tiên ở Trung Quốc. Đây là hành vi vi phạm Công ước tị nạn quốc tế.”

Bà nói: “Báo cáo này cung cấp thêm lý do cho việc chúng tôi phản đối Trung Quốc buộc hồi hương những người tị nạn Triều Tiên… Qua đó có thể giúp chúng tôi có được sự hợp tác chính trị từ Trung Quốc.”

Tuyết Mai

Xem thêm: